Trực thăng đã từ chối cứu hộ cao ốc EVN

camnhung |

Tuy đã nhận được yêu cầu tham gia cứu hộ nạn nhân nhưng các cán bộ điều hành trực thăng cứu hộ đã phải từ chối vì nhiều lý do.

Hiện nay Việt Nam đã có máy bay cứu hộ chuyên dụng là Mi- 171 được trang bị hệ thống đổ nước dập cháy từ trên không. Tuy nhiên, dù đã được yêu cầu, chiếc Mi-171 không được lệnh cất cánh đêm qua vì nhiều lý do.

Trực thăng cứu hộ Mi-171 của Việt Nam

Trao đổi PV, một cán bộ của Công ty dịch vụ trực thăng (Bộ Quốc Phòng) – một đơn vị có bề dày kinh nghiệm trong công tác cứu hộ, cứu nạn- khẳng định: Máy bay trực thăng không thể hoạt động trong điều kiện đám cháy tạo ra biển khói đen dày đặc như vậy.

Bởi máy bay trực thăng đòi hỏi hoạt động trong điều kiện khí tượng có sự ổn định nhất định để đảm bảo an toàn cho phi công và phương tiện.

Vì vậy, tuy đã được yêu cầu, nhưng các cán bộ điều hành đã khẳng định trong điều kiện như vậy, không thể thực hiện được các chuyến bay cứu hộ.

Trực thăng không thể tham gia cứu hộ, lực lượng chức năng phải dùng thang dây để đưa nạn nhân thoát khỏi tòa nhà cháy

Theo tiết lộ của một phi công trực thăng lão luyện, người đã thực hiện hàng trăm lần chuyến bay cứu hộ, cứu nạn đặc biệt là bay cứu hộ bão lụt của Quân chủng Phòng không- Không quân, có 2 lý do để không thể cứu hộ bằng trực thăng trong vụ cháy đêm qua.

Thứ nhất, đám khói quá đen, quá dày đặc, gây hạn chế rất lớn đến tầm quan sát của phi công và các thành viên tổ bay.

Thứ hai, trong điều kiện có đám cháy lớn, luồng khí nóng tỏa ra, khiến cho mật độ không khí giảm (loãng không khí), dẫn đến áp suất thấp dẫn đến lực nâng của máy bay bị giảm và công suất động cơ trực thăng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Điều đó cực kỳ nguy hiểm đến tính mạng của những người đi… cứu hộ chứ chưa nói đến việc cứu được người gặp nạn hay không.

Còn dùng máy bay để dập cháy từ trên không, cũng là không hiệu quả trong trường hợp này.

Việt Nam đã được trang bị máy bay cứu hộ Mi- 171, khí tài này có được trang bị một gầu múc nước dùng để dập cháy từ trên không với 3 khối nước một lần xả.

Nhưng tòa nhà lại cháy từ bên trong nên việc dội nước từ bên ngoài là việc làm vô nghĩa.

Đó là chưa kể việc, tòa nhà có bãi đỗ trực thăng hay không? những vật cản như nhà cao tầng, cột ăng-ten (từ chuyên môn gọi là tiêu cao) xung quanh tòa nhà đó cũng ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động bay…

Phi công trên cũng chính là người đã từng điều khiển máy bay cứu hộ chuyên dụng để dập cháy rừng khu vực Hoàng Liên vào tháng 12 năm 2009.

Anh kể lại: khi chúng tôi điều khiển máy bay vào cách đám cháy 200m, do ảnh hưởng của luồng không khí từ đám cháy phát ra khiến máy bay rung lắc, giật rất mạnh. Phi công không thể quan sát được các thông số kỹ thuật hiện trên đồng hồ máy bay.

Trong tình hình đó, tổ bay phải điều khiển máy bay bay cách xa đám cháy hơn 1000m thì khí tài mới hoạt động bình thường trở lại… Máy bay trực thăng là loại khí tài đòi hỏi phải hoạt động trong điều kiện không khí tương đối ổn định.

Có lẽ vì vậy mà trong vụ cháy tòa tháp đôi ở Mỹ, máy bay cứu hộ cũng chỉ dám… lượn vòng quanh chứ chưa có chiếc nào đáp xuống để làm nhiệm vụ cẩu cứu người bị nạn.

Sáng nay, một quan chức của thành phố đưa ra ý kiến phải tính đến giải pháp trang bị trực thăng cứu người trong hoàn cảnh này.

Theo Dương Ngọc

Infonet

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại