Nhiều ý kiến cho rằng, có nguyên nhân ở cả khâu thiết kế và phương án tổ chức giao thông, trước mắt cần bỏ danh xưng “cao tốc” của tuyến này.
“Không còn là cao tốc”
Tuyến đường cao tốc trên cao vành đai 3 đang cho phép ô tô được chạy với tốc độ tối đa 80km/h - mức châm chước đối với loại hình cao tốc.
Tuy nhiên, hiện nay, hầu như các phương tiện lưu thông ban ngày trên tuyến này khó có thể đạt được tốc độ này, đặc biệt là qua các nút giao ra vào cao tốc.
Đơn cử, nút giao vào cao tốc trên đường Khuất Duy Tiến, trước tòa nhà Number One vào giờ cao điểm luôn xảy ra tình trạng ùn tắc nặng nề.
Đoàn xe nhích từng mét, bò lên cao tốc, thỉnh thoảng lại có những xe khách chạy rà trước tòa nhà Number One bắt khách (Tiền Phong từng phản ánh và hiện vẫn tái diễn trước sự bất lực của lực lượng chức năng) rồi đột ngột chuyển làn để lên cao tốc.
Hiện tượng này khiến tình hình giao thông lúc cao điểm càng thêm hỗn loạn. Lên đến cao tốc, các đoàn xe chậm rì này cản dòng phương tiện đang lưu thông.
Tình trạng ùn ứ tương tự xảy ra ở hầu hết các điểm lên xuống của cao tốc này (các nút giao chỉ cách nhau vài kilômét), đặc biệt là vào giờ cao điểm, ngày mưa, ngày lễ.
Nhiều lần thử nghiệm chạy xe trên tuyến vào giờ thấp điểm không xảy ra ùn tắc, xe của chúng tôi chỉ đạt tốc độ trung bình trên toàn tuyến ở mức 40-50 km/h.
Trung tá Đỗ Mạnh Ninh, đội trưởng CSGT số 7 (Phòng CSGT Hà Nội, quản lý giao thông một đoạn tuyến vành đai 3 trên cao) cho rằng: Có xảy ra tình trạng ùn ứ tuyến đường phía dưới, kéo theo tình trạng ùn ứ trên cao vào giờ cao điểm.
Ngoài ra, do tuyến đường cao tốc trên cao này không có làn dừng khẩn cấp nên khi xảy ra sự cố hỏng xe, tai nạn dẫn đến ùn tắc, rất khó giải tỏa.
“Vành đai 3 nói là cao tốc nhưng không đúng cao tốc, vì thường xuyên có nút giao cắt; xe chạy một đoạn lại giảm tốc độ. Không nên gọi tuyến đường này là đường cao tốc” - trung tá Nguyễn Hồng Thái, nguyên Đội trưởng CSGT số 14 Hà Nội cho hay.
PGS.TS Lưu Đức Hải - Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng cho rằng: Vành đai 3 trên cao là thành quả lớn của giao thông đô thị Việt Nam.
Tuy nhiên, tốc độ lưu thông xe không đạt như kỳ vọng một phần do thiết kế các nút giao chưa hoàn chỉnh. “Đây có thể là sự lệch pha giữa các cơ quan thực hiện dự án, cụ thể ở đây là Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội.
Đây cũng là dấu hiệu lệch pha giữa dự án làm trước và dự án làm sau phổ biến ở các đô thị” – ông Hải nói.
Một cán bộ thuộc Tổng Cty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (chủ đầu tư cao tốc Hà Nội – Hải Phòng) có sự quan tâm đặc biệt với tuyến này cho hay:
Tại các nút giao khác mức của tuyến này, nếu các nhà thiết kế kết hợp xây dựng một cầu vượt qua nút giao, gắn luôn vào đường vành đai 3 trên cao thì chi phí xây dựng sẽ giảm và giải quyết nhanh gọn bài toán ùn tắc; không cần làm hầm chui tốn kém như hiện nay.
Nạn xe khách xuyên tâm, tạt ngang đón khách
Trong khi các giải pháp cải thiện tốc độ trên tuyến cao tốc này ngốn không ít kinh phí và thời gian, việc có thể làm ngay là cách thức tổ chức giao thông và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Theo quan sát của PV từ các tòa nhà cao tầng xuống tuyến đường này, trong dòng phương tiện lưu thông có một lượng không nhỏ là các xe khách chạy xuyên tâm đón khách.
Lật lại quá trình tổ chức luồng tuyến xe khách Hà Nội cho thấy, sau khi tuyến đường này đưa vào sử dụng (tháng 10/2012), ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, đây là lối thoát cho các xe khách chạy xuyên tâm, không gây ùn tắc.
Tuy nhiên, với tình trạng như hiện nay, cần xem xét nghiêm túc “lối thoát” này, thực hiện nghiêm chủ trương xe khách dừng ở cửa ngõ như chủ trương của lãnh đạo UBND TP Hà Nội từ trước đến nay.
Thực tế, tình trạng xe khách xuyên tâm như hiện nay kéo theo không ít hệ lụy. Không chỉ đón trả khách phía dưới, khi lên cao tốc, xe khách vẫn “tạt ngang, tạt ngửa” đón trả khách và xuất hiện đội ngũ xe ôm túc trực tại đây.
Đại diện các lãnh đạo Đội CSGT có tuyến cao tốc đi qua đều cho biết, không thể xử lý nổi tình trạng này. “Khi lực lượng CSGT xuất hiện, xe khách không bao giờ dừng đón trả khách, nhưng lòng đường trên đó hẹp, anh em không thể chốt chặn.
Nếu phát hiện cũng khó xử lý, vì rất nguy hiểm khi dừng xe”– trung tá Đỗ Mạnh Ninh cho hay.
Vành đai 3 trên cao Hà Nội được thiết kế tối đa 100 km/h; thực tế, trên tuyến đang cắm biển tối đa 80 km/h. Cục Quản lý Cao tốc (Tổng cục Đường bộ) cho biết, năm 2014, Bộ GTVT yêu cầu điều chỉnh đúng tốc độ thiết kế (tuy nhiên, Sở GTVT Hà Nội đề nghị giữ nguyên 80 km/h – PV). Cục này cho rằng, tốc độ khai thác của tuyến hạn chế do nút giao ra/vào không đáp ứng được lượng phương tiện quá lớn như hiện nay.