Để đáp ứng nhu cầu vui chơi của công chúng thủ đô nhân dịp tết Trung thu, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức chương trìnhTrung thu 2012: Vui cùng đồ chơi dân gian diễn ra trong hai ngày (từ 29-30/9 tức ngày 14-15/8 âm lịch).
Mới sáng sớm nhưng trước cổng Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam rất đông các gia đình, các cháu nhỏ và thậm chí có nhiều cặp bạn trẻ…
Hiện nay, các loại đồ chơi, trò chơi nhập ngoại đang có phần lấn át khiến các bạn trẻ, các cháu nhỏ lãng quên các trò chơi cổ truyền. Nhằm tạo điều kiện cho các cháu nhỏ, các bạn trẻ tiếp cận và hiểu biết những đồ chơi và những trò chơi truyền thống Việt Nam, đồng thời góp phần khích lệ và bảo tồn phát huy nghề thủ công làm đồ chơi dân gian, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã kiên trì tổ chức hàng năm để giữ truyền thống đó.
Rất nhiều trò chơi truyền thông được các bạn nhỏ nhiệt tình hưởng ứng.
Hàng trăm bạn nhỏ đã có cơ hội hiểu hơn về biển Việt Nam thông qua một số hoạt động của những người dân đến từ các vùng biển như hát trả bạo, chơi bài chòi (Bình Thuận, Quảng Ngãi), múa sư tử trên cà kheo và đan lưới (Hải Triều, Nam Định), uốn lưỡi câu (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh); qua các trò chơi mang sắc thái văn hóa biến như lắc sò, hắt sò, chồng nụ chồng hoa…. Bên cạnh đó còn có các hoạt động trình diễn múa rối nước, làm cốm, làm bánh dẻo… của vùng châu thổ sông Hồng.
Đặc biệt, các bạn nhỏ còn vô cùng hào hứng và thích thú khi được tìm hiểu các đồ chơi dân gian đặc trưng của tết Trung thu thông qua các hoạt động làm đèn ông sao, đèn kéo quân, trống bỏi, nặn tò he, tô vẽ mặt nạ, tàu thủy sắt tây…
Các gia đình ngay nay đều muốn giáo dục con em họ tới những giá trị truyền thống
Dắt con đi tìm các trò chơi anh Nguyễn Minh Tuấn sống tại khu đô thị Nam Trung Yên (Hà Nội) chia sẻ: “Trong những ngày qua, trên báo đài đã thông tin rất nhiều về việc đồ chơi của Trung Quốc rất độc hại, để tạo không khí vui vẻ cho các cháu trong ngày rằm trung thu cả gia đình đã quyết định đến Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.
Đến đây có rất nhiều các trò chơi dân gian thú vị mà trong cuộc sống thường ngày chúng ta khó còn gặp được. Đó cũng chính là những món đồ chơi Trung thu ngày xưa chúng tôi đã từng háo hức mong đợi. Tôi mong cháu mình lớn lên cũng luôn biết đến những giá trị truyền thống của cha ông ta xưa nay, hơn nữa các cháu không phải tiếp xúc với những trò chơi bạo lực, độc hại như hiện nay”.
Các bé cùng trổ tài năng khiếu hội họa
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) hiện nay, Bộ Chính trị đang có cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Chính vì thế hơn ai hết, các bậc phụ huynh phải là định hướng cho con cái hướng đến những mặt hàng truyền thống. Nhiều đồ chơi của nước ta giá không đắt, lại an toàn và còn giàu ý nghĩa truyền thống. Mua đồ chơi truyền thống cho con trẻ không chỉ đảm bảo được tính vui chơi mà còn mang tính giáo dục rất lớn.
Các trò chơi cổ truyền cũng thu hút được sự quan tâm của trẻ em nước ngoài