Giữa trời mưa tầm tã, những tiếng khóc xé tan màn đêm yên tĩnh vùng núi rừng Châu Lý (Quỳ Hợp, Nghệ An). Cả đêm qua, người dân thức trắng để cùng thầy cúng làm vía cho người xấu số theo phong tục dân tộc Thái.
Con đường rừng từ thị trấn Quỳ Hợp đến xã Châu Lý sâu hun hút với nhiều gấp khúc quanh co. Trên tuyến đường độc đạo đi qua hai bản Bù Lầu và Na Lạn, những chiếc cờ tang cắm vội bay lất phất trong khói nhang nghi ngút.
Những chiếc cờ tang được cắm vội, bay lất phất trên đường rừng Châu Lý. Ảnh: Nguyên Khoa
Dù đã nửa đêm nhưng ông Cao Thanh Hiền, Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Châu Lý, vẫn cùng một cựu chiến binh đi mượn đồ để chuẩn bị cho đám tang của anh Lê Văn Lường (42 tuổi) ở bản Na Lạn.
Rời quê hương Hà Tĩnh lên vùng rừng núi Châu Lý lập nghiệp, anh Lường cũng như nhiều người dân sống chủ yếu nhờ làm gỗ, bốc gỗ thuê. Hai đứa con đang tuổi ăn tuổi học, vợ chồng anh Lường quyết tâm xây cất ngôi nhà để ở. “Nhà đang làm dở thì thiếu tiền nên anh ấy đi bốc gỗ thuê, chưa kịp lấy được tiền công thì đã chết thảm”, chị Nguyễn Thị Tâm, vợ anh Lường khóc nức nở.
Tối 7/12, anh em, bà con chòm xóm cùng chính quyền địa phương có mặt tại nhà anh Lường một lúc rồi đội mưa sang nhà ông Lô Văn Hùng ở cùng bản để chia buồn và làm vía cho hai đứa con của ông Hùng theo phong tục của người Thái. Trên chuyến xe gỗ định mệnh, hai người con trai của ông Hùng là anh Lô Văn Thông (23 tuổi) và Lô Văn Minh (21 tuổi) đều tử nạn.
Gia đình ông Hùng nghèo bậc nhất ở bản Na Lạn. Cả đại gia đình sống trong căn lán ở khe suối. Cách đây 2 năm, cậu con trai thứ Lô Văn Minh lấy vợ, đã có 2 đứa con nhưng chưa có nhà ở. Năm vừa rồi người anh cả Lô Văn Thông cũng lập gia đình và sinh con nên hai đôi vợ chồng trẻ phải tá túc trong căn lán tạm của ông Hùng.
Bé gái một tháng tuổi (con của anh Lô Văn Minh) ngủ trong tay người thân, bên cạnh là người vợ trẻ mất chồng. Ảnh: Nguyên Khoa.
Khi cả mấy cha con, anh em đang cố gắng dựng cái nhà mới cho rộng rãi thì cũng là lúc Thông và Minh qua đời. Buổi sáng nghe tin xe tải chở gỗ lật ở đèo Pù Huột, chị Lương Thị Dung (vợ anh Thông) và chị Lo Thị Nghi (vợ anh Minh) nhờ người chở thẳng sang Bình Chuẩn. Đến nơi thấy thi thể hai anh em không còn nguyên, cả hai đều ngất xỉu và được mọi người khiêng về nhà cùng thi thể của chồng.
Lúc đưa xác Thông và Minh về đến nhà và trùm kín vải trắng, cả ba đứa con nhỏ của hai anh hồn nhiên bò lên để ôm bố qua lớp vải. Chứng kiến cảnh đó, không ai cầm được nước mắt. Tối 7/12, túp lều của nhà ông Hùng chật kín sau khi đặt hai chiếc quan tài của hai đứa con, ở giữa hai cô vợ trẻ đầu chít khăn tang ôm 3 con nhỏ khóc thảm thiết.
Trong 10 người chết vì lật xe gỗ rạng sáng 7/12 có tới 3 cặp anh em ruột. Ngoài hai anh em Thông, Minh chết tại chỗ còn có Vi Văn Là - Vi Văn Hiếu và Vi Văn Việt - Vi Văn Tíu đều một người chết tại hiện trường và một người chết trên đường cấp cứu. Ngoài ra anh em Vi Văn Dũng - Vi Văn Dương cũng đang trong tình trạng nguy kịch.
Những người còn lại hầu hết là anh em, họ hàng nội ngoại của nhau. Vì quá nghèo nên khi có người thuê đi bốc gỗ họ liền gọi anh em, người thân của mình đi kiếm thêm đồng thu nhập chuẩn bị Tết. Vì còn rất trẻ, chưa ai chuẩn bị cho mình di ảnh nên tất cả bàn thờ được lập vội trong đêm 7/12 đều không có ảnh. Để làm được bức ảnh thờ, gia đình phải cắt cử người vượt gần 250 km xuống thành phố Vinh, mất gần một ngày trời mới có.
Đêm qua, người dân xã Châu Lý thức trắng cùng những người xấu số. Ảnh: Nguyên Khoa.
Chưa bao giờ vùng núi rừng Châu Lý lại có nhiều cái tang như vậy. Toàn bộ đồ tang của bản Na Lạn không thể đủ cho 5 gia đình nên người dân phải chạy đôn chạy đáo khắp các bản trên, xóm dưới để mượn cho đủ cờ quạt, trống kèn. Thầy làm vía cũng phải chạy như con thoi từ nhà này sang nhà khác để cúng vía cho những người đã khuất.
“Ta sống gần hết đời người rồi mà chưa khi mô gặp cảnh như ri. Trước đây chiến tranh cũng không chết một lúc như bây giờ”, một già làng ở bản Na Lạn thở dài khi nói về việc 5 người đàn ông của bản này bị chết thảm sau tai nạn.
Trời về khuya, mưa rơi nặng hạt, cái lạnh ở miền sơn cước càng thấu xương. Giữa núi rừng Châu Lý âm u, thỉnh thoảng lại bắt gặp những ánh đèn leo lét sáng trong những căn nhà của người bị nạn cùng tiếng khóc nỉ non càng khiến cho không khí ở bản nghèo thêm tang tóc.
Theo Nguyên Khoa
VNE