Bảo quản gạo bằng hóa chất độc hại
Trong
một lần đi mua gạo ở phường 22, quận Bình Thạnh, TPHCM, phóng viên được
nghe câu chuyện của một người chủ cửa hàng bán gạo và thương lái gạo
xoay quanh cách bảo quản gạo. Theo đó, muốn bảo quản gạo khô, không bị
mối mọt, nấm mốc hay chuột bọ tấn công thì phải thường xuyên đánh thuốc
diệt mối mọt xung quanh nhà kho.
Nếu mọt tấn công gạo nhiều thì xịt trực tiếp thuốc vào gạo. Cách làm này không chỉ trị được mọt mà hạt gạo cũng duy trì được độ bóng bẩy dù có để lâu ngày.
Chất dùng để xua đuổi, diệt mối mọt cho gạo được bày bán ở chợ Kim Biên
Lần theo một số cửa hàng bán gạo khác để tìm hiểu thực hư,được biết “công nghệ” bảo quản gạo này đã có từ lâu, được áp dụng khá phổ biến ở các đại lý gạo. Chủ vựa gạo rất kín tiếng trong việc “bật mí” cách bảo quản. Theo họ, đó là “bí kíp” riêng để bán gạo chạy và thu hút khách hàng. Đa phần dùng chiêu thức phun thuốc diệt mọt để bảo quản gạo nhưng phun nhiều hay ít tùy vào từng chủ vựa và từng thời điểm.
Chị Hằng, nhân viên bán gạo ở khu vực chợ Chiều, Bình Thạnh cho biết: “Do là nhân viên bán hàng thuê nên chủ bảo đánh thuốc thì chị phải làm theo. Gạo bị đánh thuốc bảo quản nhìn rất ngon nhưng nấu hạt cơm bở rục. Mua gạo Hương Lài khi nấu thì thấy mùi thơm nhưng khi ăn thì đến mùi cơm cũng chẳng còn”.Những cửa hàng có mặt bằng ẩm mốc hay gạo quá hạn sử dụng luôn bị xịt nhiều thuốc. “Khi nấu cơm, nhớ vo gạo cho kỹ để loại bỏ thuốc”, chị Hằng nói nhỏ.
Ngoài việc bảo quản gạo khỏi mối, mọt, với những loại gạo đã để quá lâu thường mất mùi thơm tự nhiên. Để tái tạo hương cho gạo, chủ vựa dùng đến loại bột tạo mùi…
Tràn lan hóa chất diệt mối mọt cho gạo
Qua
lời giới thiệu của chị Hằng, chúng tôi tìm đến chợ hóa chất Kim Biên
(quận 5, TPHCM) để mua loại thuốc bảo quản gạo. Như lời nhân viên ki ốt
C.T giới thiệu, thuốc bảo quản gạo thực ra là thuốc diệt côn trùng, trị
nấm, mối mọt.
Trong ngổn ngang hóa chất tẩy rửa toilet, hóa chất rửa tay còn có cả hóa chất diệt mối mọt cho gạo. Ngoài ra chất tái tạo hương thơm cho gạo là một dung dịch lỏng màu hồng, không nhãn mác.
Ở
khu chợ này, dân bán hóa chất rất kín kẽ với khách lạ. Nhưng khi tôi
giới thiệu muốn mở một đại lý bán gạo và tìm mùi tạo hương, bà Dung, chủ
ki ốt K.D, liền đon đả bày “chiêu thức” làm ăn. Bà Dung bảo, các đại lý
bán gạo vẫn hay đến đây mua hương cho gạo và nhiều mối ruột cứ đến
tháng lại ra lấy hàng.
Vừa nói bà Dung vừa xách một can nhựa trắng, bên trong đựng dung dịch lỏng màu hồng nhạt, không nhãn mác đưa cho khách xem và nói đó là hóa chất hương lài tạo thơm cho gạo.
“Chất này không chỉ tạo hương lài cho gạo mà còn dùng tạo hương thơm cho các loại bánh đấy. Nếu em thích hương lài thì chỉ việc xịt dung dịch vào là có mùi thơm như ý, liều lượng tùy thích mùi nhiều hay thoang thoảng…”, bà Dung quảng cáo một lèo.
Tại cửa hàng X.H bên cạnh, khi biết chúng tôi tìm mua thuốc bảo quản gạo, anh chủ quán cho biết anh là mối ruột của các vựa gạo lớn trong thành phố, kể cả các vựa ở miền Tây cũng lên đây tìm mua hóa chất bảo quản. Anh nhân viên đưa cho tôi một gói chống ẩm và hướng dẫn: “Gạo mà đã ẩm là đi kèm mốc vàng, vón cục rồi mối mọt sẽ xâm nhập ngay. Gói này chỉ cần bỏ vào bao gạo như bỏ vào trong hộp bánh là nó tự động hút ẩm giúp gạo luôn khô ráo, không vón cục. Không thích dùng gói hút ẩm thì em dùng loại thuốc bảo quản trộn hoặc phun trực tiếp vào gạo. Phun xong đảm bảo gạo em để vài tháng vẫn khô tơi, sờ tay vào hạt gạo thấy trơn tuột”.
Các chuyên gia cho rằng rất khó để xác định cụ thể tên, công thức sử dụng loại hóa chất diệt côn trùng và chất tạo hương (trong chai) cho gạo
Những viên thuốc màu trắng như bột sắn dây, kích cỡ nhỏ hơn hạt gạo, nhìn rất bắt mắt. Anh nhân viên hướng dẫn cách sử dụng khá đơn giản: Có thể trộn đều luôn với gạo hoặc hòa tan trong nước phun trực tiếp dạng phun sương vào gạo hay ngoài bao. “Với loại thuốc này, đảm bảo gạo không bao giờ bị mối mọt tấn công. Còn liều lượng thì tùy sử dụng…” - nhân viên này khẳng định. Giá thuốc bán sỉ là 60.000đ/kg, bán lẻ 80.000đ/kg. “Loại này em bán nhiều lắm rồi. Có vựa gạo lấy cả vài chục kg về bảo quản hàng”, anh bán hàng nói.
Khó xác định hóa chất bảo quản gạo
Thạc sĩ Bùi Quốc Anh- Phó Phòng Công nghệ sinh học- Ban Quản lý Khu công nghệ cao TPHCM - cho biết, chất tạo mùi cho các loại gạo hoàn toàn có khả năng mua được ngoài thị trường. Gạo tốt, hương tự nhiên thì ngoài mùi còn có vị và độ dẻo nhất định mang tính đặc trưng của gạo đó. Nếu dùng gạo “dỏm” pha thêm hương liệu thì chỉ có tính tạo mùi, còn bản chất của gạo đó vẫn không thay đổi.
Về chất tạo hương cho gạo mà phóng viên phản ánh, Thạc sĩ Bùi Quốc Anh cho rằng có thể đó là chất tạo hương trong thực phẩm. Với loại chất này, nếu dùng đúng thì tương đối an toàn với sức khỏe con người; dùng quá liều có thể gây nguy hại. Ví dụ, hương hoa nhài có loại dùng cho thực phẩm thì được nhưng cũng có loại dùng trong sản xuất nhang, đèn (giá rẻ)… thì sẽ ảnh hưởng sức khỏe.
Về
loại hóa chất dùng để phun lên gạo và nhà kho để xua đuổi, diệt mối,
mọt…, ông Ngô Văn Bình – Chuyên viên nghiên cứu về công nghệ sau thu
hoạch, thuộc Phân Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch
tại TPHCM - cho rằng rất khó để xác định đó là loại hóa chất gì. Ông
Bình cho biết, hiện có rất nhiều loại hóa chất từ Trung Quốc nhập về rồi
pha chế, hòa trộn lẫn nhau nên không dễ để phân tích, xác định cụ thể.
Cũng có nhiều hình thức xua đuổi sâu, mọt bảo quản gạo nhưng việc dùng
các loại hóa chất lạ, không xác định rõ nguồn gốc là điều không nên vì
có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Theo Công Quang
Dantri.com.vn