Chủ trương học lệch giờ làm lệch ca đã được chính quyền TP HCM nghiên cứu từ năm 2001. Trong đó, giải pháp đầu tiên và được xem là trọng tâm chính là bố trí lệch ca, lệch giờ làm, học tập.
Hướng đến chủ yếu là học sinh và công nhân các khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN) nên khi đề xuất phương án thay đổi, Sở Giao thông Vận tải đánh giá sẽ không gây xáo trộn ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của dân. Theo đó, tất cả cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn, kể cả bộ phận thực hiện dịch vụ hành chính công, tổ chức chính trị, xã hội thuộc thành phố đều bắt đầu làm từ 7h30 hoặc 8h, kết thúc 16h, 16h30 hoặc 17h.
Từ năm 2007, UBND thành phố đã cho thực hiện thí điểm "lệch giờ, lệch ca" nhưng kế hoạch này không hiệu quả. Ảnh:H.C
Tuy nhiên, kết quả khảo sát và qua kiểm tra thực tế cho thấy hầu hết các KCN, KCX đều không nằm trong khu vực nội thành nên không ảnh hưởng nhiều. Nhiều nơi đã bố trí giờ làm theo ca kíp riêng, phân bổ công nhân đồng đều, giờ giấc tăng ca và ra về cũng lệch nhau... nên không phải là nguyên nhân gây ùn tắc nghiêm trọng.
Do đó khung thời gian do TP HCM đề xuất đã gặp phải nhiều ý kiến phản đối từ các doanh nghiệp, cũng chính là những phụ huynh có con em đang đến trường. Cùng với rất nhiều băn khoăn về tính khả thi, đề xuất này đã không được HĐND thành phố thông qua.
Sau đó, lãnh đạo TP HCM thống nhất chỉ thí điểm bố trí lại giờ học tại các trường. Cụ thể, học sinh tiểu học và THPT vào học lúc 7h sáng, cấp THCS sau đó 15 phút và cũng muộn hơn từng đó thời gian đối với cấp mầm non.
Hiện nay, ùn tắc giao thông vẫn là vấn đề nóng bỏng tại 2 đô thị lớn là TP HCM và Hà Nội. Ảnh:H.C
Đến năm 2009, một lần nữa TP HCM lại nhắc đến giải pháp lệch ca, lệch giờ. Nhưng đề xuất giờ này một lần nữa đã không được HĐND thành phố thông qua.
Nhìn nhận ở góc độ đơn vị trực tiếp thực hiện thí điểm, ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng Công tác chính trị học sinh - sinh viên Sở GD&ĐT TP HCM đánh giá biện pháp này đã làm giảm đáng kể "tình trạng ùn ứ tại các cổng trường".
Về kế hoạch thay đổi giờ làm, giờ học hiện nay của Bộ Giao thông Vận tải ở Hà Nội, ông Huy cho biết cá nhân ông thấy biện pháp này rất hay, là giải pháp cấp bách đề giảm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, ông Huy cho rằng nếu thay đổi luôn cả thời gian làm việc của cha mẹ như Bộ dự định thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến phụ huynh.
Để giảm tình trạng ùn tắc vào giờ cao điểm, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất thay đổi thời gian làm việc và học tập. Cụ thể công chức cơ quan trung ương sẽ làm giờ ca sáng từ 9h đến 12h; ca chiều từ 13h đến 18h. Công chức Hà Nội sẽ làm giờ ca sáng từ 8h30 đến 12h; ca chiều từ 13h đến 17h30.Bậc mầm non, tiểu học, THCS sẽ học bán trú từ 8h đến 17h30. Học sinh THPT sẽ học ca sáng từ 7h đến 11h; ca chiều từ 12h30 đến 16h30.
Theo VNE