Tàu Thần Châu của Trung Quốc ghép nối thành công, đánh dấu mốc rất quan trọng trong chương trình vũ trụ ra đời từ năm 1956. Từ nay Trung Quốc trở thành nước thứ ba trên thế giới thực hiện được việc ghép thiết bị trong không gian
Hình minh họa tàu Thần Châu 8. Ảnh:zdnet.co.uk.
Ngành khoa học vũ trụ của Trung Quốc ra đời từ khi Bắc Kinh thành lập Học viện số 5 thuộc Bộ Quốc phòng vào năm 1956. Nhiệm vụ chính của học viện là nghiên cứu và chế tạo tên lửa.Ngày 19/2/1960, tên lửa đẩy đầu tiên của Trung Quốc – mang tên T7 – được phóng thành công tại Thượng Hải, tạo tiền đề cho việc đưa vệ tinh nhân tạo vào không gian. Bốn năm sau, Trung Quốc phóng tên lửa T-7A từ tỉnh An Huy để đưa chuột lên độ cao 70 km.
Sau năm 1965, do Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu lớn trong công nghệ tên lửa, Bắc Kinh bắt đầu lên kế hoạch chế tạo loại tên lửa đẩy Trường Chinh. Yêu cầu của Bắc Kinh là tên lửa đẩy Trường Chinh phải đưa được nhiều loại vệ tinh nhân tạo vào không gian.
Ngày 24/4/1970, vệ tinh nhân tạo đầu tiên của Trung Quốc được phóng từ Trung tâm Phóng vệ tinh Tửu Tuyền tại tỉnh Cam Túc. Tên lửa đẩy Trường Chinh 1 được sử dụng trong vụ phóng. Sự kiện ấy biến Trung Quốc thành quốc gia thứ năm trên thế giới đưa vệ tinh nhân tạo lên quỹ đạo bằng tên lửa do họ chế tạo.
5 năm sau, Trung Quốc phóng thành công vệ tinh nhân tạo có thể thu hồi bằng tên lửa đẩy Trường Chinh 2, trở thành nước thứ ba trên thế giới có khả năng phóng vệ tinh nhân tạo có thể thu hồi. Trước đó chỉ có Mỹ và Liên Xô có khả năng đó.
Trung Quốc phóng tên lửa đẩy tầm xa đầu tiên từ Trung tâm Phóng vệ tinh Tửu Tuyền ra Thái Bình Dương vào ngày 18/5/1980. Tháng 10/1985, Bắc Kinh tuyên bố tên lửa Trường Chinh có khả năng đưa các vệ tinh của nước ngoài lên vũ trụ, bước đầu tiên trong tham vọng chinh phục thị trường quốc tế.
Ngày 7/4/1990, tên lửa Trường Chinh 3 đưa vệ tinh AsiaSat-1 của tập đoàn viễn thông Asia Satellite Telecommunications Holdings Limited vào vũ trụ. Đây là vụ phóng vệ tinh nước ngoài đầu tiên của Trung Quốc. Hai tháng sau, Trung Quốc phóng một vệ tinh khoa học của Pakistan và một vệ tinh của Trung Quốc lên quỹ đạo.
Thiên Cung 1 - module thí nghiệm không gian đầu tiên của Trung Quốc. Ảnh:AP.
Chương trình thám hiểm vũ trụ của Trung Quốc hứng chịu thất bại đầu tiên vào ngày 26/1/1995, khi tên lửa Trường Chinh 2E nổ tung ngay sau khi phóng tại Trung tâm Phóng vệ tinh Tây Xương.. Nhưng 4 năm sau, tên lửa Trường Chinh 2F đưa tàu Thần Châu 1 vào vũ trụ và thực hiện 14 lần bay quanh trái đất. Sau đó Trung Quốc lần lượt phóng các tàu Thần Châu 2 vào năm 2001, Thần Châu 3 và Thần Châu 4 vào năm 2002.
Chuyến bay có người đầu tiên của Trung Quốc được thực hiện vào ngày 15/10/2003 với tàu Thần Châu 5. Tàu cùng nhà du hành Dương Lợi Vỹ được đưa lên vũ trụ bằng tên lửa đẩy Trường Chinh 2F. Dương Lợi Vỹ trở về sau 21 giờ trên quỹ đạo, thực hiện 14 chuyến bay quanh địa cầu. Trung Quốc trở thành quốc gia thứ ba trên thế giới (sau Liên Xô và Mỹ) đưa người lên vũ trụ.
Đúng hai năm sau đó, ngày 15/10/2005, Trung Quốc phóng tàu Thần Châu 6 với hai nhà du hành vũ trụ trong chuyến bay có người lái thứ hai của nước này. Thần Châu 6 đã bay quanh quỹ đạo trái đất 5 ngày với quãng đường 3,25 triệu km.
Hằng Nga 1, phi thuyền nghiên cứu mặt trăng đầu tiên của Trung Quốc, được phóng lên vào ngày 24/10/2007. Nó bay quanh mặt trăng và chụp những bức ảnh có độ phân giải cao.
Tháng 9/2008, Trung Quốc phóng tàu Thần Châu 7. Trác Chí Cương, nhà du hành trong tàu, đã thực hiện chuyến đi bộ đầu tiên của người Trung Quốc ngoài không gian.
Đêm 29/9, Thiên Cung 1 - tên của module thí nghiệm không gian đầu tiên của Trung Quốc - được đưa lên quỹ đạo.
Ngày 1/11, tàu Thần Châu 8 được phóng lên để thực hiện ghép nối với Thiên Cung 1. Nỗ lực ghép nối thành công này đã mở đường cho việc Trung Quốc đưa trạm không gian của họ lên quỹ đạo trong khoảng thời gian từ năm 2020 tới 2022.
Theo VNE