Tiểu thương Bát Tràng kiến nghị thu hồi đất của Hapro

thanhthao |

Các tiểu thương tại chợ Bát Tràng đã kiến nghị cơ quan chức năng thu hồi đất tại chợ Bát Tràng do Hapro quản lý.

Sáng ngày 6/11, ông Dương Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm đã có buổi làm việc với các tiểu thương đang kinh doanh tại chợ Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) liên quan đến việc các tiểu thương ở đây bao vây chợ.
Tiểu thương Bát Tràng kiến nghị thu hồi đất của Hapro 1
Người dân phản ánh những vấn đề bức xúc với lãnh đạo địa phương

Tại buổi làm việc, các tiểu thương đã kiến nghị với ông Dương Dũng một số nội dung:

Thứ nhất, xuất phát từ việc kinh doanh kém hiệu quả và sử dụng đất sai mục đích trong một thời gian dài của Công ty Cổ phần Sứ Bát Tràng (thuộc Tổng công ty Thương Mại Hà Nội, Hapro), các tiểu thương tại chợ Bát Tràng kiến nghị Hapro phải tiến hành thanh lí tài sản trên đất, trả cổ tức lại cho cổ đông, đồng thời kiến nghị các cơ quan chức năng xử lí nghiêm các sai phạm của công ty theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, căn cứ vào tình hình thực tế hiện nay, đề nghị các cấp có thẩm quyền quyết định cho các hộ đang kinh doanh ở chợ gốm thuê lại phần đất tại chợ Bát Tràng. Việc thuê lại này sẽ thông qua đại diện của các hộ kinh doanh là Hợp tác xã sản xuất Dịch vụ và Thương mại chợ gốm làng cổ Bát Tràng.

Thứ ba, đề nghị các cơ quan chức năng đảm bảo an toàn cho các hộ dân kinh doanh tại chợ Bát Tràng, không để “xã hội đen” vào đe dọa, ảnh hưởng tới việc kinh doanh của người dân.

Tiểu thương Bát Tràng kiến nghị thu hồi đất của Hapro 2
Ông Dương Dũng cho biết các hộ kinh doanh sẽ tiếp tục kinh doanh bình thường

Trước những phản ánh của người dân, tại buổi làm việc, ông Dương Dũng cho biết sẽ tiếp thu những kiến nghị của người dân và báo cáo lên thành phố Hà Nội để xin ý kiến. “Việc Công ty cổ phần sứ Bát Tràng sử dụng đất sai mục đích đã được Sở Tài nguyên và Môi trường kết luận từ lâu. Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã đề nghị Hapro phải sửa chữa những sai phạm trên.

Tuy nhiên thì thẩm quyền cao nhất về vấn đề này thuộc thành phố. Nhưng tôi được biết thì theo quy hoạch của thành phố khu đất này không phải là nơi để phát triển thương mại. Tôi sẽ tiếp thu ý kiến của bà con để báo cáo lên thành phố xin ý kiến”, ông Dũng nói.

Liên quan đến vấn đề kinh doanh hiện tại của các hộ dân, ông Dũng cho biết, trước mắt các hộ dân vẫn sẽ mở lại chợ kinh doanh bình thường. “Chúng tôi sẽ mời các hộ dân ra tiếp tục kinh doanh. Đồng thời đề nghị Công ty Cổ phần sứ Bát Tràng phối hợp cùng với người dân để giải quyết những vấn đề còn tồn tại.”, ông Dũng nói.

Còn đối với việc người dân phản ánh về tình trạng côn đồ đe dọa người dân, ông Dũng cho biết sẽ cam kết đảm bảo an ninh, an toàn cho các hộ dân yên tâm kinh doanh.

Tiểu thương Bát Tràng kiến nghị thu hồi đất của Hapro 3
Bên ngoài cổng chợ, tiểu thương vẫn tiếp tục ngừng kinh doanh

Trước đó như Soha.vn đã phản ánh, từ sáng ngày 5/11, hàng trăm người dân kinh doanh trong chợ gốm làng cổ Bát Tràng đã đóng cửa quầy, ngừng kinh doanh buôn bán, tập trung tại cổng chợ, phản đối đơn vị quản lý chợ.

Chợ gốm Bát Tràng ra đời từ năm 2004 với sự hợp tác giữa người dân làng gốm và Công ty Cổ phần Sứ Bát Tràng. Theo đó, 2 bên thống nhất đầu tư xây dựng dưới dạng hợp đồng thuê ki-ốt, Công ty Cổ phần Sứ Bát Tràng có mặt bằng được nhà nước giao sản xuất, phía người dân làng gốm góp tiền xây dựng với diện tích ban đầu là 13,5 m2/ki-ốt.

Sau khi kết thúc hợp đồng thuê ki-ốt 5 năm, đến nay, giữa người dân và Hapro Bát Tràng vẫn chưa thống nhất được phương án ký kết hợp đồng tiếp theo do giá thuê được tính cao hơn so với trước kia.

Vấn đề phát sinh từ ngày 26/10 vừa qua, khi 5 hộ kinh doanh trong chợ nhận được thông báo từ Công ty Cổ phần Đồng Tiến Thành (trụ sở tại quận Ba Đình, Hà Nội) về việc công ty này đã ký hợp đồng thuê 5 ki-ốt mà 5 hộ đang kinh doanh.

Đến ngày 2/11, hơn 50 đối tượng “đầu gấu” kéo đến chợ, đe dọa, khủng bố tinh thần người dân từ 11h trưa đến 17h chiều khiến người dân vô cùng bức xúc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại