Những phi công thực thụ
Nhìn anh Mạnh Hùng khi anh đang điều khiển chiếc máy bay trực thăng mô hình, nhiều người trầm trồ tán dương vì những pha nhào lộn đẹp mắt, khi thì liệng cách mặt đất chỉ vài cm, khi lại xoắn mấy vòng trên không, lúc lại vừa bay ngược vừa quay tít… Lại gần hỏi thăm, không ai nhận được câu trả lời nào. Ai cũng nghĩ anh Hùng kiêu căng khó gần, nhưng khi dừng chiếc máy bay lại, anh Hùng mới vui vẻ phân trần: “Khi đang “bay” thì không thể trả lời bất cứ câu hỏi nào của mọi người được! Chỉ một giây mất tập trung có thể gặp tai nạn ngay”. Anh Hùng cho biết: “Người lái máy bay mô hình luôn phải tập trung cao độ như một phi công thực thụ vậy. Chỉ một sai sót cũng có thể khiến máy bay đập, và gây chấn thương cho người khác. Đã cầm lấy bộ điều khiển để “bay” thì phải như là đang ngồi lái trên chính chiếc máy bay đó”.
Ở Việt Nam không có bán sẵn máy bay mô hình, người chơi thường phải đặt mua từ Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Nhật Bản hoặc Xinhgapo. Mỗi chiếc máy bay sử dụng một loại động cơ khác nhau: Chiếc dùng xăng A92 pha dầu, chiếc chạy điện... Cứ sáng chủ nhật hàng tuần, những người chơi máy bay mô hình lại tập hợp tại sân bay Gia Lâm để "luyện”, biểu diễn những pha nhào lộn thót tim. Hàng trăm người chơi với hàng chục chiếc máy bay mô hình thi nhau gầm rú, cùng những pha trình diễn ngoạn mục. Nhiều cảnh tượng như chỉ xuất hiện trên phim ảnh khi những chiếc trực thăng nhả khói thành vệt trên trời xanh, phi cơ nhào lộn mấy vòng. Muôn màu những loại máy bay, có chiếc dài hơn 2 m, sải cánh 2,5 m, vỏ được làm bằng gỗ bansa, bay cao được hơn 100 m.
Một buổi giao lưu của CLB máy bay mô hình ở Hà Nội.
Chơi máy bay mô hình mang lại cảm giác thỏa mãn khi đưa chiếc máy bay lên những tầm cao. Buổi sáng khi tập thể dục, buổi chiều sau giờ làm về, bất kể khi nào rảnh rỗi, những người đam mê thú vui này lại mang máy bay ra luyện. Anh Lê Tùng, một người nhiều năm theo đuổi thú chơi này, chia sẻ: “Cảm giác khi tự mình điều khiển được một chiếc máy bay chao nghiêng, nhào lộn... theo ý muốn là một niềm vui sướng đến khó tả. Sau mỗi cú lượn nhào của máy bay là cảm giác chiến thắng chính bản thân mình”. Khi đang say sưa điều khiển chiếc máy bay của mình, người điều khiển cũng sẽ gặp nhiều tình huống, sự cố như với một chiếc máy bay thật. Đó luôn là niềm hứng khởi, thôi thúc người chơi chinh phục không gian, làm chủ đứa "con cưng" của mình được bay cao, bay xa và bay lâu hơn.
Có tiền vẫn phải học cách chơi
Câu lạc bộ máy bay mô hình được hình thành năm 2006, qua 5 năm hoạt động đã trở thành một diễn đàn kỹ thuật hàng đầu, thu hút được hơn 7.000 thành viên. Dù tuổi nghề còn non trẻ, nhưng giới chơi máy bay mô hình Hà Nội luôn biết cách chứng tỏ mình bằng những chiếc máy bay “khủng” cùng những ngón nghề điêu luyện. Bộ sưu tập máy bay phản lực hoành tráng của anh Nguyễn Văn Tân với hơn chục chiếc máy bay mô hình các loại, trong đó chủ yếu là máy bay phản lực F18, F4, máy bay chuồn chuồn... với giá trị hàng chục nghìn USD. Ở Hà Nội, từ máy bay cánh bằng, tàu lượn, có động cơ, diều, trực thăng, máy bay chiến đấu..., loại nào cũng có. Trực thăng thường đắt hơn khá nhiều so với các loại khác, loại cao cấp có thể lên đến cả chục ngàn USD.
Tuy nhiên, không phải cứ bỏ ra một đống tiền là có thể có được sự thỏa mãn trong thú chơi này. Thông thường, những “tân binh” thì phải bắt đầu luyện tập bằng máy bay lắp ráp sẵn có giá chỉ 500.000 đồng. Nhiều người chọn cách mua đĩa CD về tập lái trên máy tính 3 - 4 tháng, chỉ khi có cảm giác vững vàng thì mới dám bay thật. Dân chơi "pro" thì thường hay mua linh kiện về tự lắp ráp máy bay. Điều này đòi hỏi tốn không ít công sức để trang bị kiến thức về cơ khí, điện tử. Chi phí sửa chữa và tân trang mới là vấn đề đáng nói. Một chiếc phản lực SU30 có mức giá chỉ khoảng 10 triệu đồng, nhưng muốn có thêm bộ càng xếp bánh xe xịn thì tốn gần 1.000 USD. Hay như bộ servo lái để tăng sức mạnh độ kéo, giúp máy bay chạy nhanh, một “con” cần khoảng 4-5 cái, với đơn giá trên dưới 100 USD.
“Chẳng ai đã trở thành pro mà không đánh hỏng vài chiếc máy bay. Việc cho “đi” dăm ba chiếc máy bay là điều bình thường bởi máy bay hễ tai nạn là thiệt hại nặng”. Anh Mạnh Hùng cho biết, mỗi chiếc máy bay chỉ có giá khoảng đôi ba mươi triệu đồng, nhưng để có thể lái được như bây giờ anh đã phải tiêu tốn khoảng 200 triệu đồng. Cứ chơi lại hỏng, hỏng lại mày mò mua phụ tùng về sửa, có khi là mua vài cái mới, số tiền cứ tăng lên lúc nào cũng không hay biết. Khi đã trở nên thuần thục, người chơi phải là một người thợ cơ khí, điện tử biết cách chỉnh sửa, lắp ráp, thay thế phụ kiện. Mỗi chiếc mô hình vận hành theo những nguyên tắc như một máy bay thật, nặng khoảng 1-3 kg và có thể bay với vận tốc khoảng 80 km/giờ. Tầm xa của bộ điều khiển có thể lên đến 1 km, thoải mái đưa máy bay đi xa trong tầm nhìn.
Người chơi phải rất chăm chỉ tập luyện và kiên trì từng bước một. Từ những kỹ thuật bay cơ bản nhất là lượn, sau đó nâng lên từng cấp độ khó dần như xoay, bay nghiêng, bay vòng, bay ngửa, đứng yên hay kết hợp vừa nghiêng, vừa ngửa vừa xoay… Muốn máy bay vận hành theo ý muốn, người chơi phải thực sự hiểu món đồ của mình: Dùng pin gì, bộ cảm biến nào… để máy bay có thể liệng, đánh võng hoặc xoay vòng theo ý muốn. Cũng chẳng ngoa khi nói, mỗi chiếc máy bay như là một đứa con tinh thần!
Theo Tin Tức