Thịt bốc mùi thối vẫn có giấy kiểm dịch

lananh |

Liên tục các vụ vận chuyển thịt, nội tạng, bì động vật thối vào TP HCM bị phát hiện. Đáng sợ là nhiều lô hàng “bẩn” có giấy kiểm dịch.

Đội Quản lý thị trường Tân Phú vừa phối hợp với Đoàn liên ngành quận Tân Phú kiểm tra kho hàng nằm tại khu công nghiệp Tân Bình của công ty TNHH D.A.H, phát hiện gần 15 tấn thịt heo đông lạnh nhập khẩu trị giá trên 1 tỷ đồng không rõ nhãn hàng hóa, xuất xứ, không hạn sử dụng. Lô thịt heo này đã bị tụ huyết, chuyển màu xanh đen, bốc mùi hôi thối nhưng vẫn có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan chức năng Hải Phòng.

Thịt ươn, mỡ thối

Trước đó, đội quản lý thị trường Bình Chánh cũng phát hiện 10 tấn mỡ và 2.342 kg tóp mỡ đã chuyển sang màu đen, nổi mốc, bốc mùi hôi thối tại cơ sở do ông N.Q.T làm chủ. Chủ cơ sở cũng không trình được hóa đơn chứng từ và nguồn gốc xuất xứ của lô hàng.

Tương tự, trong tháng 6 vừa qua, trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức cũng phát hiện xe khách chất lượng cao BS 92K-87… lưu thông trên xa lộ Hà Nội vận chuyển gần 1 tấn mỡ heo đã bốc mùi hôi thối nên lập biên bản vi phạm, trong đó có 500 kg mỡ có giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật của cơ quan thú y tỉnh Quảng Nam nhưng qua kiểm tra nhận thấy cả lô hàng này quá hôi thối nên tiêu hủy tất cả.

Chủ hàng là hai anh em ở Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn khai nhận lô hàng trên sẽ được vận chuyển về cơ sở trên địa bàn huyện để chế biến thành mỡ nước và tóp mỡ rồi bán cho Công ty Đ.H.P (Hóc Môn) tiêu thụ.

Một lò thịt quay chui dùng thịt không rõ xuất xứ để chế biến.

Tình trạng thực phẩm động vật hư hỏng, thối rữa nhưng vẫn có đầy đủ giấy kiểm dịch của cơ quan chức năng diễn ra ngày càng nhiều, ở mọi địa bàn. Điều đáng lo ngại là các lô hàng thực phẩm bẩn lại nhắm đích đến thị trường TP HCM.Trong 10 tháng đầu năm 2011, Chi cục quản lý thị trường TP HCM phát hiện 3.443 vụ vi phạm về kiểm dịch động vật, vệ sinh thú y; đồng thời phát hiện 659 vụ vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), trong đó phần lớn là thực phẩm ngoại nhập lậu.

Mắm, tương cũng... bẩn

Không chỉ những thực phẩm chính yếu như rau, cá, thịt… mới nguy hiểm mà ngay cả những phụ gia như mắm, muối, tương cũng làm người dân đau đầu. Tại các chợ Kim Biên, Bình Tây tràn lan những mặt hàng phụ gia thực phẩm dạng viên để nấu lẩu, các loại hương vị tẩm ướp làm thực phẩm tươi, trái cây ngon.

Hầu hết các sản phẩm như gia vị, hương liệu cho lẩu, bún bò, canh hay các loại đồ hộp, siro… được dán nhãn ghi bằng tiếng Trung Quốc, không có tiếng Việt, ngày sản xuất, hạn sử dụng nhòe nhoẹt không rõ ràng. Với những sản phẩm loại này, người tiêu dùng muốn biết hướng dẫn sử dụng cũng đành bó tay, chưa nói đến nếu phát sinh hậu quả khi sử dụng không biết khiếu nại ai.

Theo tìm hiểu, rất nhiều sản phẩm gia vị, hương liệu được tiểu thương mua số lượng lớn của các đầu mối nhập từ Trung Quốc rồi về tự pha chế, chia ra từng gói, lọ, chai nhỏ để bán. Đơn cử, như đường tinh luyện trôi nổi, một số cơ sở nhỏ lẻ cố tình tẩm hóa chất làm ngọt với mục đích hấp dẫn người tiêu dùng.

Theo ông Nguyễn Trung Bính, Phó Chi cục quản lý thị trường TP.HCM, khoảng đầu năm 2011, đội quản lý thị trường 5A đã phối hợp với Đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ quận 6 kiểm tra 2 điểm kinh doanh và chứa hàng của bà N.T.T, phát hiện rất nhiều thực phẩm, hàng hóa Trung Quốc hết hạn, thay đổi bao bì mới.

Đáng lưu ý là có tới 1.250 kg bột ngọt không ghi ngày sản xuất. Tương tự, tại sạp 80 chợ Bình Tây, đoàn kiểm tra cũng phát hiện 40 kg đường hóa học, 1.000 kg bột ngọt và nhiều loại bánh kẹo khác do Trung Quốc sản xuất không rõ hạn sử dụng.

BS Phạm Việt Thanh, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cũng cho hay, hiện nhan nhản việc vi phạm ghi nhãn mác hàng hóa, nhất là các mặt hàng giá rẻ được kinh doanh ở chợ.

Theo Ngô Đồng

Báo Đất việt

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại