Thầy giáo "ăn xó mó niêu", đừng đổ lỗi cho đồng lương

thuhoe |

“Khi người thầy “ăn xó mó niêu” đừng đổ lỗi cho đồng lương…”

Nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo việt Nam 20-11, soha.vn đã nhận được những chia sẻ chân tình và sắc sảo của PGS. Văn Như Cương – Hiệu trưởng Trường THPT DL Lương Thế Vinh về tư cách đạo đức của người thầy trong xã hội hiện đại.

Đánh học sinh thể hiện sự bất lực của người thầy…

PGS. Văn Như Cương mở đầu câu chuyện với PV bằng một kỷ niệm thời thơ ấu của mình.

“Hồi nhỏ, tôi học ở trường làng. Bố tôi cũng là một thầy giáo của trường nên tôi thỉnh thoảng mới bị đánh so với các bạn khác. Có khi bị đánh vì mắc lỗi, có khi lại bị vạ lây, bị đánh oan… Có một lần đang trong giờ học, cậu bạn ngồi bên cạnh mải nghịch không nghe giảng. Thầy đã nhắc nhở nhiều lần nhưng không được. Thầy ngồi trên nóng quá cầm luôn lọ mực trên bàn ném vào cậu ấy nhưng không may nó lại bay thẳng vào trán của tôi. Về nhà với vết thương chảy máu trên trán, tôi phải nói dối bố là bị ngã…

Đó là trường hợp điển hình về sự mất bình tĩnh của người thầy và những ứng xử thiếu kiên nhẫn, không hay với học trò. Sau này lớn lên đi học, đi dạy, chứng kiến nhiều cách hành xử, tốt đẹp có, nhân văn có, tồi tệ có từ những người đồng nghiệp, tôi lại càng thấy rõ “cái tính hai mặt” của cái nghề mình đã chọn để gắn bó cả cuộc đời. Dạy học, dạy người thật khó!...”

Thầy giáo "ăn xó mó niêu", đừng đổ lỗi cho đồng lương 1
PGS. Văn Như Cương - Hiệu trưởng Trường THPT DL Lương Thế Vinh (Ảnh Thu Lê)

“Tôi chưa bao giờ để bản thân rơi vào trạng thái mất bình tĩnh…”

PGS. Văn Như Cương bộc bạch: “Mấy chục năm đứng lớp, tôi chưa bao giờ để bản thân mình rơi vào trạng thái mất bình tĩnh và không kiểm soát được hành vi. Trước khi đến lớp, bao giờ tôi cũng cố gắng “bứt ra” khỏi tất cả những áp lực, những chuyện không vui của cuộc sống thường nhật. Với tôi, khi lên lớp, tôi chỉ biết đến có một mối quan hệ duy nhất đó là thầy và trò. Việc duy nhất ở lớp học chỉ là dạy và học. Chuyện bực tức, khó chịu vì một lí do nào đó, thầy giáo phải tuyệt đối tránh để không ảnh hướng đến tâm trạng khi lên lớp…”

 “Trước nay, chúng ta đều quan niệm, người thầy phải là người chuẩn mực và làm gương. Đấy phải là một tấm gương sáng và đáng để tôn trọng. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, người thầy được hiểu theo những nghĩa tích cực và rộng mở hơn. Người thầy không phải là một ông thánh. Thầy cũng chỉ là một công dân bình thường như bao con người khác. Thầy giáo có thể ngồi trà đá vỉa hè, uống bia vỉa hè cùng bạn bè. Không ai ngăn cấm và đánh giá về tư cách đạo đức, lối sống của họ từ những việc nhỏ nhặt, đời thường này.

Thế nhưng, dạy học bằng bạo lực và coi đó như một “chế tài” như Trung tâm bồi dưỡng kiến thức cấp 2 của ông Phạm Minh Tuấn mà báo chí đã đưa thời gian qua là điều không thể chấp nhận được. Thầy giáo văng tục, chửi thề, chửi bậy, đánh đập học sinh không xứng đáng với chữ “thầy” cao quý…”, PGS. Văn Như Cương nhấn mạnh.

Cần một cuộc điều tra xã hội học rộng lớn và nghiêm túc để nhìn nhân lại

Liên tiếp những clip thầy đánh trò được tung lên mạng, khiến dư luận đặt nghi vấn, phải chăng đạo đức của người thầy đã xuống cấp đến mức báo động? PGS. Văn Như Cương phân tích: “Có phải đạo đức của người thầy ngày càng xuống cấp hay không? Đó là một câu hỏi lớn và chưa thể vội vàng kết luận được. Để kết luận, chúng ta cần có những cuộc điều tra xã hội học nghiêm túc và rộng lớn.

 Có thể, trước đây cũng có những trường hợp thầy, cô giáo đánh học trò như thế nhưng báo chí không đưa tin, dư luận không biết. Thời gian gần đây, báo chí nói nhiều đến những trường hợp người thầy cá biệt, ít đề cập đến những gương người tốt việc tốt trong ngành giáo dục. Những tấm gương người thầy quên tuổi thanh xuân nơi núi rừng heo hút để mang cái chữ đến bản vô tình bị lãnh quên. Những câu chuyện cảm động về tình nghĩa thầy trò ít được dư luận lưu tâm… Thành thử, chúng ta nhìn vào mảng giáo dục có vẻ khiên cưỡng và phiến diện.

Thế nhưng, có một thực tế hiển nhiên, không thể chối cãi đang tồn tại trong ngành giáo dục. Một bộ phận người thầy không nhỏ trong xã hội hiện đại đang có những biểu hiện xuống cấp trầm trọng về mặt nhân cách và đạo đức. Thầy đánh trò không thương tiếc, nhận phong bì phong bao, bán điểm, dạy thêm trái phép, thầy dẫn trò vào nhà nghỉ, thú tính xâm hại học sinh…”

Thầy giáo "ăn xó mó niêu", đừng đổ lỗi cho đồng lương 2
20/11, có nhiều cách ý nghĩa hơn là mang phong bì để "tri ân"   người thầy 

Ăn xó mó niêu, đừng đổ lỗi cho đồng lương…

Nói về những nguyên nhân khiến một bộ phận không nhỏ người thầy xuống cấp về nhân cách đạo đức, PGS. Văn Như Cương cho rằng: “Nguyên nhân là do anh ta, chị ta không được giáo dục đến nới đến chốn, sinh trưởng trong một gia đình khập khiễng và không vượt qua được những cám dỗ tầm thường của cuộc sống. Họ không có lòng tự trọng. Họ không được giáo dục một cách cẩn thận.

Tất nhiên, họ sẽ không được tôn trọng bởi họ không biết ứng xử, không biết đối nhân xử thế trong khi họ lại phải làm gương…

Người thầy trong xã hội hiện đại không được trọng thị khiến họ phải tìm cách “ăn xó mó niêu” là điều không đúng. Lương bổng của giáo viên không đủ sống là điều chưa đúng. Lương giáo viên so với lương bác sỹ có kém cạnh đâu. Lương giáo viên so với lương công an cũng có thấp đâu. Tất nhiên, giáo viên không có điều kiện “làm thêm” để tăng thêm thu nhập như những ngành nghề khác. Không ai có thể giàu được nhờ đồng lương công chức nhưng không có công chức nào đói cả…”

"Giáo viên trường tôi "nói không" với phong bì ngày 20/11

Trước câu hỏi, giáo viên có quyền nhận phong bì trong ngày 20/11? PGS. Văn Như Cương nhấn mạnh: “Phong bì, phong bao có dăm bảy loại. Người nhận phong bì, phong bao cũng thuộc dăm bẩy dạng người khác nhau. Thế nhưng, theo quan điểm của tôi, giáo viên không nên nhận phong bì. Giáo dục là một ngành nghề đặc thù. Đối tượng của giáo dục cũng hết sức nhạy cảm, ấy là con người.

Tôi không biết với các trường khác thì thế nào những riêng với Lương Thế Vinh, chúng tôi quán triệt quan điểm “nói không với phong bì”. Tuyệt đối không có chuyện phụ huynh cầm phong bì đến nhà từng giáo viên trong ngày 20/11…”

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại