Sau khi Bộ trưởng GTVT
Đinh La Thăng đưa ra đề xuất thay đổi giờ học và giờ làm nhằm cải thiện tình
hình ùn tắc giao thông Thủ đô, đã có rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh đề
xuất này.
Cảnh tượng tắc đường thường thấy ở Thủ đô
Đã có không ít người lo lắng về việc mọi sinh hoạt trong gia đình đều bị xáo trộn:
Nghe thì hay nhưng phải tính kỹ
Chị Hà ở quận Hoàng Mai bày tỏ: “Trường hợp của nhà tôi, nếu con tôi vào học 8h00 còn tôi vào giờ làm lúc 9h00 thì 7h00, 2 mẹ con tôi vẫn phải ra khỏi nhà thay vì 6h30 như bây giờ. Tóm lại là thay vì ùn tắc lúc 7 - 8h00 sẽ là 9 – 10h00. Tôi về nhà đã muộn và mệt thì lấy đâu thời gian dạy con cái học hành nữa. Xa hơn, giờ giấc ăn uống, sinh hoạt của gia đình cũng bị xáo trộn. Tôi phải ngủ muộn, sáng vẫn phải dậy sớm đưa con đi học. Như vậy múi giờ sinh học cũng thay đổi. Liệu rằng giải pháp này đã được tính kỹ chưa?”
Lo lắng cho con, lãng phí xã hội
Chị Hồng Hạnh– viên chức nhà nước cho biết: “Nhà tôi cách xa cơ quan như vậy tôi phải xuất phát từ 7h00, 9h00 có mặt ở cơ quan vừa bắt đầu làm việc thì đến trưa, coi như buổi sáng sẽ không làm được gì. Rồi đi làm lúc 9h00, đưa con đến trường lúc mấy giờ? Tối về muộn ai sẽ cho con tôi ăn? Chắc hẳn các phụ huynh có con nhỏ như tôi cũng không yên tâm làm việc khi phải lo lắng việc đi học của con. Vô hình chung đây lại là một sự lãng phí!”
Cần giải quyết tận gốc
Anh Nguyễn Tuấn Anh– giảng viên Đại học chia sẻ: “Để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông nội đô tận gốc tôi thiết nghĩ các cơ quan ban ngành cần phải đẩy nhanh tiến độ di chuyển các trường Đại học, các cơ quan ban ngành ra các khu vực nội đô theo như phương án đã được phê duyệt thì mới giải quyết được vấn đề này. Và từ đó mới phát triển được các vùng xung quanh”.
Theo lời Bộ trưởng Đinh La Thăng, “thuốc nào cũng có tác dụng phụ cho dù đó là thuốc bổ”. Tuy nhiên qua ý kiến của người dân các vị lãnh đạo nên xem xét để đưa ra phương án có tác dụng phụ ít nhất.
Bình Nguyễn
(Tổng Hợp)