Tuyến đường dài 24km từ xã Xuân Quỳ đến Thanh Quân (Như Xuân, Thanh Hóa) vừa được bàn giao năm 2010 nhưng đã bị "băm nát" bởi hàng đoàn xe tải chở quặng.
Đây là con đường nối liền 6 xã đặc biệt khó khăn thuộc huyện miền núi Như Xuân - Thanh Hoá. Con đường được đưa vào sử dụng hơn một năm nay nhưng đã hư hỏng nghiêm trọng. Được biết con đường này khởi công từ năm 2008 với tổng mức đầu tư xây dựng ban đầu là 52 tỷ đồng. Sau nhiều lần điều chỉnh, con số này đã lên đến gần 80 tỷ đồng.
Con đường nhựa bị bong tróc hết lớp nhựa trên mặt.
Con đường xây dựng nhằm khắc phục hậu quả thiên tai bão lụt từ năm 2005, do Sở NN&PTNT Thanh Hóa làm chủ đầu tư, bằng nguồn vốn do ADB tài trợ. Theo thiết kế, tuyến đường trên có trọng tải 13 tấn và sẽ hoàn thành vào tháng 8/2009, tuy nhiên mãi cho đến tháng 7/2010, con đường mới được nhà thầu bàn giao.
Theo ghi nhận thực tế, đoạn đường chạy qua ngã ba Ngọc Thanh, xã Thanh Hoà, "ổ gà” mọc lên khắp nơi, mặt đường bị cày xới, bong tróc…Nắng thì bụi, mưa thì lầy. Có một số đoạn tại xã Thanh Lâm và Thanh Quân đường bị sạt lở, gây nguy hiểm lớn cho người và phương tiện qua lại.
“Xe chở quặng đi xuyên ngày, xuyên đêm, có trọng tải hàng chục tấn, đi với tốc độ vô tội vạ để tăng chuyến. Dân chúng tôi cũng đã nhiều lần kiến nghị tới các cấp về tình trạng xe tải phá đường, nhưng kêu hoài mà chẳng thay đổi được gì”, một người dân bức xúc cho biết.
Qua tìm hiểu cho thấy thủ phạm gây hư hỏng, xuống cấp của tuyến đường là do việc vận chuyển khoáng sản của Công ty CP khoáng sản xây dựng phụ gia xi măng Thanh Hóa. Được biết, công ty này được cấp phép khai thác khoáng sản tại xã Thanh Lâm (một trong sáu xã dọc tuyến đường).
Những chiếc xe có tải trọng hàng chục tấn "cày xéo" con đường.
Công ty phụ gia xi măng Thanh Hoá cũng đã có Công văn số 276/CV-PGXM, về việc khai thác vận chuyển quặng tại xã Thanh Lâm (Như Xuân). Nội dung công văn nêu rõ, việc công ty đăng ký tuyến đường đi qua, có cam kết duy tu, sửa chữa thường xuyên tuyến đường.
Tổng kinh phí mà công ty bỏ ra để sửa chữa tuyến đường đến khi hết hạn khai khoáng tại đây là 12,750 tỷ đồng, số tiền này sẽ được Quỹ tín dụng Trung ương tại Thanh Hoá bảo lãnh cho công ty. Công ty cũng cam kết sẽ thường xuyên có đội sửa chữa, bảo dưỡng để đảm bảo tuyến đường được lưu thông liên tục. Sau khi kết thúc khai thác vào ngày 22/4/2014, công ty hứa sẽ hoàn trả lại tuyến đường theo đúng quy định đường giao thông nông thôn loại A.
Tuy cam kết là vậy nhưng trên thực tế thì hoàn toàn không có. Theo phản ánh của người dân nơi đây thì từ khi con đường bị hư hỏng chưa hề có đơn vị nào đứng ra sửa chữa. Đường vẫn hư hỏng và xe vẫn cày phá mỗi ngày.
Nhìn như thế này không ai nghĩ đây là con đường nhựa mới đưa vào sử dụng hơn một năm.
Hơn nữa theo như báo cáo của UBND huyện Như Xuân gửi lên UBND tỉnh Thanh Hóa, ngày 4/7/2011 có đoạn “UBND huyện đã yêu cầu Công ty CP khoáng sản xây dựng phụ gia xi măng Thanh Hóa có trách nhiệm hoàn trả lại tuyến đường sau khi khai thác xong mỏ quặng, thời gian khai thác hoàn trả nguyên trạng đường không quá ngày 22/4/2014”. Như vậy, dù tuyến đường nhựa sạch đẹp vừa hoàn thành với mức đầu tư hàng chục tỷ đồng và người dân chưa được hưởng lợi gì thì đã phải quay lại cảnh lưu thông trên con đường bị băm xới cho tới năm 2014.
Trong bản cam kết của Công ty khoáng sản xây dựng phụ gia xi măng Thanh Hóa thì thời điểm hết bảo lãnh của Công ty cho đoạn đường trên đến ngày 31/12/2011. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, nhưng chưa thấy đơn vị nào đứng ra chịu trách nhiệm sửa chữa những đoạn hư hỏng của con đường.
Các địa phương như: Thanh Quân, Thanh Lâm… cũng đã nhận được ý kiến của người dân và đã có công văn gửi UBND huyện Như Xuân. Ngày 24/06/2011, Phó chủ tịch UBND huyện Như Xuân Đặng Thông Tư đã có báo cáo scó phát hiện tuyến đường bị hư hỏng nặng, vì thế UBND huyện Như Xuân yêu cầu Công ty phụ gia xi mố 01/BC-ĐKT về thực trạng tuyến đường Xuân Quỳ - Thanh Quân. Qua quá trình kiểm tra, đoàn công tác ăng Thanh Hoá phải sửa chữa bảo dưỡng thường xuyên, tưới nước chống bụi trên tuyến đường vận chuyển, đặc biệt là tuyến đường nhựa, để không ảnh hưởng đến lưu thông cũng như cuộc sống của người dân. Thế nhưng tình hình trên vẫn không được giải quyết dứt điểm.
Nhiều đoạn trên đường biến hành những ổ voi, ổ gà gây khó khăn cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Quách Văn Dũng, Trưởng phòng Công thương huyện Như Xuân cho biết: "Tuyến đường trên do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư, huyện mới được Sở giao lại cho quản lý từ năm 2010. Trong thời gian qua, đường có xuống cấp, hư hỏng nặng, địa phương cũng đã có phản ánh lên Phòng, chúng tôi cũng đã có đoàn thanh tra kiểm tra và được biết đường có xuống cấp, hư hỏng nặng. Huyện đã có công văn yêu cầu công ty thường xuyên duy tu và công ty này cũng có cam kết với huyện rồi".
Thực trạng, xe chở quặng quá tải, phá đường giao thông đã gây bức xúc trong nhân dân, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt, lưu thông hàng hóa của nhân dân trong vùng vẫn diễn ra hàng ngày. Còn các đơn vị, các ngành chức năng cũng như địa phương thì vẫn chưa có động thái gì để trả lại nguyên trạng con đường.
Theo Nguyễn Thùy - Duy Tuyên
Dantri.com.vn