Thảm họa khi cứu hỏa "bất lực" với độ cao

camnhung |

Nhiều người đặt câu hỏi: Hà Nội sẽ ra sao nếu "cánh tay" cứu hỏa không thể vươn cao và xa?

Có lẽ cho đến bây giờ nhiều người dân Thủ đô vẫn chưa thể quên hình ảnh của vụ cháy chung cư 18 tầng JSC 34 ở phố Lê Văn Lương vào chập tối 10/3/2010. Chiều tối hôm đó, khi mọi người vừa từ công sở về nhà nghỉ ngơi thì phải đón nhận tin chấn động, cháy chung cư 18 tầng với hàng chục người mắc kẹt ở bên trong.

Vào các ngày đen tối đó, những cột khói đen đặc bốc cao tại tầng 16 chung cư đã nhanh chóng lan rộng và bao trùm toàn bộ tòa nhà. Không khí hoảng loạn bao trùm toàn bộ tòa nhà. Nhiều cư dân bị mắc kẹt lao ra ban công vẫy khăn cầu cứu. Trong tuyệt vọng, có gia đình đã bện quần áo thành dây, buộc con mình thả xuống tầng dưới. Tiếng la hét, cầu cứu thảm thiết trong ánh đèn điện lờ nhờ đỏ ngoài đường.

20 phút sau khi xảy ra hỏa hoạn, cảnh sát phòng cháy chữa cháy đã điều 6 xe cứu hỏa đến hiện trường dập lửa. Do khói đen đặc, cảnh sát phải mang mặt nạ ôxy bắc thang tiếp cận các tầng cao giải cứu người mắc kẹt. Tuy nhiên, do thang cứu hỏa chỉ vươn được lên tầng 12 nên công tác cứu hộ người bị nạn gặp rất nhiều khó khăn.

Hình ảnh cháy 2 tòa tháp 33 tầng của Điện lực Việt Nam chiều 15/12.

Hậu quả là, sau khi đám cháy được dập tắt, mặc dù được cứu ra ngoài, đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng mẹ con chị Vương Lan Phương, 34 tuổi và con trai Lưu Gia Minh 10 tuổi, sống tại tầng 18 đã tử vong do bị ngạt khói quá lâu.

Vụ việc đau lòng trên mới nguôi ngoai chưa lâu và chưa làm người dân quên đi sự việc kinh hoàng thì đến chiều tối ngày 15/12 vừa qua, thêm một vụ cháy tòa nhà cao tầng nữa tại Hà Nội mà công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn khiến nhiều người liên tưởng đến vụ cháy chung cư 18 tầng xảy ra ở Lê Văn Lương vào tháng 3/2010 mà giật mình, kinh hãi.

Sẽ thế nào nếu cứu hỏa không thể vươn cao?

Mặc dù, 2 tòa tháp đôi 33 và 29 tầng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cháy nghi ngút khói nhưng nhiều người vẫn tỏ ra mừng thầm, vì may mắn khi xảy ra sự cố, tòa nhà còn chưa đưa vào sử dụng nên còn ít người làm việc và ở.

Rõ ràng chỉ có vài chục công nhân làm việc bị mắc kẹt nhưng gần 600 chiến sỹ cứu hỏa, bộ đội đặc công…phải giải cứu trong 4 giờ đồng hồ, điều đó cho thấy những hạn chế của công tác phòng cháy chữa cháy ở Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung hiện nay. Đó là chưa kể, các thiết bị phục vụ cho công việc phòng cháy chữa cháy còn thiếu và hạn chế về độ cao.

Ngay khi khống chế thành công vụ cháy, trao đổi với báo chí Đại tá Tô Xuân Thiều, Phó giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội cho rằng, sở dĩ xảy ra cháy ở tòa tháp đôi của Tập đoàn Điện lực Việt Nam là do công tác phòng cháy không đảm bảo quy định (không có hệ thống bình bột, cát, nội quy phòng cháy..).

Rõ ràng, để xảy ra cháy trách nhiệm chính vẫn thuộc đơn vị chủ quản vì sơ suất trong việc phòng cháy chữa cháy, gây hậu quả xấu. Tuy nhiên, không phải vì thế mà bỏ qua trách nhiệm của lực lượng phòng cháy chữa cháy trong những vụ việc như thế này. Đáng ra nếu được trang bị tốt hơn, chuyên nghiệp hơn thì việc chữa cháy đã không mất quá nhiều thời gian như vậy.

Trong hai vụ cháy nhà cao tầng lớn mà chúng tôi đã điểm ở trên, lực lượng cứu hỏa đều cho thấy sự bất lực đối với chiều cao của các tòa nhà ở Hà Nội. Trong vụ cháy ở chung cu JSC 34 Lê Văn Lương năm 2010 thang cứu hỏa lúc đó chỉ vươn cao nhất được đến tầng 12, trong khi đó những gia đình mắc kẹt ở tầng 17, 18… nên gây hậu quả đau lòng cho hai mạng người.

Do thang cứu hỏa chỉ vươn đến tầng 17 nên việc cứu người mắc kẹt

ở tòa nhà của Tập đoàn Điện lực Việt Nam hôm 15/12 vừa qua rất khó khăn.

Còn ở vụ cháy 2 tòa tháp đôi của Tập đoàn Điện lực Việt Nam chiều 15/12 vừa qua cũng vậy. Thang cứu hỏa vươn cao nhất cũng chỉ đến được tầng 17 của tòa nhà; trong khi đó rất nhiều công nhân đang làm việc ở tầng trên (từ tầng 20 trở lên) phải đập cửa kính để thò đầu ra ngoài tránh khói, một số thì lên tầng thượng cầu cứu.

Đáng tiếc, khi sự việc xảy ra do thiếu các trang bị về mặt nạ chống độc và bình thở nên mặc dù được huy động tới hơn 600 cán bộ, chiến sỹ vào cuộc giải cứu người bị nạn và dập lửa nhưng phải mất 4 tiếng đồng hồ, lực lượng cứu hỏa mới khống chế được ngọn lửa và giải cứu hết người bị nạn ra ngoài.

Theo Xuân Tùng

VnMedia

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại