Hội chứng “hoành tráng hóa” trụ sở
Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho một số địa phương lập quy hoạch và chuẩn bị đầu tư xây dựng trung tâm hành chính theo hướng đảm bảo đáp ứng nhu cầu xây dựng hệ thống hành chính tập trung, hiệu quả, sử dụng nguồn vốn đầu tư từ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất các cơ sở nhà, đất hành chính cũ và ngân sách địa phương.
Tuy nhiên, để có điều kiện đánh giá kỹ hơn và rút kinh nghiệm việc đầu tư xây dựng trung tâm hành chính tập trung, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương tạm dừng triển khai thực hiện đầu tư xây trung tâm hành chính tập trung.
“Bộ giao Tổng Cty Gang thép trao đổi với các ngân hàng như Vietinbank, hay SCIC để thu xếp cho chủ đầu tư vay một số khoản vốn còn thiếu, đồng thời đàm phán lại với đối tác Trung Quốc”.
Bộ trưởng Công Thương
Vũ Huy Hoàng
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện đầu tư xây trung tâm hành chính tập trung tại các địa phương thời gian qua và đề xuất giải pháp phù hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó tại phiên chất vấn sáng 17/11, ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) phản ánh thực trạng kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng một số địa phương đã và đang “hoành tráng hóa” công sở tập trung.
“Tôi thấy đây là vấn đề rất hệ trọng. Tôi xin hỏi ý kiến của Thủ tướng về vấn đề xây trụ sở nói chung và nhất là quan điểm xử lý của Thủ tướng trước đề xuất hoành tráng hóa công sở quá mức của một số địa phương?”, ĐB Đương nêu chất vấn.
Trả lời câu hỏi của ĐB Đương, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, đa số khu hành chính của các địa phương được hình thành từ nhiều năm, không được quy hoạch từ trước nên chiếm diện tích khá lớn, bình quân khoảng 33 héc ta/khu hành chính.
Trong quá trình phát triển, những khu nhà này “không phù hợp cho sự phát triển đô thị, thương mại của nhiều tỉnh, thành phố”.
Phối cảnh khu hành chính tập trung tỉnh Hải Dương.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, trong đề án về cải cách hành chính tổng thể, Chính phủ đã đưa ra nội dung cần quy hoạch tập trung các khu này, nhằm tạo điều kiện cho việc tiếp xúc của dân với các dịch vụ công.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương quy hoạch phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, sử dụng đất và phát triển đô thị. Việc phân kỳ dự án đầu tư cũng cần có sự phù hợp khả năng tài chính từng nơi.
“Tuy vậy, gần đây một số địa phương khi quy hoạch đã trình Chính phủ đề án xây dựng trụ sở hành chính với nguồn lực đầu tư rất lớn.
Thủ tướng đã ra chỉ thị tạm dừng quy hoạch, giao bộ Xây dựng rà soát, đánh giá lại mặt được và hạn chế, từ đó sẽ có văn bản chấn chỉnh tiếp tục thực hiện cho phù hợp với từng địa phương”, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định.
Sốt ruột với lãng phí tỷ đô
Đề cập tình trạng lãng phí, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đề nghị Bộ Công Thương, Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ trả lời rõ về việc Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, Nhà máy xơ sợi Polyester Đình Vũ và một số nhà máy khác gây thất thoát lớn.
“Trong khi chúng ta đang tìm cách cố gắng vay 3 tỷ USD thì vài nhà máy đã gây lãng phí, thất thoát hơn 1 tỷ USD rồi. Ví dụ, Nhà máy Gang thép Thái Nguyên 10 năm nay chưa xong, mỗi tháng Việt Nam mất 20-30 tỷ đồng tiền lãi.
Chúng tôi đề nghị các Bộ trưởng cho biết giải pháp rất gấp trong vấn đề này như thế nào? Không thể để thiệt hại thêm nữa”, ông Nghĩa bức xúc “truy”.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH Đỗ Mạnh Hùng cũng dẫn chứng cụ thể về tình trạng lãng phí tại Nhà máy hơn 8 nghìn tỷ đồng ở Thái Nguyên đang “trở thành đống sắt gỉ”;
Nhà máy polyester hơn 7 nghìn tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ở Hải Phòng đang đóng cửa...
Ông Hùng đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương thực sự nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và chấn chỉnh có hiệu quả những hạn chế yếu kém trên.
ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) cũng đề nghị Thủ tướng cho biết giải pháp cụ thể và hữu hiệu nào để chống lãng phí?
Giải trình về vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng thừa nhận, Nhà máy xơ sợi Polyester Đình Vũ trong năm 2014 lỗ 1.000 tỷ đồng.
Nguyên nhân là áp dụng công nghệ hiện đại, trong khi năng lực điều hành còn hạn chế nên chưa phát huy hiệu quả. Thứ hai, giá sợi giảm nên hoạt động chưa có lãi. “Chúng tôi đã yêu cầu chủ đầu tư khắc phục các tình trạng trên.
Đồng thời yêu cầu Tập đoàn Dệt may tiêu thụ 50% sản phẩm của nhà máy. Cố gắng năm 2015 giảm lỗ xuống còn 600 tỷ đồng, 2016 cân đối được thu chi”, ông Hoàng cho biết.
Đối với Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thông tin: Nhà máy khởi công từ năm 2007, hiện phần thiết kế đã hoàn thành 88,4%, mua thiết bị đạt gần 94%, riêng các hạng mục xây dựng do Việt Nam đảm nhiệm đã giải ngân khoảng 1.000 tỷ đồng.
Theo ông Hoàng, dự án chậm trễ là do chi phí nguyên vật liệu tăng cao, tỷ giá ngoại tệ biến động, chính sách thuế, tiền lương... thay đổi khiến chi phí đầu tư đội lên nhanh chóng.
Bộ trưởng không hứa, để cho nhiệm kỳ sau
Trước câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội rằng, đến năm 2020 ngành du lịch Việt Nam có thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Bộ trưởng Bộ VH, TT&DL Hoàng Tuấn Anh nói: “Để cho nhiệm kỳ tiếp theo trả lời. Tôi không dám trả lời”.
“Với tư cách là người đứng đầu ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch, những gì cố gắng rồi nhưng chưa đạt được mong muốn của Quốc hội thì tôi xin chịu trách nhiệm. Và trách nhiệm của chúng tôi sẽ... truyền đạt cho bộ trưởng kế tiếp.
Chứ bây giờ thì hết thời gian rồi không làm gì được nữa”, Bộ trưởng nói.
Nguyễn Dũng