Nhạc sĩ Hoàng Trang bắt đầu sáng tác năm 1964. Khán giả yêu nhạc trữ tình bắt đầu biết đến nhạc sĩ Hoàng Trang qua những ca khúc thể điệu rumba và boléro đậm chất trữ tình với ngôn từ đơn giản nhưng sâu lắng.
Nhạc sĩ Hoàng Trang đã ra đi
Dù không qua trường lớp nhưng sự nghiệp sáng tác của ông có khoảng 100 tình khúc, được viết trước và sau năm 1975, trong đó một số bài được công chúng đặc biệt yêu thích, như Không bao giờ quên anh (1964), Ước nguyện đầu xuân (1967), Nửa đêm thương nhớ, Mùa sầu riêng, Khổ qua, Nếu đời không có anh, Ngỏ hồn qua đêm, Ăn năn, Tâm sự với anh, Giấc ngủ tình yêu, Đi trong mưa bụi, Tận cùng nỗi nhớ, Huế như dấu lặng...Tình khúc Không bao giờ quên anh đã được hãng dĩa Việt Nam mua độc quyền và ca sĩ đầu tiên thể hiện là ca sĩ Phương Dung, sau đó đến ca sĩ Hương Lan, Giao Linh, Giáng Thu, Trang Mỹ Dung…Và thế hệ ca sĩ trẻ của dòng nhạc trữ tình sau này đều đã từng hát ca khúc này.
Ca sĩ Phương Dung tâm sự: “Tôi yêu thích bài hát Không bao giờ quên anh vì đó là nỗi lòng của một nhạc sĩ viết về tình yêu đầu đời hết sức trong sáng. Trong âm nhạc có nhiều cách biểu hiện nỗi đau khi tình bị chia cắt, nhưng với nét nhạc của Hoàng Trang, người nghe không thấy sự bi lụy, não nề mà trái lại càng nâng niu, trân trọng những gì thật đẹp thuộc về nhau”.
Nhạc sĩ Hoàng Trang còn có các nghệ danh khác như: Triết Giang, Trần Nguyên Thụy, Thiên Tường, Hồng Đạt. Ông cùng thế hệ với các nhạc sĩ: Mạc Thế Nhân, Thanh Sơn, Trần Thiện Thanh, Trúc Phương, Anh Việt Thu... Ông sống giản dị với mái ấm gia đình có 4 người con. Vợ ông là con gái của chủ hãng dĩa Sóng nhạc Asia nên từ khi thành hôn với bà, ông có động lực sáng tác và có cơ hội để phổ biến tình khúc của mình nhờ vào người khán giả “khó tính nhất đời tôi” như ông đã từng chia sẻ, đó là vợ ông.
Linh cữu nhạc sĩ Hoàng Trang được quàn tại nhà riêng (số 37 Phạm Ngũ Lão, quận 1 - TPHCM). Lễ động quan lúc 6 giờ 30 phút ngày 20-8-2011, sau đó đưa đi an táng tại nghĩa trang Bình Dương.
Theo Laodong