Ông Hiếu cho hay, sự việc diễn ra lúc sáng ngày 7/1/2012 và đến đầu giờ chiều, đoàn công tác đã đến trường để ghi nhận lại tình hình. Do buổi chiều học sinh (HS) nghỉ học nên toàn bộ vụ việc, đoàn cũng chỉ được nghe báo cáo từ Ban giám hiệu nhà trường. Sau khi ghi nhận sự việc, đoàn công tác đã trực tiếp đến bệnh viện để thăm hỏi sức khoẻ nữ sinh K.O.
“Khi biết được trường hợp của em N.T. K.O không có cơ hội có thể cứu chữa và chứng kiến mẹ của nữ sinh cứ khóc nấc lên từng hồi vì thương con, bản thân các cán bộ Sở GD-ĐT cũng không thể kìm lòng” - ông Hiếu chia sẻ.
Cũng theo lời ông Hiếu, qua báo cáo của nhà trường thì thấy vụ việc tương đối bình thường nhưng không hiểu sao em K.O lại làm như vậy. Tuy nhiên khi được đọc bản tường trình của tập thể lớp 12A7 mà chúng tôi đưa, ông Hiếu xót xa chia sẻ: “Nếu sự việc đúng như bản tường trình này thì hành vi này của GV không thể chấp nhận được”.
Ông Hiếu cũng tâm sự thêm, một thực tế là HS các trường ngoài công lập thường có học lực ở mức trung bình hoặc yếu, thường mải chơi, không chăm học. Trong khi đó, sỹ số của các lớp lại rất đông khiến các GV giảng dạy tại các trường này thường phải chịu nhiều áp lực trong công tác giảng dạy và quản lý lớp.
Bên cạnh đó, GV dạy tại các trường tư thục thường là những GV trẻ, ít có kinh nghiệm đứng lớp. Tuy nhiên, công việc quản lý HS tại các trường tư thục lại vất vả hơn nhiều so với các trường công lập.
Nếu sự việc diễn ra đúng như lời tường trình của tập thể HS, ngành giáo dục Thái Bình chỉ có thể xử lý cao nhất là cắt hợp đồng GV.
“Nếu thuê những GV nhiều kinh nghiệm thì nhà trường lại không đủ kinh phí để trả lương cho GV vì họ có bậc lương rất cao trước đó (do ở Thái Bình phần lớn trường bán công được chuyển sang tư thục nhưng GV thì vẫn thuộc diện hợp đồng hai SởGD-ĐT và Sở Nội vụ nên mức lương tính theo quy định của nhà nước - PV)” - ông Hiếu bộc bạch.
Chia sẻ về hướng xử lý cô giáo T.T.H., ông Hiếu cho biết: do Sở GD-ĐT chỉ quản lý về mặt chuyên môn nên mức xử lý cao nhất dành cho GV (nếu có dấu hiệu như bản tường trình của HS - PV) chỉ có thể là nhà trường phải cắt hợp đồng. Tất nhiên GV này cũng không còn cơ hội để tham gia giảng dạy ở các cơ sở giáo dục Thái Bình nữa.
“Sau khi xảy ra sự việc, lãnh đạo Sở đã ngay lập tức yêu cầu nhà trường ổn định tình hình học tập, giảng dạy của GV và HS. Bên cạnh đó, thời gian tới, Sở GD-ĐT sẽ thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn và nghiệp vụ cho GV” - ông Hiếu nói.Được biết, Trường THPT Đông Quan được chuyển sang hoạt động tư thục từ tháng 7/2011. Cô T.T.H. sinh năm 1982, tốt nghiệp ĐH Sư phạm Thái Nguyên và đã có 5 năm công tác tại trường. Theo đánh giá của Ban giám hiệu, cô H. là GV có năng lực chuyên môn và năng lực quản lý tốt, sâu sát với HS.
Trao đổi với Dân trí, một người thân trong gia đình em N.T. K.O cho biết hiện nay dư luận trên mạng Internet và ở địa phương đã có những lời đồn thổi không đúng về đạo đức của em K.O. cũng như nguyên nhân em tìm đến cái chết. Chính vì thế gia đình mong các cơ quan pháp luật sớm kết luận về sự việc.
Trong buổi làm việc vớiDân trí vào sáng qua 12/1, khi được chúng tôi đề cập phương pháp giảng dạy cũng như đánh giá xem cô giáo có dùng từ ngữ nặng nề khi giao tiếp với HS hay không, Ban giám hiệu Trường THPT Đông Quan cũng đang có xu hướng cho rằng: việc em K.O tự nhảy lầu tự tử là xuất phát từ nguyên nhân khác chứ không phải là cách ứng xử của cô giáo.
Đón nhận những thông tin trái chiều như vậy, anh Nguyễn Văn Tuyến - bố em K.O. chỉ biết buồn rầu tâm sự: “K.O là một người con ngoan ngoãn, luôn vâng lời cha mẹ. K.O có học lực khá và 11 năm qua đều được học sinh tiên tiến. Trước ngày sự việc xảy ra, mọi biểu hiện hay tâm lý của cháu đều bình thường. Là người cha tôi biết con gái tôi không thể vì chuyện tình cảm nam nữ mà tìm đến cái chết như vậy. Ước mơ của cháu là năm nay dự thi vào ĐH Y Thái Bình nên từ đầu năm đến giờ cháu luôn chăm chỉ học hành”.
Cũng trong ngày hôm qua 12/1, Công an huyện Đông Hưng đã mời anh Nguyễn Văn Tuyến lên để thu thập thêm thông tin về sự việc.
Theo Nguyễn Hùng
Dantri.com.vn