Theo thầy Lê Thanh Tùng, mô hình tàu ngầm có chiều dài 1,9m, cao 25cm. Tàu được làm bằng vật liệu composite, mục đích của việc sử dụng vật liệu này để dễ chế tạo, tạo được hình dáng đẹp, dễ đánh bóng. Dùng vật liệu composite cũng giúp làm giảm độ bộc lộ từ trường.
Thân tàu ngầm được chia làm 3 khoang chính: một khoang kín chứa tất cả các thiết bị điều khiển, phần cơ điện; khoang thứ hai là kết cấu lặn; khoang thứ ba là nơi đặt bình khí nén.
Tàu lắp động cơ điện, tốc độ đạt được khoảng 2m/s, lặn sâu tối đa 10m, thời gian hoạt động tùy thuộc nhiều vào ắc quy lắp trên tàu.
Chiếc tàu ngầm đã đưa vào thử nghiệm thành công. Tàu có kiểu dáng khá giống với tàu ngầm lớp Kilo.
Tàu ngầm được thiết kế theo nguyên lý hoạt động tàu ngầm thực, khi lặn tàu sẽ bơm nước tràn vào khoang, khi nổi dùng khí nén đẩy nước ra để nổi lên.
“Khi thực hiện đề tài nghiên cứu, chúng tôi gặp không ít khó khăn về kinh phí. Bằng sự động viên, quan tâm, tạo điều kiện từ các thầy cô giáo bộ môn trong viện. Đồng thời, các em sinh viên nhiệt tình, ham hiểu biết. Nên nhóm nghiên cứu đã hoàn thành tốt đề tài”, thầy Tùng nói.
Thầy Tùng chia sẻ thêm, do những hạn chế về kinh phí, kỹ thuật, tàu ngầm vẫn còn có những nhược điểm. Ví dụ, để điều khiển tàu, tàu phải có phao nổi nối với thân tàu. Phao nổi đóng vai trò tiếp nhận tín hiệu vô tuyến từ bộ điều khiển kiểm soát hoạt động của con tàu. Tàu ngầm cũng chưa lắp đầy đủ các thiết bị cảm biến để thử nghiệm.
“Trong tương lai, chúng tôi dự tính tiếp tục hiện đại hóa mẫu tàu ngầm này nhằm tăng khả năng độc lập, tăng độ sâu có thể lặn, tốc độ con tàu để đưa vào ứng dụng thực tế”, thầy Tùng nói.