Giữa lúc chính phủ Obama cố gắng "tái khởi động" quan hệ với Nga; gần đây, ông Dmitry Rogozin - đại diện thường trực của Nga tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) -đã lớn tiếng tuyên bố sẽ cắt đứt tuyến đường bổ sung Mỹ vận chuyển vật tư đến Afghanistan.
Điều này khiến người ta không khỏi nhận ra rằng: thái độ chống Mỹ ăn sâu bám rễ vào đất nước Nga, và Nga vẫn đang ngày càng xa lánh phương Tây.
Xét theo tiêu chí lịch sử, Liên Xô và ý thức hệ đảng cộng sản đã sụp đổ rất toàn diện và nhanh chóng. Từ kinh tế sụp đổ đến cuộc Cách mạng Nhung của các nước vệ tinh Đông Âu, tiếp đến là các nước cộng hòa giành được độc lập, thời gian không đến mấy năm.
Điều khiến người ta thấy buồn là việc Liên Xô giải thể không hề đem đến cho nhân dân “tương lai tươi sáng”như phương Tây dự đoán. Mất niềm tin, đạo đức tiêu vong, tỉ lệ tội phạm tăng lên, Nga không thể xây dựng một chính phủ dốc sức dốc lòng phục vụ nhân dân.
Hồng quân Liên Xô trên Quảng trường Đỏ
Mới đây, không ít người đã giật mình khi Thủ tướng Nga Vladimir Putin phát biểu tại Câu lạc bộ Val:“Có một số nhà chính trị cho rằng mô hình đa đảng không còn phù hợp”.
Hiện đương kim Thủ tướng Putin đã bước vào cuộc đua cho chiếc ghế Tổng thống nhiệm kỳ tới, tức ông sắp gia nhập hàng ngũ Pyotr I, Great Catherine, Nicholas I và Stalin, trở thành một trong những lãnh đạo cầm quyền lâu nhất trong lịch sử nước Nga.
Cũng như cá nhân ông Putin, Đảng Nước Nga thống nhất cầm quyền của ông một lòng muốn bảo vệ ảnh hưởng của mình. Gần đây, ông Boris Gryzlov - một trong những lãnh đạo của đảng này - tuyên bố với tư cách là Chủ tịch Duma Quốc gia Nga:“Trong cuộc bầu cử Duma quốc gia sắp tới, nếu không thể thắng đa số lập hiến (300/450 ghế) thì coi như thất bại”.
Ông còn nhấn mạnh: “Chỉ có thể thắng, không thể bại”.
Tuy nhiên, theo kết quả sơ bộ vừa được công bố chiều qua (5/12), Đảng Nước Nga thống nhất chỉ giành 49,54% số phiếu, tương ứng với 238 ghế trong Duma Quốc gia. Họ đã đánh mất đa số lập hiến. Trong khi đó, 3 chính đảng khác đã bứt phá so với kỳ bầu cử 2007: Đảng Cộng sản LB Nga (RCP) giành được 92 ghế, Đảng Nước Nga Công bằng (SR) giành 64 ghế và Đảng Dân chủ Tự do (LDPR) giành 56 ghế.
Putin - ngôi sao sáng trên chính trường Nga hiện nay
Nhưng có lẽ, tất cả những điều đó không gây quá nhiều cản trở cho chương trình nghị sự về chính sách đối ngoại đầy khí thế của Putin.Con người được coi là vực dậy nước Nga và tạo ra niềm hi vọng phục hồi ánh hào quang của Liên bang Xô viết đã tuyên bố dự định thúc đẩy xây dựng Liên minh Âu-Á với phạm vi trải dài từ biên giới Ba Lan kéo dài đến dãy núi Pamirs, sẽ bao gồm Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan, tạo cho Nga cơ hội quay trở lại biên giới Afghanistan.
Giới chính trị nhận định, Nga nhất định sẽ dốc toàn lực lôi kéo Armenia và Ukraine vào liên minh này.
Putin đã gọi việc Liên Xô giải thể là "thảm họa địa chính trị tồi tệ nhất của thế kỷ XX", và không hề giấu giếm tham vọng rửa sạch nỗi nhục của 20 năm về trước.
20 năm sau ngày Liên Xô giải thể, tình cảm chủ nghĩa dân tộc của Nga ngày càng mạnh mẽ. Theo điều tra dân ý, khẩu hiệu “nước Nga của người Nga” ngày càng được nhiều người ủng hộ. Stalin cuối cùng vẫn là một trong những nhà lãnh đạo được yêu mến nhất trong lịch sử nước này. Chủ nghĩa dân tộc Nga vẫn không ngừng khai phá ra những lớp người thừa kế.
20 năm sau ngày Liên Xô giải thể, nền dân chủ, thị trường tự do và nền pháp trị vẫn đang đứng trước thách thức to lớn.
Theo Sáng Nguyễn
VTC.vn