Theo CSCEC, công nhân thi công tại vị trí tầng 6 (block E) đã tự ý tháo gỡ gông sàn của giàn giáo bao che khiến giàn giáo sập. Sau sự cố, Ban lãnh đạo CSCEC đã hỗ trợ gia đình anh Phạm Tiến Sang (công nhân thiệt mạng) 250 triệu đồng và tuyên bố trả toàn bộ chi phí chữa trị cho bốn nạn nhân còn lại.
Tuy nhiên, trao đổi với PV ngày 22-2, ông Bạch Quốc Việt, Trưởng phòng ATLĐ, Sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội, cho biết: “Theo kết quả kiểm tra ban đầu của chúng tôi, vị trí xảy ra tai nạn là ở tầng 9, lúc các công nhân đang trát vữa bên ngoài công trình”.
Hiện toàn bộ công trình đã bị phong tỏa và đình chỉ thi công. Thượng tá Nguyễn Duy Hùng, Phó Trưởng Công an quận Hà Đông, cho biết đang tiến hành khám nghiệm hiện trường, điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc.
Theo Sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội, cuối năm 2010, khi bắt đầu triển khai thi công công trình này, CSCEC đã liên hệ với Sở để tổ chức tập huấn an toàn vệ sinh lao động cho người lao động. Tuy nhiên, thời điểm đó lượng lao động làm việc tại công trình này vẫn còn hạn chế. Tại thời điểm xảy ra tai nạn, đang có xấp xỉ gần 4.000 lao động làm việc. Trong số gần 4.000 lao động này, việc có bao nhiêu lao động đã được tập huấn đào tạo không được cập nhật, hiện cơ quan chức năng đang kiểm tra làm rõ.
Liên quan đến con số nhà thầu phụ tham gia tại công trình này, nhà thầu chính cũng không cung cấp chính xác mà chỉ cho biết ước chừng có khoảng 30 nhà thầu phụ. Cho đến cuối giờ chiều 22-2, thông tin về nhà thầu phụ vẫn chưa được nhà thầu chính công khai danh tính. Đồng thời, những lao động bị nạn được ký hợp đồng lao động theo loại, dạng nào cũng chưa được làm rõ, công bố công khai.
Theo TRỌNG PHÚ - HX
TTXVN