Rau củ Trung Quốc không còn chiếm lĩnh thị trường Việt Nam, người tiêu dùng ngày càng "sành sỏi" khi chọn mua rau Việt.
Mặc dù người tiêu dùng không "mặn" với hàng nông sản Trung Quốc (TQ) nhưng do giá rẻ hơn hàng trong nước 20-30% nên những mặt hàng này vẫn là sự lựa chọn của các quán ăn, nhà hàng, nhất là người lao động có thu nhập từ trung bình đến thấp. Cũng chính vì thế, nhiều người bán vì lợi nhuận đã trộn hàng TQ lẫn với hàng VN hoặc giới thiệu là hàng VN để bán giá cao hơn gây nên tình trạng “vàng thau lẫn lộn”.
Bà Nguyễn Hồng, tiểu thương tại chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết, mặt hàng rau, củ, quả TQ rất phong phú về chủng loại như: bắp cải, cải thảo, ớt chuông, khoai tây, cà rốt, hành tây, cà chua, củ cải... nên người tiêu dùng khó phân biệt đâu là hàng trong nước, đâu là hàng nhập.
Theo kinh nghiệm của những người bán hàng TQ thì có thể do được dùng nhiều chất kích thích nên hầu hết nông sản TQ có kích thước đều, cùng một kích cỡ. Mặt khác, vì phải tẩm hóa chất để giữ tươi lâu nên hầu hết hàng TQ đều láng bóng, rất hấp dẫn. Dễ dàng thấy tỏi TQ rất bóng, to và “không tì vết”, tương tự, hành nhìn rất “mượt”, còn táo thì màu hồng điểm sọc trắng bắt mắt, cà chua cuống còn xanh trong khi vỏ đã đỏ căng. Các loại củ như cà rốt, củ cải và quả su su thường to và da trơn, sờ vào rất mát...
Đặc biệt, thời gian trữ rau, củ, quả TQ rất lâu, có thể để ở nhiệt độ bình thường bên ngoài từ ba - bảy ngày mà không bị hỏng. Thậm chí, bên trong ruột bị hư nhưng hình thức bên ngoài vẫn đẹp. Táo xanh TQ có thể để cả tháng mà vẫn xanh tươi, nhưng phần ruột thì xốp và thối. Hoặc các loại bông cải (xúp lơ) dù bị cắt hết phần cuống và lá, nhưng bông cuốn vẫn rất chặt và trắng. Mặt hàng cà rốt TQ cũng thế, màu củ đỏ tươi, to đều, da láng bóng, dù phần lá bị cắt sạch. Củ cải TQ thường to, trắng muốt, chắc nịch, không có phần thân, lá; cải thìa có thân trắng, cọng to, lá xanh thẫm…
Rau củ Trung Quốc không còn được ưa chuộng ở thị trường Việt Nam (Ảnh minh họa)
Dù nhìn đẹp mắt, nhưng theo phản ảnh của các bà nội trợ khi chế biến, chất lượng, độ giòn ngọt của các loại củ, quả TQ rất kém. Cụ thể, cà rốt TQ khi nấu chín sẽ bị phai màu, nhão, không ngọt. Tương tự, bắp cải, bông cải, cà rốt, khoai tây, cà chua vị cũng nhạt... Khoai tây thì mất màu vàng mà lộ ra màu trắng bệch, không béo như khoai tây Đà Lạt. Hành tây thì dai, nhạt, không giòn ngọt như hành Đà Lạt. Hành tím, tỏi khi phi với dầu mỡ không có mùi thơm, gừng cũng ít cay...
Đại diện Ban quản lý chợ Bến Thành (TP.HCM) cho rằng, người tiêu dùng có thể tinh ý để nhận ra hàng TQ có hình thức đẹp, mỡ màng. Ví dụ tỏi TQ có củ và tép lớn, màu trắng, dễ lột vỏ; tỏi VN có củ nhỏ, màu sậm. Hành tím TQ củ to, không có tép nhỏ bao quanh, màu đỏ nhạt. Gừng TQ củ lớn, da vàng bóng, khác với gừng VN củ nhỏ, da sần sùi… Các thương lái còn cho biết, rau Trung Quốc có những điểm khác rau ta: bắp cải, cải thảo rất tròn và mượt, không bị giập, xước, đầu búp cuốn chặt, không bị xoăn. Các loại rau cải làn, cải thìa, hành, thì là, rau thơm... phần nhiều đều bó bằng nhiều sợi rơm chập vào nhau và xoắn. Các loại rau cải mớ thường tròn, lá ngắn hơn rau của ta. Ngoài ra, hàng TQ thường được đóng thùng, hoặc bọc ngoài bởi một lớp nylon. Hiện nay, để qua mắt người tiêu dùng, người bán hàng TQ thường lột bao bì, để đống bên ngoài cho giống hàng Việt.
Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khuyến cáo: nên ăn các loại rau chính vụ, tránh rau trái vụ, bởi loại này thường có hàm lượng thuốc kích thích tăng trưởng và thuốc bảo vệ thực vật rất cao. Nên rửa rau, củ nhiều lần bằng nước sạch rồi ngâm trong dung dịch nước muối pha loãng. Với tính chất hóa học đặc trưng, nước muối sẽ giúp giải phóng một lượng thuốc sâu còn bám trên bề mặt lá rau. Ngoài ra, tất cả các loại củ, quả đều phải gọt vỏ trước đi ăn hoặc đun nấu, bởi vỏ ngoài chính là nơi tích tụ nhiều hóa chất độc hại.
Dù lượng rau, củ, quả TQ vào các chợ giảm, nhưng chúng lại được ngụy trang tinh vi hơn để qua mắt người tiêu dùng. Thiết nghĩ, để đảm bảo quyền lợi của nông dân và người tiêu dùng, rất cần sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc kiểm soát nguồn gốc các loại rau trước khi đưa ra tiêu thụ trên thị trường. Ngoài ra, cũng cần xem xét và kiểm soát chặt chẽ những chính sách về nhập khẩu để người tiêu dùng yên tâm hơn khi đi chợ.
Theo Eva