Nô nức xuống biển làm lâm tặc
Nằm cách mặt nước biển từ 10-70m, vì vậy muốn lấy được san hô đen thì ngư dân không còn cách nào là lặn. Và nói đến chuyện này, thì ngư dân Lý Sơn là số 1. Vì vậy mà từ bao năm qua, ngư dân Lý Sơn đã trở thành là những tay “sát thủ” của những loài hải sản giá trị cao nằm sâu dưới đáy biển, như: hải sâm, rắn biển…và san hô đen cũng không là ngoại lệ.
Khoảng chục năm trở lại đây, khi san hô đen có giá thì hành trang trong mỗi chuyến ra khơi của ngư dân đất đảo ngoài ngư cụ…còn thêm cả dụng cụ của cánh thợ rừng, như: Cưa, búa, đục...
Một cán bộ biên phòng ở huyện này kể: "Cách đây 6 năm khi được điều ra nhận công tác tại đây, một lần xuống kiểm tra tàu trước khi ra khơi tôi vô cùng bất ngờ khi nhìn thấy ngư dân đem theo số dụng cụ này như thể chuẩn bị đi lên rừng để chặt củi.
Mãi đến sau này qua dò hỏi mới biết ngư dân đem số dụng cụ kia ra biển để khai thác san hô đen. Cho nên nhiều người còn gọi thợ lặn là “lâm tặc” dưới biển."
San hô đen được xem là “vàng của biển”
Cũng phá “rừng”, “chặt cây” để khai thác sản vật đã bị pháp luật cấm, gây ảnh hưởng, huỷ hoại môi trường... thế nhưng làm “lâm tặc” dưới biển “sướng” hơn nhiều so với trên cạn. Bởi lẽ không phải vừa làm vừa sợ kiểm lâm, công an theo dõi, truy bắt, muỗi vắt cắn và cũng không phải “đau đầu” để tìm cách vận chuyển những thớt gỗ nặng hàng tạ từ rừng sâu về đồng bằng…
Giữa đại dương mênh mông, “lâm tặc’ dưới biển “chỉ mình ta với trời nước” nên tha hồ đục, cưa bao lâu tuỳ thích, chẳng phải lo sợ điều gì, hay ai bắt bớ cả. Và một khi “hàng’ đã được đem lên tàu rồi thì coi như “tiền đã nằm trong túi”.
Bởi lẽ khi nào tàu về gần đến bến thì ngư dân chỉ cần “alô” là có người ra lấy, hoặc giấu dưới hầm cá thì "có trời mới biết". Còn chuyện bị bắt bớ chẳng qua là quá xui rủi, do “đại lý’ ganh ghét vì mua không được nên “chỉ điểm” mà thôi, “N”, một thợ lặn san hô đen đã chuyển nghề cho biết.
Giấc mơ đổi đời từ san hô đen
Cách đây hàng ngàn năm, loại san hô này không những được biết đến như là nguồn nguyên liệu để chế tác thành những đồ mỹ nghệ mà còn là loại dược liệu quý chỉ dành cho các bậc vua chúa, quý tộc và người giàu có. Vì vậy mà nó còn được mệnh danh là san hô của vua (King’s coral).
Hiện nay đồ mỹ nghệ làm từ san hô đen rất được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng và giá bán rất đắt vì vậy giá san hô đen trên thị trường tăng lên vùn vụt. Nếu cách đây khoảng 5 năm giá 1kg san hô đen chưa đến 1 triệu đồng, thì nay đã lên đến 3-4 triệu đồng/kg. Chính vì thế nhiều thợ lặn coi việc lặn tìm san hô đen là cách để đổi đời.
Một đối tượng vận chuyển trái phép san hô đen và tan vật ở địa phương bị Biên phòng Quảng Ngãi bắt giữ
Theo lời của một số cựu lão ngư ở xã An Hải thì vùng rạng gần chùa Hang, Lý Sơn có cây san hô đen gốc to cỡ bằng cổ chân người lớn. "Thế nhưng đó là chuyện của 10 năm về trước, còn bây giờ muốn tìm thì chỉ khu vực các đảo xa như quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa hoạ may ra mới còn", lão ngư Bùi Văn Sung ở An Vĩnh cho biết.
"Cây to nhất từng thấy cỡ bằng bắp cổ chân người lớn cao khoảng 5m", thợ lặn Nguyễn Văn Quân, ở Bình Thuận, huyện Bình Sơn cho biết.
Ngày trước do khi ở vùng biển cạn còn thì muốn lấy được, thợ lặn thường dùng chạm và búa để chấn hoặc cưa tay để cưa. Thế nhưng hiện san hô đen chỉ còn ở nơi có độ sâu khoảng 40-60m, nên ngư dân chuyển sang dùng cưa máy để cưa. Mỗi chuyến ra khơi nếu được vài cây san hô đen thì lợi nhuận mang lại gấp 3-7 lần so với đánh cá.
Tháng 6/2009, qua kiểm tra, tàu cá của ngư dân Nguyễn Văn Thọ, Biên phòng cửa khẩu cảng Sa Kỳ đã phát hiện lượng san hô đen lên đến 440 kg.
Gần đây là vào 5/2010, Tổ tuần tra của Đồn biên phòng 328 đã phát hiện trên tàu cá của ông Dương Văn Giàu cất giấu 47 bó san hô đen, tổng trọng lượng hơn 400.
Trước đó vào ngày 10/1, trên quốc lộ 24B thuộc huyện Sơn Tịnh, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Sa Kỳ cũng bắt quả tang ông Võ Thanh Mai (trú huyện Bình Sơn) vận chuyển 5 thùng (khoảng 215 kg) san hô đen bằng xe máy…
Thế nhưng bất chấp sự truy bắt đó, việc khai thác san hô đen vẫn diễn ra. Viện Hải dương học Việt Nam cảnh báo: Theo thống kê thì vùng biển Việt Nam có khoảng 1.122 km2 rạn san hô.
Thời gian gần đây, với ước tính mỗi năm có hơn 50 tấn san hô bị khai thác, thực trạng này đã và đang đẩy nguồn san hô Việt Nam đứng trước nguy cơ biến mất.
Nếu cứ đà này, 20 năm nữa san hô sẽ không còn trong vùng biển Việt Nam, theo đó tôm cá cũng sẽ không còn nữa - các nhà môi trường và bảo tồn thiên nhiên cảnh báo.