Ngay sau khi hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA thông báo Chủ tịch Kim Jong-il từ trần, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã triệu tập hội đồng An ninh Quốc gia và hủy mọi kế hoạch làm việc trước đó. Quân đội nước này được đặt trong tình trạng báo động.
Bộ tổng tham mưu quân đội Hàn Quốc cho hay ngoài nâng mức báo động, họ còn cho tăng cường tuần tra biên giới trên bộ và trên biển. Seoul cũng yêu câu đồng minh Mỹ, quốc gia có 28.500 quân đồn trú, tăng sự giám sát trinh sát thông qua các máy bay và vệ tinh do thám.
Binh sĩ Hàn Quốc và Triều Tiên đứng gác tại Panmunjom (Bàn Môn Điếm) ở biên giới hai nước. Ảnh:Life.
Về mặt kỹ thuật, Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn trong tình trạng chiến tranh. Miền Bắc có đội quân 1,1 triệu người - vào loại lớn nhất thế giới. Miền nam có 650.000 binh sĩ phục vụ bên cạnh đội quân đồn trú của Mỹ.
Vài phút sau khi đài truyền hình trung ương Triều Tiên công bố cái chết của Chủ tịch Kim, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda đã hủy một bài phát biểu và tới văn phòng của ông để gặp các bộ trưởng chủ chốt trong chính phủ, AFP đưa tin.
Chủ tịch Triều Tiên và con trai Kim Jong-un trên khán đài trong buổi lễ duyệt binh nhân dịp kỷ niêm 65 năm thành lập đảng Lao động Triều Tiên vào ngày 10/10/2010 tại thủ đô Bình Nhưỡng. Ảnh:AP.
“Tôi biết tin Chủ tịch Triều Tiên qua đời và đã yêu cầu kiểm chứng thông tin”, ông nói. Nhật Bản sẽ phối hợp chặt chẽ với Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc để chuẩn bị những bước đi phù hợp với các diễn biến tiếp theo tại Triều Tiên, ông Noda cho hay.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasuo Ichikawa thông báo Tokyo không phát hiện bất kỳ động thái bất thường nào từ phía quân đội Triều Tiên.
Giới chức Liên Hợp Quốc nói họ đã biết tin Chủ tịch Triều Tiên từ trần nhưng chưa có phản ứng.
Chính phủ Mỹ đang “theo dõi sát sao” những bản tin về cái chết của Chủ tịch Triều Tiên. Nhà Trắng cam kết sẽ tiếp tục duy trì sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên và đảm bảo an ninh của các nước đồng minh.
Theo VnExpress