Ông Nguyễn Huy Tưởng. Ảnh: N.H.
- Hà Nội nhìn nhận thế nào về đợt tăng giá thực phẩm thời gian qua, đặc biệt là thịt lợn, thưa ông?
- Tôi theo dõi mấy tháng qua giá cả nhiều mặt hàng, đặc biệt là giá thịt tăng rất cao. Năm ngoái, mỗi chỉ vàng giá 2,8 triệu đồng, năm nay tăng lên 3,7 triệu. Còn thịt lợn hơi năm ngoái chỉ có 37.000 đồng một cân năm nay lên 72.000 đồng. Nói ra điều này để thấy vàng chỉ tăng 30% nhưng thịt hơi tăng gấp đôi.
Nhưng đó là điều không mong muốn, mà do tác động từ nhiều yếu tố, chủ yếu là nguyên liệu đầu vào tăng cao. Tôi theo dõi được nhiều thông tin để phân tích, phải nói sản xuất nông nghiệp chăn nuôi của bà con phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Thức ăn chăn nuôi phần lớn là nhập bên ngoài, giá đầu vào tăng theo giá thế giới. Trong khi dịch bệnh chưa được kiểm soát triệt để nên khi có dịch sẽ ảnh hưởng ngay lập tức tới đàn lợn, khiến cung không đủ cầu.
-Nhiều người cho rằng do thương lái gom hàng bán sang Trung Quốc nên mới có tình trạng thực phẩm tăng giá?
- Giá cả nguyên vật liệu ở Trung Quốc tăng cao nên rất nhiều thương lái Trung Quốc thu mua các loại thực phẩm trong đó có thịt lợn, do vậy làm tăng giá thịt lợn ở nước ta.
Trước tình hình này, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Tài chính và Sở Công Thương kiểm soát dự báo kịp thời để thông tin trao đổi với các đơn vị thương mại và ký hợp đồng tránh khan, cháy hàng trong nước.
Trong việc sử dụng quỹ bình ổn giá, chúng tôi yêu cầu phải có cơ cấu cho từng mặt hàng, đặc biệt là thịt lợn để doanh nghiệp chủ động cung cấp hàng cho thị trường.
Nhiệm vụ tiếp theo là kiểm soát chống đầu cơ găm hàng và phải tăng cường quảng bá tuyên truyền cho bà con. Chính sách của nhà nước Trung Quốc về cơ bản là tốt. Nhưng không ít doanh nghiệp Trung Quốc ký hợp đồng với người dân lại không thực hiện cam kết một cách nghiêm chỉnh.
Vì vậy, người dân nên hướng vào doanh nghiệp nội địa làm ăn bền vững.
-Thành phố đã có những biện pháp cụ thể nào để ghìm giá thực phẩm?
- Thành phố đã bỏ ra 475 tỷ đồng từ quỹ dự trữ tài chính cho các doanh nghiệp thương mại vay không tính lãi để họ dự trữ 9 mặt hàng thiết yếu, cung ứng ra thị trường khi giá cả biến động. Những mặt hàng này bán thấp hơn giá thị trường 10-15%, góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân đặc biệt người lao động.
Tuy nhiên, khoản tiền 475 tỷ đồng so yêu cầu bình ổn giá với thị trường có sức mua 6,5 triệu dân và 2 triệu người vãng lai của Hà Nội quả thật nhỏ bé. Mong người tiêu dùng phải chia sẻ với thành phố chứ không thể trông cậy hết vào nguồn quỹ này.
Thực tế cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đang giảm và tôi tin trong những tháng tới do độ trễ của chính sách trong tháng 7 tốc độ tăng chậm lại. Tôi tin lạm phát cả năm sẽ dừng ở mức 15-17%.
- Quỹ bình ổn giá hiện chưa đến được với người nghèo, ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?
- Chúng tôi đã phát hiện ra vấn đề này từ năm ngoái. Năm nay chúng tôi yêu cầu các doanh nghiệp đăng ký nhận nhiệm vụ bình ổn giá phối hợp các ban quản lý ở các chợ dân sinh.
Mục đích của chương trình là cung cấp những mặt hàng thiết yếu cho người lao động. Tuy nhiên, về tổ chức thực hiện đang gặp khó khăn, vì mạng lưới phân phối còn kém do vậy mục đích đạt chưa cao. Trong những năm tới chúng tôi sẽ tăng cường cơ sở hạ tầng thương mại, đẩy mạnh hệ thống các tổ chức thương mại để đáp ứng được yêu cầu này.
Theo VnExpress