Thủ tướng vừa đắc cử của Thái Lan Yingluck Shinawatra. Ảnh:Bloomberg.
Động thái này chắc chắn sẽ khiến phe áo đỏ ủng hộ ông Thaksin tức giận,AFPđưa tin. Phe này từng tiến hành hai cuộc biểu tình đường phố ở Bangkok năm ngoái, khiến hàng chục người chết.
Tuy nhiên, tiến trình pháp lý nhằm dẫn tới việc giải tán đảng Pheu Thai có thể kéo dài tới hàng tháng trời. Nếu phe Dân chủ thành công, em gái của Thaksin - Yingluck Shinawatra - sẽ không trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan.
Phe Dân chủ yêu cầu Ủy ban Bầu cử (EC) giải tán Pheu Thai vì cho rằng những chính trị gia bị cấm tham gia chính trường đã giúp đảng này chiến thắng trong cuộc bầu cử tuần trước.
"Chúng tôi yêu cầu EC đề nghị Tòa án Hiến pháp giải tán Pheu Thai. Pheu Thai đã để những người bị cấm tham gia chính trường trong 5 năm đóng góp vào việc xây dựng chính sách, các bài phát biểu cũng như lựa chọn ứng viên", người đứng đầu nhóm pháp lý của đảng Dân chủ cho biết.
Hai đảng thân Thaksin từng bị giải thể trong những năm vừa qua. Những người đứng đầu các đảng này bị cấm tham gia chính trị. Tuy nhiên, bà Yingluck không phải một trong những lãnh đạo của đảng vì thế dù có bị giải thể, bà cũng không bị cấm gia nhập chính trường.
Đảng Dân chủ đưa Thủ tướng Abhisit Vejjajiva lên nắm quyền năm 2008 sau khi đảng tiền nhiệm của Pheu Thai bị giải tán vì tội gian lận bầu cử. Bản thân Dân chủ cũng suýt bị giải tán năm 2010 vì cáo buộc sử dụng ngân quỹ sai mục đích.
Cuộc tổng tuyển cử của Thái Lan vừa diễn ra cuối tuần trước. Đảng Pheu Thai thuộc phe của Thaksin đã giành thắng lợi cách biệt trước phe cầm quyền. Ứng viên của Pheu Thai vào vị trí thủ tướng - Yingluck Shinawatra - cho biết bà sẽ thành lập liên minh cầm quyền gồm 5 đảng.
Theo Vnexpress