Phát lộ việc thi công đập thuỷ điện Ia Krêl 2 quá ẩu

Vụ vỡ sập đập dâng thủy điện Ia Krêl 2 (xã Ia Dom, Đức Cơ, Gia Lai) đang làm nóng dư luận.

Trong khi các cơ quan từ Trung ương đến địa phương liên tục chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ nguyên nhân, xử lý trách nhiệm... thì tại hiện trường phần đập vỡ đã phát lộ hàng loạt các sai phạm nghiêm trọng trong thi công từ chất lượng bêtông đến ống cống dẫn dòng và thân đập...

Phát lộ việc thi công đập thuỷ điện Ia Krêl 2 quá ẩu
Taluy phía lòng hồ của đập rải toàn đá xô bồ không đúng thiết kế. Ảnh: L.Đ.D

Vỡ từ cống dẫn

Ông Lê Vinh - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Gia Lai - cho biết: “Qua kiểm tra hiện trường vụ vỡ đập, chúng tôi thấy rất nhiều sai phạm trong công trình này”.

Ông Vinh cho biết, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc vỡ đập là từ ống cống dẫn dòng. Theo đó, do cống dẫn dòng chất lượng kém, thép không đúng thiết kế, bêtông không đạt chất lượng; từ đó, trong quá trình tích nước, cống bị phá và ăn dần vào đập đất dẫn đến vỡ sập.

Tại hiện trường, một ống bêtông cốt thép bị nước xé toạc và cuốn văng ra xa. Theo quan sát, thép sử dụng làm lõi bêtông là loại phi 6. Bêtông không đảm bảo cường độ yêu cầu nên đã bị sập nắp, lưới thép bị xé toác. Trong lúc đó, quá trình tích nước mới chỉ đạt khoảng 3 triệu mét khối. “Do chất lượng bêtông kém nên trong quá trình đầm nền, ống cống có thể bị nứt từ trước” - ông Vinh phân tích.

Cũng tại hiện trường, ngoài đập toàn đất thì phía taluy bên trong lòng hồ toàn là đá xô bồ rải lởm chởm. Ông Lê Vinh cho biết, theo thiết kế, taluy này phải được lát tấm bêtông hoàn toàn để tránh nước xâm vào thân đập. Nếu lát đá thì phải xếp đá hộc chèn mạch cho kín. Việc làm gian dối này khiến nước dễ dàng đánh vào thân đập và len sâu vào.

Cũng tại hiện trường, cơ quan chức năng phát hiện ra việc thi công đầm nền đập có dấu hiệu gian dối. Nhìn vào lát cắt của thân đập bị vỡ có thể thấy rõ, đơn vị thi công chỉ đầm vài lớp một khúc ở phía trên cống dẫn dòng, rồi bỏ qua nhiều mét ở đoạn giữa và tiếp tục đầm lớp ở phần trên gần mặt đập. Trong khi đó, về kỹ thuật thì phải đầm nén từng bước một, lu nén từng lớp đất một. Đây là nguyên nhân khiến đập bị yếu và rạn nứt lan rộng ra giữa đập sau khi bị sập ở phần cống xả đáy.


	Lòng hồ không được khảo sát, vệ sinh lộ nguyên hình khi đập bị vỡ. Ảnh: L.Đ.Dũng

Lòng hồ không được khảo sát, vệ sinh lộ nguyên hình khi đập bị vỡ. Ảnh: L.Đ.Dũng

Đáng lưu ý hơn, sau khi đập bị vỡ, nước trong hồ rút hết, cơ quan chức năng lại phát hiện thêm sai phạm của công trình này khi lòng hồ lởm chởm, đầy rẫy cây cối không được dọn vệ sinh.

“Nguyên tắc là phải dọn vệ sinh lòng hồ và khảo sát lại toàn bộ để xem dưới đó như thế nào, có di tích gì không, hay có mồ mả gì của người ta hay không, đằng này ở hồ thủy điện này không hề làm bước đó” - ông Vinh nói.

Ông Vinh cũng cho biết thêm, nguyên tắc trước khi tích nước một công trình nào thì chủ đầu tư đều phải có thông báo đến cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để sẵn sàng chủ động mọi phương án.

Tuy nhiên, chủ đầu tư công trình này không hề báo cáo với huyện Đức Cơ. Trả lời vấn đề này, ông Võ Thanh Hùng - Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ - khẳng định, không có chuyện chủ đầu tư báo cáo.

Chủ đầu tư vô tư

Khi xảy ra sự cố, lãnh đạo chủ đầu tư công trình thủy điện Ia Krêl 2 -Cty CP công nghiệp và thủy điện Bảo Long - Gia Lai lại vắng mặt. Cho đến ngày 12.6, Tổng giám đốc Cty này - ông Bạch Đức Quang - mới có công văn báo cáo về nguyên nhân sự cố sau khi có sự gợi ý từ Sở Xây dựng tỉnh. Tuy nhiên, bản báo cáo hết sức sơ sài và tỏ ra không quan tâm nhiều đến hậu quả của sự cố.

Chủ đầu tư cho rằng: “Sự cố do cống dẫn dòng nằm dưới đập bị sụt lún làm nứt đoạn đập và nước lùa vào phá vỡ đoạn đập trên cống chiều ngang từ 5-7m. Sự cố là do quá trình thi công trước đây mặt đập là đường thi công nên các phương tiện cơ giới di chuyển nhiều trên đập và luôn đi qua cống, quá trình lu chân cừu 35 tấn có thể làm rạn nứt trần cống làm cống bị yếu dẫn đến lâu dài cống bị sụt lún”.

Ông Lê Vinh cho biết, hiện tại Sở Xây dựng đã yêu cầu chủ đầu tư báo cáo cụ thể về sự cố, thống kê thiệt hại cũng như mời các đơn vị thi công, thiết kế, tư vấn xây dựng điều tra nguyên nhân theo chủ quan của phía đầu tư để có hướng khắc phục.

Chiều 13.6, Bộ Công thương phối hợp với Sở Công thương Gia Lai đã xuống thực địa tại hiện trường để điều tra nguyên nhân vụ việc trên.

Thủy điện Ia Krêl 2 gồm 2 tổ máy có tổng công suất 5,5MW với sản lượng khoảng 22,5 triệu kWh/năm. Công trình do Cty CP công nghiệp và thủy điện Bảo Long-Gia Lai làm chủ đầu tư với tổng vốn xây dựng là 120 tỉ đồng. Nhà thầu khảo sát xây dựng: Cty CP tư vấn xây dựng Vĩnh Đức (TP.Đà Nẵng). Nhà thầu lập dự án, thiết kế cơ sở: Cty CP tư vấn xây dựng Trí Việt (TPHCM). Nhà thầu thiết kế xây bản vẽ thi công: Văn phòng Tư vấn thẩm định thiết kế và giám định chất lượng công trình (Trường ĐH Thủy lợi). Nhà thầu thi công xây dựng: Cty TNHH Bảo Long và Cty CP ĐTXD Btranco-5. Nhà thầu giám sát thi công xây dựng: Cty MTV TVTK XD Kiến Hoàng Phú.

Ông Võ Thanh Hùng - Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ - cho biết: “Đến cuối ngày 12.6, việc cứu hộ và rà soát người dân vắng mặt gia đình đã hoàn thành. Ngay trong đêm, xã Ia Dom đã chỉ đạo đến từng thôn nắm con số trong từng gia đình và báo cáo lên huyện. Không có người nào bị mất tích hay thương vong trong sự cố này. Hiện tại, huyện tiếp tục chỉ đạo các ngành nắm tình hình thiệt hại về cây trồng, vật chất để có báo cáo chính xác nhất”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại