"Phẩm màu" E102 vẫn tốt nếu không dùng nhiều

camnhung |

E102 - chất tạo màu dùng trong mỳ tôm và nhiều thực phẩm khác - nếu được dùng trong ngưỡng cho phép thì không gây hại.

Ngày 21/7, Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Việt Nam chính thức công bố ngưỡng cho phép sử dụng chất tạo màu E102. Vì thế, người tiêu dùng có thể an tâm ăn các sản phẩm có sử dụng E102 trong ngưỡng cho phép.

Ông Vũ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký, Giám đốc văn phòng Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Việt Nam (Codex Việt Nam), cho biết các nước EU, Mỹ, ASEAN và nhiều nước khác trên thế giới vẫn cho phép sử dụng E102 trong chế biến thực phẩm.

Vẫn trong danh mục an toàn

Qua tham khảo ý kiến các chuyên gia và được tư vấn trực tiếp của các cơ quan, tổ chứcquốc tếvề phụ gia thực phẩm tại hội nghị Đại hội đồng Codex (Ủy ban Tiêu chuẩn hóa thực phẩm quốc tế) thế giới lần thứ 34 tổ chức tại Thụy Sỹ đầu tháng 7 vừa qua, Văn phòng Ủy ban Codex Việt Nam khẳng định, E102 vẫn nằm trong danh mục các chất phụ gia thực phẩm của Codex với số hiệu INS 102, mức ăn vào hằng ngày chấp nhận được (ADI) là 7,5 mg/kg thế trọng/ngày.

Hiện, Ban kỹ thuật Codex quốc tế về phụ gia thực phẩm đang hoàn thiện các điều khoản quy định mức tối đa của E102 cho khoảng 80 loại thực phẩm thuộc các nhóm khác nhau. Nhiều tiêu chuẩn của Codex có nêu rõ mức tối đa dùng trong sản phẩm. Cụ thể, với mì ăn liền quy định mức tối đa là 300 mg/kg, trong tương ớt là 100 mg/kg.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo không dùng liên tục mỳ ăn liền.

Ảnh: Kim Anh.

Như vậy, người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng các loại thực phẩm có E102 đúng hàm lượng. Tuy nhiên, để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, Văn phòng Codex Việt Nam kiến nghị Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cần tăng cường quản lý, giám sát việc sử dụng E102 đúng mục đích và liều lượng theo quy định.

Không nên liên tục dùng mỳ ăn liền

Trong khi đợi các cơ quan chức năng ban hành các mức quy định cụ thể về ngưỡng cho phép hàm lượng tối đa chất E102 trên mỗi sản phẩm, các chuyên gia y tế khuyến cáo không nên sử dụng liên tục mỳ ăn liền.

Hiện, thị trường mì ăn liền của Việt Nam có mức tăng trưởng15% - 20% mỗi năm và dự báo trong 2 - 3 năm tới, mức tiêu thụ mì tại Việt Nam sẽ tăng lên 7-8 tỷ gói. Theo các chuyên gia, Việt Nam đứng vào top đầu châu Á và là quốc gia đứng thứ 4 trên thế giới về tiêu thụ mặt hàng này.

Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất mì gói tự xếp việc sử dụng chất tạo màu E102 trên mì vào nhóm "sản phẩm dùng để trang trí thực phẩm". Theo tiến sĩ Lê Đức Mạnh, Viện trưởng Viện Công nghiệp thực phẩm, nếu dùng mỳ ăn liền có chất E102 tạo màu nhưng trong ngưỡng cho phép thì vô hại. Song, không nên ăn mì ăn liền liên tục trong một thời gian dài vì sẽ tích lũy của chất E102 trong cơ thể.

Hơn nữa, hiện nay, các công ty sản xuất mì ăn liền chỉ công bố có dùng chất tạo màu E102 mà không ghi cụ thể hàm lượng có trong mỗi gói thành phẩm là bao nhiêu. Chính vì vậy, các chuyên gia khuyến nghị các doanh nghiệp phải công bố cụ thể hàm lượng E102 trên sản phẩm, đặc biệt là nên in các khuyến cáo về mức độ nguy hại của E102 đối với sức khỏe con người trên các sản phẩm.

Theo Báo Đất Việt

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại