Ông Truyền đã nói ngược với làm như thế nào?

Bảo Bình |

Khi còn giữ chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ, ông Trần Văn Truyền đã không ít lần nhấn mạnh về việc trung thực, minh bạch trong kê khai tài sản.

Sự việc bắt đầu từ những thông tin và một số hình ảnh trên báo Người cao tuổi mô tả những dinh thự, biệt thự, nhà đất, một phần trong khối tài sản được cho là của ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ, đã ngay lập tức thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận.

Trả lời báo chí về những thông tin tờ báo trên đăng tải, ông Truyền bức xúc: “Tôi đã đọc bài báo nói về tôi. Tôi xác định rất nhiều thông tin trong bài báo đó không chính xác. Không hiểu người viết có dụng ý gì đó mà đưa ra suy luận rất không tốt như vậy...

Về căn nhà của tôi thì cũng bình thường, nếu có so với những người dân ở quanh đây thì đúng là có rộng rãi hơn chút. Tôi có thằng cháu ở ĐH Kiến trúc TP. HCM nó về thiết kế cho theo kiểu cũng mới mẻ nên trông bề ngoài có vẻ trang trọng. Còn bên trong, những người vào cũng bảo là bình thường chứ chẳng có vấn đề gì.

Tôi làm cán bộ bao nhiều năm về dành dụm được ít tiền cùng với con tôi làm đại lý bán bia Sài Gòn và những người con khác góp tiền vào xây căn nhà chung cho gia đình sinh hoạt. Tôi không kinh doanh và cũng không xây dinh thự gì cả mà tờ báo đó lại nói như vậy.

“Thêm nữa là nói tôi có rất nhiều nhà ở TP. Hồ Chí Minh mà tôi cũng chẳng hiểu những căn nhà đó là ở đâu hay từ trên trời rơi xuống?”, ông Truyền nói thêm.

Còn thông tin về ngôi nhà cấp 4 đất rộng 200m2 trước cổng chùa Bạch Vân, phường 5, TP. Bến Tre gia đình ông Truyền vẫn cho thuê, ông Truyền cũng khẳng định là không chính xác.

Trước khi giải quyết cho ông mua căn nhà ở phường 1 thì căn nhà này đã được lấy lại và Sở Tài chính của tỉnh đã cho thuê từ 14 năm nay rồi.

Căn biệt thự đang gây xôn xao dư luận của ông Truyền được xây dựng trên diện tích hàng ngàn m2 tại xã Sơn Đông, TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre
Căn biệt thự của ông Truyền được xây dựng trên diện tích hàng ngàn m2 tại xã Sơn Đông, TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre

Ngoài ra, khi còn đương chức, vị nguyên Tổng thanh tra Chính phủ này cũng đã có những phát ngôn rất đanh thép về việc theo dõi và kê khai trung thực tài sản của cán bộ nghỉ hưu.

Theo thông tin trên VnEconomy ngày 10/2/2009, khi giải thích lý do vì sao đợt kê khai tài sản của các bộ đầu tiên đầu tiên (31.12.2007), Thanh tra Chính phủ chưa đặt ra vấn đề các cán bộ, công chức đã kê khai đầy đủ, trung thực hay chưa, thì ông Truyền cho hay đây là nghĩa vụ và thực hiện theo pháp luật quy định. Nó mang tính pháp lý đối với cán bộ, công chức. 

Ý nghĩa của việc kê khai tài sản lần này chỉ nhằm mục đích xác lập hồ sơ kê khai tài sản ban đầu của cán bộ, công chức. Các cơ quan chức năng sẽ dựa vào bảng kê khai này như một lời cam kết, trình bày của cán bộ với tổ chức. 

Sau này, trong quá trình quản lý, nếu phát hiện cán bộ nào kê khai không trung thực sẽ bị xử lý. Hoặc sau này, tài sản của người đó có khác đi thì phải giải trình cho tổ chức một cách rõ ràng. Giải trình không rõ, có nghĩa là không trung thực với tổ chức và phải bị xử lý kỷ luật về tội không trung thực.

Cũng theo ông Truyền, trong trường hợp đã về hưu mà phát hiện có tài sản bất minh, không giải trình được, lúc đó cơ quan pháp luật cũng sẽ căn cứ theo luật hiện hành để xử lý.

Hay trong một thông tin khác đăng tải trên báo Tuổi trẻ ngày 15/6/2010 về cuộc trao đổi bên hành lang Quốc hội của ông Truyền về một số vấn đề liên quan đến việc kê khai tài sản của ông Ðặng Hạnh Thu, người bị cho thôi chức tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) vào thời gian đó.

Cụ thể, dư luận và báo chí phản ánh ông Ðặng Hạnh Thu có nhiều lô đất ở Ðồng Nai, nơi ông này từng làm cục trưởng Cục Hải quan (trước khi làm tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, ông Thu là phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan).

Đánh giá về việc này, ông Truyền nói rằng: "Kê khai tài sản thì nhiều hay ít là do tài sản, khai phải trung thực chứ không lo khai nhiều thì sẽ có ý kiến này ý kiến khác".

Căn nhà số 105 Nguyễn trọng Tuyển, P.5, Q. Phú Nhuận, TP.HCM được cho thuê bán trái cây -Ảnh: Tiến Long
Căn nhà số 105 Nguyễn trọng Tuyển, P.5, Q. Phú Nhuận, TP.HCM được cho thuê bán trái cây. Ảnh: Tuổi trẻ

Sau những phủ nhận về khối tài sản mà báo chí phản ánh và sau tất cả những phát ngôn về chống tham nhũng, minh bạch, trung thực thì chính ông Truyền đã vi phạm những nguyên tắc đạo đức trên của một cán bộ Nhà nước.

Những sai phạm của ông Truyền đã được nêu rõ trong thông cáo báo chí về Kết luận kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương ngày 21/11 vừa qua.

Cụ thể:

* Đồng chí Trần Văn Truyền biết mình không đúng đối tượng được cấp đất, nhưng vẫn nhận. Sau khi đã được mua nhà (thửa đất tại số 598B5 Nguyễn Thị Định, phường Phú Khương, thị xã Bến Tre, tỉnh Bến Tre) theo Nghị định số 61/CP và sau khi được Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu trả lại, đồng chí đã không kiên quyết, dứt khoát thực hiện, sau đó lại có đơn xin làm nhà tạm để con dâu sử dụng. Việc làm trên của đồng chí Trần Văn Truyền thể hiện sự thiếu gương mẫu của người cán bộ lãnh đạo, gây dư luận không tốt đối với bản thân đồng chí.

* Đồng chí Trần Văn Truyền đã thiếu trung thực, không báo cáo thông tin đầy đủ, đúng sự thật về nhà, đất; đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến quyết định bán nhà của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh không đúng đối tượng và chính sách của Nhà nước (căn nhà số 105 Nguyễn Trọng Tuyển, Phường 15, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh). Sau khi được mua thì không sử dụng ngay mà lại để cho người khác ở và bán hàng. Việc làm trên của đồng chí là có vi phạm, làm cho uy tín cá nhân bị giảm sút, gây dư luận xấu trong xã hội.

* Sau khi đã nghỉ hưu gần 3 năm ở tỉnh Bến Tre, đồng chí Trần Văn Truyền mới trả lại nhà công vụ ở Hà Nội cho Nhà nước. Với cương vị nguyên là cán bộ cấp cao, đồng chí có khuyết điểm khi chưa thực sự gương mẫu trong sử dụng nhà công vụ.

* Với cương vị nguyên là cán bộ lãnh đạo cấp cao, đồng chí Trần Văn Truyền đã thiếu cân nhắc và chủ quan khi xây dựng công trình biệt thự lớn trong khuôn viên đất rộng, trong khi nhà ở và đời sống nhân dân địa phương trong vùng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn; gây phản cảm và tạo dư luận xấu, lan rộng trong xã hội. 

Ông Nguyễn Văn Thắng, nguyên bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, chia sẻ trên tờ Tuổi trẻ: “Việc một cán bộ cấp cao liên tục kể lể hoàn cảnh khó khăn, bức xúc về nhà ở nhưng khi được cấp nhà, đất lại không ở mà cho mượn, cho thuê hoặc để cho con cái thừa hưởng thì khó có thể chấp nhận. Rõ ràng khi soi vào đạo đức thì anh là người không trong sáng”.

Nhận xét về ngôi biệt thự đồ sộ tại xã Sơn Đông, ông Thắng cho rằng, giữa bốn bề người dân nhà tranh vách lá mà mọc lên một ngôi biệt thự của cán bộ như thế thì thật là phản cảm.

“Tôi nói thẳng bất cứ người dân nào cũng có thể nghi ngờ có sự khuất tất, tham nhũng thôi. Vì rõ ràng với đồng lương cán bộ mà có trong tay nhiều tiền của như thế, khó mà lý giải được.

Theo tôi điều quan trọng nhất không phải là những tổn thất về nhà đất có thể quy đổi thành tiền bạc mà là uy tín, tư cách của một người đảng viên sẽ sụt giảm nghiêm trọng trong lòng dân. Cái này khó mà tính toán hoặc lấy lại trong ngày một ngày hai”, ông Thắng nói.

 Tổng hợp

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại