Cô gái có dáng người gày, khuôn mặt phờ phạc không trang điểm lặng lẽ bước vào quán cà phê trên đường Lý Thường Kiệt. Những người trong quán chỉ nhận ra sự có mặt của vị khách khi cô trả lời điện thoại bằng giọng miền Nam khác biệt, hơi gắt gỏng. Đã hơn 2h chiều, lúc ấy cô mới bình minh sau một đêm đi làm về muộn. Mọi người ở bar gọi cô là DJ Trang.
Vẻ ngoài khá đơn giản với chiếc áo thun đen và quần jean, dùng điện thoại bình thường, không ai nghĩ mỗi tháng cô gái ấy có thu nhập gần 40 triệu đồng. Thích đi chơi và không chịu ngồi yên một chỗ, cô làm quen vớinghềDJ từ khi còn là nữ sinh trung học. Được một sư phụ dìu dắt, Trang theo thày đi đánh ở các tụ điểm trước khi là sinh viên ngành sư phạm theo ý nguyện của mẹ.
Năm thứ hai, cô quyết định bảo lưu kết quả vì "không hợp với việc học hành" và muốn thoát khỏi sự gò bó, kiểm soát của người thân để rảnh rang đánh nhạc. Cô bảo từ nhỏ đến lớn thường phải theo sự sắp đặt của gia đình và giờ nổi loạn, muốn làm theo ý mình. Trang rẽ bước ngoặt đầu tiên của cuộc đời từ đó.
Giờ đã có 5 năm làm nghề, "kinh qua" nhiều sàn lớn trong Nam ngoài Bắc nhưng chưa lúc nào cô nữ sinh ấy nghĩ mình sẽ quay về với trường học để trở thành cô nuôi dạy trẻ trong tương lai dẫu sau này có không làm DJ chăng nữa.
Lúc mới đi làm, cô sợ hãi, rụt rè và ngại ngùng khi có quá nhiều người bên dưới nhìn mình. Khi đó, cô chỉ dám đứng yên, lắc lư nhẹ và mong nhanh hết bài để xuống nhưng giờ, mỗi lần đứng bên bàn mix là một lần cô được phiêu với tiếng nhạc mạnh. "Giờ thì em nhiều trò hơn. Vừa đánh, em vừa nói chuyện và trêu đùa khách", DJ 23 tuổi chia sẻ. Vào nghề, cô được các đàn chị dạy cách sắp xếp bài từ nhẹ tới mạnh để đem lại cảm xúc thăng hoa cho khách, cách nhìn mặt khách để chọn bài và cả chiêu xử lý sự cố khi đang đánh đĩa bị vấp. Sau nhiều lần ra Bắc, vào Nam, Trang quyết định "hành nghề" ở Hà Nội vì ngoài này, DJ thâm niên như cô được trả lương hậu hĩnh. Hiện, cô vào "biên chế" ở hai sàn lớn lớn nhất tại đây.
Không rụt rè, Trang tỏ ra khá thẳng thắn và vô tư khi tiết lộ về công việc. Trong một tối, các DJ chơi theo ca và theo từng cấp độ nhạc. Mỗi người chơi một giờ nhất định, do đó vai trò của họ cũng sẽ khác nhau. Người đầu tiên luôn đánh nhạc nhẹ để giúp người nghe quen tai bởi khi đó khách vừa bước vào quán còn mải nhìn ngắm nội thất, ánh sáng và cả DJ. Khi khách đã uống ngà ngà say hay hút cỏ, cắn thuốc, "phù thủy" tiếp theo sẽ tăng nhạc mạnh dần để kích thích họ.
Lúc đã phê, các thượng đế sẽ chẳng còn phân biệt được hay dở, nhạc bốc hay không, cũng là đến phiên người chơi cuối. DJ đó sẽ là đưa các vị khách "lên đỉnh" buộc họ đứng dậy quay cuồng, nhảy múa, hò hét để xả thuốc. Trang nhớ nhất có lần chơi ởNext Top, khách vỗ tay, reo hò cuồng nhiệt khiến bar như muốn nổ tung. Được sự cổ vũ của MC cộng với không khí đầy kích thích, DJ trở nên máu lửa và chơi "sung" hết mình.
Trang thừa nhận, do đặc thù nghề phải tiếp xúc với nhạc mạnh thường xuyên nên để duy trì được độ sung, nhiều người cắn thuốc để lấy lại cảm xúc và giúp dây thần kinh giãn ra sau khi quá căng thẳng. Nghe quá nhiều nhạc, các DJ như Trang thường rơi vào trạng thái bão hòa, mất cảm giác, không phân biệt được hay dở. Khi được hỏi có dùng cách này để thoát khỏi trạng thái ấy không, Trang khăng khăng không. "Em không phủ nhận việc cắn thuốc trong giới. Chơi thuốc là có. Em cũng lâm vào tình cảnh giống họ nhưng thường làm việc khác như đi ra bên ngoài, không nghe nhạc nữa chứ không dùng thuốc", cô nói. Thỉnh thoảng cô cũng hay bị các vị khách quá chén rủ "đi chơi".
Ngoài những lúc không âm nhạc, nữ sinh mầm non tâm sự rất thích đi mua sắm, làm tóc và vào spa. Trang hào hứng nhớ về cuộc sống ở Sài Gòn: "Ở gần nhà có hiệu làm đẹp, ngày nào em cũng vào nhưng ra Hà Nội, hầu như em chẳng đi đâu vì cảm thấy không hợp. Trong Nam, em thường xuyên có mặt ngoài đường, đi chơi suốt".
Đang rôm rả, cô nàng DJ nổi tiếng cuồng nhiệt tại các sàn ở Hà Nội bỗng trở nên dịu dàng khi nói về mẹ, người đã kịch liệt phản đối công việc của cô. Là con thứ hai trong gia đình có ba anh em, Trang thân với em gái út và mẹ hơn anh trai. Mẹ Trang là giáo viên và bà muốn con gái cũng theo nghiệp nhà giáo. Trong mắt một người mẹ như bà, DJ là cái gì đó không đứng đắn, chơi bời nên bà cố hướng con học ngành sư phạm để có một cuộc sống bình yên, ổn định.
Thi cho mẹ yên lòng nhưng trong thâm tâm Trang vẫn nuôi đam mê và chỉ chờ dịp bùng phát. "Em nói với mẹ hãy để con làm những gì mình muốn, khi nào hết thích DJ, con sẽ quay về học nghề của mẹ. Nói vậy nhưng chắc sẽ chẳng bao giờ đâu", nói xong cô quay đi chỗ khác, tránh nhìn vào người đối diện.
Phải mất một thời gian dài cô mới thuyết phục được mẹ rằng DJ không phải một nghề xấu. "Nhưng có lẽ do mẹ em vẫn chưa hình dung được hết những cám dỗ và nguy hiểm bủa vây quanh nghề DJ này", cô giải thích. Dạo gần đây sắp được nghỉ hè, công việc đã bớt bận rộn, bà hay nhớ con nên thường gọi điện "buôn" hàng tiếng chỉ để hỏi những câu chuyện quen thuộc, vụn vặt, không đầu cuối. Những lúc đó, cô lại nhớ cảnh mẹ đang ngồi chấm bài buổi tối.
Trang bảo, do ăn không quen đồ Bắc nên mẹ cô thường làm những món con gái thích và gửi ra. Mỗi khi thèm trái cây gì, chỉ cần báo với mẹ, bà lại đóng thùng cho con ăn dần. Sống xa nhà, cô cùng một nhóm DJ đồng hương thuê nhà ở chung. Mỗi tháng cô tiêu "chắt chiu" cũng tầm từ 7 đến 8 triệu còn "thả phanh" phải tới hơn 15 triệu.
Nghề "pha chế nhạc" mang lại cho Trang khoản thu nhập khủng nhưng cũng khoác lên người cô một cái mác "gái không ngoan". Chuyện tình cảm không thuận lợi cũng chỉ vì cô làm DJ. Mỗi khi được bạn trai đưa về nhà, cô thường bị bố mẹ người yêu hỏi về nghề nghiệp. Biết bạn gái của con trai làm trong quán bar, họ tỏ ý "lăn tăn", không hài lòng. Nhắc tới dự định tương lai, cô gái 23 tuổi ấy chẳng có gì nhiều ngoài mong ước về trong Nam sống, còn công việc, cô vẫn chưa nghĩ tới.
Theo Ngôi sao