Nếu không có chiến lược phát triển ngành chăn nuôi thì doanh nghiệp trong nước ngày càng “teo tóp” và thị trường bị chi phối bởi doanh nghiệp nước ngoài
Theo các chuyên gia, ngành nông nghiệp tại Việt Nam rất hấp dẫn đối với doanh nghiệp (DN) nước ngoài, bởi các DN trong nước không đủ sức đầu tư, trong khi nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ngày càng tăng, giá cả cũng tăng. Chưa kể nhiều chính sách khuyến khích đầu tư nông nghiệp của nước ta cũng đang tạo lợi thế cho DN nước ngoài.
Nhiều kiểu o ép
PGS-TS Lã Văn Kính, Viện phó Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam, cho biết sở dĩ DN nước ngoài đổ xô vào Việt Nam đầu tư vào ngành chăn nuôi là do nhiều nước trên thế giới không muốn phát triển trong lĩnh vực này vì ngại gây ô nhiễm. Còn ở Thái Lan, họ dành phần chăn nuôi cho người bản xứ, cũng như có nhiều chính sách ưu đãi cho người chăn nuôi.
Con giống, giá thức ăn ở Thái Lan được kiểm soát chặt, nhà nước cho phép tăng giá mới được tăng. Cả chục năm chính phủ mới cho DN điều chỉnh giá một - hai lần. Tại Việt Nam, công tác quản lý giá chưa chặt chẽ, mạnh ai nấy tăng, chỉ hơn một năm qua đã có 17 lần điều chỉnh giá thức ăn.
Sản xuất thức ăn chăn nuôi tại một doanh nghiệp nước ngoài
Do cuộc chơi không cân sức, DN nước ngoài chiếm lĩnh thị trường nên họ luôn thao túng đẩy giá lên liên tục. Đối với mặt hàng thức ăn chăn nuôi, họ có rất nhiều cách để làm giá. Thông thường DN trữ nguyên liệu từ 3 - 5 tháng, họ chọn thời điểm giá thấp để mua vào dự trữ. Đến khi giá nguyên liệu thế giới tăng thì họ cũng tăng giá bán trong nước, cho dù thời điểm đó họ vẫn còn sản xuất nguồn nguyên liệu cũ. Một thủ thuật khác nữa là họ thay đổi tỉ lệ nguyên liệu. Khi một loại nguyên liệu nào đó trên thị trường giảm giá mạnh thì họ tăng tỉ lệ nguyên liệu này vào cơ cấu sản phẩm, giảm tỉ lệ nguyên liệu có giá cao.
Ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm tỉnh Bình Phước, cho biết nuôi gia công kiểu gì cũng bị thiệt thòi lớn. Khi thị trường tăng giá nóng thì DN vẫn bị “ấn” giá cố định cho cả năm. Thời gian nuôi gà công nghiệp 45 ngày sẽ xuất chuồng nhưng khi thị trường hút hàng thì chỉ hơn 30 ngày họ đến bắt gà, dẫn đến trọng lượng thấp, gây thiệt hại cho người chăn nuôi.Còn lúc thị trường ế ẩm, họ neo gần 60 ngày mới đến bắt, tức người nuôi phải cho gà ăn nửa tháng tốn thêm nhiều chi phí, gà hao hụt người nuôi gánh hết. Chưa kể khi tỉ lệ hao hụt vượt quy định, thiếu trọng lượng họ cũng trừ tiền. Do đó, nhiều người nuôi gia công thường xuyên bị lỗ lã, nợ nần chồng chất. Còn những hộ nuôi tôm cũng chịu thiệt thòi, con giống bị chết sạch ao nhưng cũng không có DN làm con giống nào chịu đền bù, họ đổ thừa cho môi trường không tốt.
Siêu lợi nhuận từ con giống
Giá gà giống công nghiệp của các DN nước ngoài bán cho đại lý từ 19.500 - 21.000 đồng/con một ngày tuổi (đại lý bán cho người nuôi lên đến từ 24.000 - 26.000 đồng/con). Với giá thành sản xuất gà giống thấp, nếu tính theo giá bán cho đại lý như hiện nay, họ có lãi ít nhất 14.000 đồng/con. Đó là mức lãi siêu lợi nhuận. Do độc quyền nên khi người chăn nuôi mua con giống của họ thì phải mua kèm lượng thức ăn tương ứng để nuôi cho đến khi xuất chuồng. Cũng do độc quyền, lại sản xuất khép kín (từ cung con giống đến sản xuất thức ăn) nên giá thức ăn của họ bán thường cao hơn thị trường từ 10%- 15%.
Nguồn tôm giống cũng đang bị làm giá. Do nắm độc quyền nên DN nước ngoài tăng giá con giống lên cao. Ông Võ Quan Huy, Phó Chủ tịch Hội Tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng), cho biết giá tôm giống (tôm sú) của các DN ngoại hiện lên đến 50 - 60 đồng/con, tôm thẻ giống lên 87- 92 đồng/con (trong khi năm ngoái chỉ có 30 - 40 đồng/con).
Tỉ lệ tôm chết năm nay lên đến 70%, thậm chí có vùng chết gần hết. Theo ông Huy, nhiều ao tôm thả con giống cả 2 lần đều chết hết, phải thả tiếp nhiều lần nên người nuôi tôm hiện vẫn không có lãi cho dù giá bán nguyên liệu có tăng. Còn theo ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, bình thường những DN nước ngoài làm tôm giống có mức lãi từ 30%- 40%, còn hiện nay giá tăng gần gấp đôi thì lợi nhuận sẽ cao rất nhiều.
Không thể cạnh tranh nổi
Theo ông Nguyễn Trí Công, chủ trại heo Trí Công ở Đồng Nai, chúng ta đang bị một số nước trong khu vực cạnh tranh theo kiểu cung cấp con giống cũ, có nguy cơ lây dịch bệnh sang Việt Nam, còn ở nước họ thì nuôi trồng giống mới, chất lượng cao và sạch. Khi con giống bị đào thải thì họ lại đưa sang Việt Nam. Do con giống không tốt nên giá thành chăn nuôi trong nước luôn cao hơn các nước trong khu vực, vì vậy càng khó cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp phải ngưng hoạt động.
Theo Nguoilaodong