Nơi đàn bà "làm việc âm phủ"

Dương Đình Tường |

Cái nghề đặc biệt đến nỗi được ví: “ăn cơm dương gian làm việc âm phủ”. Cái nghề mà người theo phải đi từ một hai giờ sáng và hoàn thành trước khi có ánh sáng mặt trời…

Chết già và chết xanh

Đêm đen bóng như sừng trâu, bàn tay giơ ra còn không nhìn rõ ngón. Người cạo sơn đã quá quen đến giấc này là tỉnh dù không phải buổi cạo, mắt vẫn mở chong chong nhìn trần nhà.

Bà Hán Thị Tuyên cũng vậy. Ngồi trong nhà mà bước chân, tiếng nói của ai ngoài đường bà đều biết. Đợi mắt tôi quen dần với bóng tối, chúng tôi lên đồi. Dế rả rích.

Sương mù dày đặc, dấp dính như khói trong nồi nấu bánh. Những sáng có sương mù thường là lúc cây sơn được nhựa.

Chân dung thợ cạo sơn
Chân dung thợ cạo sơn

Bóng những người phụ nữ đen thẫm chờn vờn ngay trước mặt. Vạt đồi đêm nay ở Văn Lương (Phù Ninh, Phú Thọ) có ba người đàn bà là bà Tuyên, đứa cháu và người hàng xóm Hán Thị Quai.

Phải cắt sơn từ 1-2 giờ sáng, lúc thân cây nhiều nhựa nhất. Thợ cạo dùng lực toàn thân ấn lưỡi dao ngập vào lớp vỏ xù xì.

Cứ ba bốn vết cắt ở mặt trước thì quay lại mở một mặt sau thân, thuật ngữ gọi là mặt cội. Người cắt khéo nhựa chảy thành dòng thẳng như kẻ chỉ, không hề bị lem ra mép.

Ngồi xuống, ấn lưỡi dao cắt mặt trước, dịch thân sang cắt mặt sau rồi lại đứng lên, di chuyển sang cây khác.

Toàn bộ khối công việc nặng nhọc ấy của người thợ sơn lặp đi lặp lại 700-800 lần một buổi tương đương với cắt 300-400 cây.

14-28-11_dsc_8307
14-28-11_dsc_8314
Phải cắt sơn từ 1-2 giờ sáng, lúc thân cây nhiều nhựa nhất

Khi nhựa sơn có váng vàng ở mặt cạo phải trút ngay vào lào (một dạng giỏ tre được trát sơn kín mít có nắp đậy lên chốc mặt sơn chống đóng váng).

Đổ muộn, nắng gắt chiếu vào sơn tự keo cháy xung quanh vừa giảm chất lượng lại khó thu.

Buổi nắng thu sơn đã khổ nhưng chưa cực bằng mưa.

Cắt xong mấy trăm cây sơn mà một trận mưa rào trút xuống là không mím chặt môi nhưng nước mắt vẫn cứ ứa ra.

Mưa rửa trôi sơn đã đành còn làm choe choét cả những cái tróc hứng, cọ mãi mới sạch được.

Sơn hai năm tuổi đã bắt đầu cho nhựa đến khoảng sáu bảy tuổi là cỗi gọi là chết già. Lại có loại cây thân to, lá dầy nhưng cạo vào mặt cứ trơ ra, xám ngoét gọi là sơn chết xanh.

Sơn chết xanh theo từng vận của gia chủ. Nhà chẳng chết cây nào. Nhà chỉ cạo một thời gian là xám mặt hàng loạt.

Đến giờ giới khoa học vẫn chưa thể lý giải nổi điều này.

Sơn ăn tùy mặt, ma bắt tùy người

Thợ cắt sơn chủ yếu là nữ. Họ làm quen với việc này từ năm 13-14 tuổi đến khi bệnh tật đầy người.

Phụ nữ ở làng buổi sáng cặm cụi ở vườn sơn 7-8 tiếng, chiều về làm ruộng hay ủ sơn 3-4 tiếng nữa. Lao động 12 tiếng một ngày nên mỗi tối họ chỉ ngủ được 3-4 tiếng.

Xưa thợ cạo phải đốt đuốc đi cạo sơn. Cứ một nắm tre chẻ nhỏ phơi khô rồi buộc lại là thành đuốc.

Thời ấy, núi rừng hoang vắng, người ta vẫn thấy theo sau bó đuốc là đám rắn cạp nong, cạp nia trườn đến nuốt tàn.

“Theo đóm, ăn tàn” là thế! Khi chẳng may dẫm phải một con rắn độc người cạo sơn phải nhá ngay nắm lá sòi tía, nuốt lấy nước còn bã đắp vào vết thương mới có hi vọng sống sót.

Sau đuốc đến thời kỳ của đèn dầu còn đèn pin chỉ xuất hiện chừng hai chục năm nay.

Những người cạo khéo, vía tốt như bà Bùi Thị Dòng ở khu 4 thường được dân làng nhờ mở miếng sơn đầu tiên trên nương.

Mở miếng thường chọn vào những ngày rồng phun nước (ngày thìn). Được người vía tốt mở miếng vườn sơn sẽ nhiều nhựa và trẻ lâu.

Người ta còn kiêng đổ cả cái cặn sơn ở trong tróc xuống bếp lửa dù nó rất đượm mà phải đổ xuống suối để mong sao nhựa cạo sẽ chảy nhiều như nước.

14-28-11_dsc_8320
Lưỡi dao cạo

Bà Tuyên bị bệnh khớp đã mười năm nay, căn bệnh thường gặp của những người hay đi sương, về gió.

Những hôm mù trời bệnh trở phát nặng người bà không thể đứng thẳng được mà phải cúi lom khom.

Sơn trộn với mùn cưa thành một thứ keo gắn gỗ cực bền mà không cần dùng đến đinh. Nhà ông Thông có chiếc bàn cổ trên 80 năm được gắn cũng như phủ mặt bằng sơn ta. Bao nhiêu năm rồi mà bàn vẫn chắc, mặt bàn vẫn sáng bóng như gương, lỡ tay làm đổ cốc, nước chảy thành từng dòng như rót vào chiếc lá sen.

Đêm nay sương nhiều, tôi thấy bà lệt sệt lê người từ gốc cây này sang gốc khác.

Cái nghề khắc nghiệt khiến nhan sắc bà tàn phai nhanh chóng.

Đến như con dâu bà, tay, mặt cũng loang lổ đầy những vết sơn.

Người hàng xóm, bà Hán Thị Quài cắt sơn đến lúc bệnh khớp trở nặng lúc nào cũng phải chống gậy, rời thuốc ra là phải đi bò, trời lạnh đến kéo cái chăn cho mình cũng không thể tự làm nổi.

Đông lạnh buốt, mười ngón chân dù bọc trong tất, ủng, mười ngón tay dù xỏ vào găng cũng như tay, chân của người khác.

Hè mồ hôi rơi ướt như tắm, đến giọt nhựa sơn nóng là thế nhỏ xuống cũng không hay biết đến khi nó ăn sâu vào da, ngứa ran lên thì đã quá muộn.

“Sơn ăn tùy mặt, ma bắt tùy người”, có người chỉ đi qua vườn sơn mà đã bị ăn hơi, mặt ngứa như dị ứng, đỏ ửng, vài ngày sau mới tróc vảy.

Hồi chiến tranh, đoàn tuồng Bắc Trung ương có sơ tán về xã. Mấy cô diễn viên chỉ đi qua đồi một chốc mà ăn hơi sơn mặt sưng vù đến mấy hôm phải rời sân khấu.

Nếu dính trực tiếp vào bất kể quen hay lạ đều bị sơn ăn.

Người tỉnh ra, lập tức dùng xăng hay dầu hỏa đánh hết nhựa sẽ không bị phản ứng, còn lơ là để chừng nửa giờ thì khỏi nghĩ đến việc tẩy, xóa nữa.

14-28-11_dsc_8312
Nhựa sơn đang chảy

Vết sơn ăn lúc đầu đen như nhọ nồi sau đó lở ra, đỏ ửng. Ngứa đến lợt da. Ngứa đến chảy máu. Ngứa đến tận lúc da non chuyển thành da già.

Sau ngứa là những vết sẹo dị hợm đi cả đời cùng với kiếp thợ cạo.

Làng nghề trồng sơn

Nghề sơn không thể lười được bởi đến cữ mà không cạo, nhựa cây cũng sẽ tự chảy. Nhựa không chảy ở miệng cạo mà nứt ra ở chỗ vỏ lành.

Một dòng trắng đục chảy nhòa trên thân, trông tội như người phụ nữ đang kỳ tức sữa.

Chẳng ai nhớ cây sơn có trên đất Phù Ninh tự bao giờ mà chỉ biết nó gắn với người dân nơi đây như một tiền định.

Gia đình nào có tang thì buộc một mảnh khăn trắng vào cây để cho cái cây biết nỗi buồn của gia chủ.

Lệ xưa là thế, lệ nay vẫn vậy.

Một thời chưa xa, nhựa sơn từng được xuất khẩu đi Nhật Bản. 1 kg sơn hồi ấy đổi được 13 kg gạo cộng thêm 1 mét vải phin hoa hoặc pho trắng.

Trồng sơn hồi ấy sướng tê người. Sau chẳng rõ thế nào Việt Nam lại để mất thị trường này khiến giá sơn giảm xuống chỉ ngang 4 kg gạo.

Từ năm 2000, Trung Quốc ăn hàng sơn, giá cả tăng dần đều với đỉnh cao được thiết lập là 330.000đ/kg nay giảm xuống còn 200.000đ/kg.

Sơn trở thành cây kinh tế chủ lực của Văn Lương với diện tích trên 100 ha, đóng góp tới 1/3 giá trị sản xuất nông nghiệp. Ngay cán bộ Ủy ban xã cũng tám người có vườn sơn ở nhà.

Năm 2013, Văn Lương được công nhận là làng nghề sơn nhưng vẫn còn nghèo lắm.

Cả buổi sáng hì hụi cạo đến tận trưa đi thu nhựa trung bình cũng chỉ được dăm lạng sơn, tính ra ngày công còm cõi khoảng 100.000 đồng.

Bởi thế xã còn tới 36 cái nhà lá, số nhà mái bằng của một xóm có khi chưa kín nổi số ngón tay trên một bàn tay.

Bởi thế mà đời của thợ sơn vẫn chìm đắm như chính cái thời khắc mà họ thường bắt đầu một ngày lao động: nửa đêm.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại