Những mảnh đời khác nhau và ước mơ con chữ

daquynh |

Mỗi ngày tới trường của "con nhà nghèo" và những cậu ấm cô chiêu chẳng bao giờ giống nhau.

Nhiều người hẳn vẫn chưa quên hình ảnh hai sĩ tử Long và Tuấn bước ra từ chiếc xe Bentley siêu đắt đỏ mùa thi đại học năm ngoái. Hai thí sinh một đến từ Hải Dương, một đến từ Lạng Sơn, kẻ miền xuôi người miền ngược nhưng đều chung một đặc điểm là thiếu gia.

Vì thiếu gia là con của đại gia nên đương nhiên có quyền xài sang. Không ai cấm các thiếu gia ngồi xe xịn, trưng đồ hàng hiệu đi thi... Và cũng không ai có quyền trách móc khi cả hai cậu ấm cùng chưa được 10 điểm cho cả ba môn thi đại học.

nhung-manh-doi-khac-nhau-va-uoc-mo-con-chu
Chiếc xe Bentley đưa quý tử Long về kinh ứng thí.

Với các cậu, đi học hay đi thi cũng chỉ là một nhiệm vụ bất khả thi để làm vừa lòng bố mẹ. Thế giới của các cậu khác biệt hoàn toàn với những em nhỏ vùng cao, những người bạn cũng trong độ tuổi ấy nhưng phải bươn trải ngay từ nhỏ, phải tìm đủ mọi cách để biến ước mơ được cắp sách tới trường thành hiện thực.

Những câu chuyện ngày đầu tựu trường dưới đây đặt trong thế đối sánh với cuộc sống xa hoa của Long và Tuấn khiến người ta không khỏi suy ngẫm.

Háo hức chờ ngày khai trường vì được ăn cơm có thịt

Từ năm 2010, với số tiền trợ cấp của nhà nước các em học sinh Trường PTDT bán trú tiểu học và THCS Hố Quáng Phìn (Đồng Văn, Hà Giang) được ăn những bữa cơm trắng có rau và có cả thịt. Những bữa cơm với nhiều người là quá đỗi bình thường nhưng lại trở thành một niềm hạnh phúc lớn lao mà không phải lúc nào nhứng đứa trẻ sống trên cao nguyên đá cũng có được.

Ngay từ sáng sớm tinh mơ em Lầu Thị May - học sinh lớp 4 đã đưa em gái 5 tuổi của mình đi dự lễ khai giảng đầu tiên. Sau buổi lễ, hai chị em được ăn một bữa cơm trưa có thịt kho, đậu xào và canh cải nấu thịt - bữa ăn mà cả hai chị em cùng mong chờ đỏ mắt trong những ngày nghỉ hè.

nhung-manh-doi-khac-nhau-va-uoc-mo-con-chu
Bữa cơm ngày khai trường có cơm trắng và thịt.

Từ giáo viên, học sinh đến các cô các chị nhà bếp đều khấp khởi mừng vui vì trẻ con nơi đây đến trường ngoài được học cái chữ còn được ấm cái bụng.

Bán tóc để được đến trường

Nếu như các em học sinh Hà Giang phải băng rừng, lội suối để tới lớp, thì ở một góc nhỏ của thành phố Đà Nẵng sầm uất, cô bé Võ Nguyễn Hoàng Chi (15 tuổi) đã phải cắt đi mái tóc dài óng để được đến trường. Số tiền 500.000 bán tóc cô bé dành để đóng học phí, mua sách giáo khoa cho mình và em trai.

Với Chi mái tóc dài óng cắt đi thì tiếc thật nhưng nêu không làm thế con đường đến trường của cô bé sẽ không còn nữa. Rồi đây mỗi buổi sáng tới trường, có thể Chi sẽ phải nhịn đói, sẽ phải rạp người trên chiếc xe đạp cũ nhưng cô học trò nghèo không hề nao núng, Chi dự định sẽ đi làm thêm để phụ giúp gia đình.

Vẫn biết mọi sự so sánh đều là khập khiễng, nhưng tôi vẫn muốn đặt bát cháo vây cá mập trị giá vài trăm đô và đĩa cơm trưa của các em nhỏ vùng cao, đặt chiếc xe Bentley đắt tiền với chiếc xe đạp cọc cạch của Chi bên cạnh nhau. Đi học, đi thi với những đứa trẻ sinh ra trong thế giới xa hoa đôi khi là một cách trả nợ cho các bậc sinh thành, những "món nợ" mà các em phải cắn răng, nhăn mặt trả cho xong. Còn với những đứa trẻ sinh ra đã quen với cái nghèo đi học cũng có nghĩa là được sống, được no bụng để biến những ước mơ của riêng mình thành hiện thực.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại