Gùi hàng nặng tới 40 kg lên đỉnh Fansipan ở độ cao 3.143 m là công việc của những người khuân vác bản xứ trợ giúp du khách chinh phục mái nhà Đông Dương.
Thông thường mỗi người leo Fansipan đều có một người đi cùng (gọi là porter) để trợ giúp khi leo lên các dốc đá, hoặc gặp chướng ngại vật trên đường. Những porter này chủ yếu là người H'Mông.
Phải gùi 30-40 kg, thậm chí nặng hơn nhưng họ vẫn thoăn thoắt mở đường, leo lên những dốc cao cheo leo.
Thông thường mỗi porter một tuần đi 3 chuyến lên đỉnh Fansipan, họ cùng ăn và dựng lều trại cho du khách.
Mỗi chuyến đi, porter được trả 150.000 đồng cho ba ngày.
Các porter rất ít khi dừng nếu như du khách không nghỉ ngơi. Ngoài việc làm khuân vác đồ, giúp đỡ du khách vượt qua những đoạn đường khó, họ còn được học nghiệp vụ làm hướng dẫn viên du lịch do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Lào Cai đào tạo.
Lò A Sình ở bản Hồ là một trong những người dẫn đường trẻ tuổi nhất. Thi thoảng A Sình lại trèo lên cây cao ven đường để quan sát du khách.
A Lủ, một porter đang thổi khèn khi cùng du khách dừng chân ở độ cao 2.200 m. Tiếng khèn vang lên giữa núi rừng khiến du khách quên đi vất vả.
Từ độ cao 2.200 m trở lên, cả khách lẫn porter phải chinh phục những đoạn đường khó khăn, thường xuyên phải qua suối, dốc cao. Du khách phải chuẩn bị giày cao cổ, găng tay nhưng các porter chỉ đi dép nhựa, thậm chí không có.
Leo Fansipan vào tháng 10-11 sẽ không gặp phải lạnh giá. Thời tiết khá đẹp với những tia nắng xuyên qua tán lá.
Không chỉ mang vác hành lý, dụng cụ dựng lều trại... các porter còn là người bạn đường của du khách để tâm sự.
Không ít porter là nữ.
Khi du khách lên tới đỉnh Fansipan ở độ cao 3.143 m cũng là lúc porter có thời gian nghỉ ngơi lâu nhất.
Theo Lê Hiếu
VNE