Những chiêu bắt chẹt phụ huynh, thí sinh

vytran |

Bị lừa mua đáp án cũ, đi xe ôm, uống nước, ăn cơm bình dân... với giá cao gấp 2-4 lần ngày thường.

Sáng 4/7, khi tiếng trống làm bài thi môn Toán được 10 phút, tại điểm thi THPT Phan Bội Châu, thành phố Vinh (Nghệ An), xuất hiện một phụ nữ cao gầy, mặt bịt kín khẩu trang, tay ôm một tập giấy trên tay vừa đi vừa rao: “Đáp án đây các bác ơi, vào thi được 5 phút là có đề và đáp án của Bộ GD&ĐT trên mạng rồi. Các bậc phụ huynh nên mua trước cho con để tự chấm điểm”.

Với giá 3.000 đồng một tờ đáp án, chỉ trong mấy phút, người phụ nữ này đã bán hết. Hàng trăm phụ huynh vui mừng vì mua được đáp án sớm cho con. Nhưng khi một số sinh viên tình nguyện chạy lại xem đã nhận ra đây là đáp án năm 2010. Lúc này, nhiều phụ huynh mới biết mình bị lừa.

Một phụ huynh ở điểm thi Trường THPT Phan Bội Châu (Vinh, Nghệ An) với tờ đáp án giả. Ảnh:Nguyên Khoa.

“Rõ ràng là tờ đáp án có in chữ Bộ GD&ĐT cùng dòng chữ Đề thi chính thức năm 2011 nên chúng tôi cứ nghĩ rằng đây là đáp án xịn chứ có biết đâu mình bị lừa”, anh Nguyễn Hùng Cường ở huyện Thanh Chương nói. Không chỉ anh Cường, nhiều phụ huynh chờ con ở điểm thi xa trung tâm thành phố Vinh như thị trấn Hưng Nguyên, các xã Nghi Ân, Nghi Liên… cũng mua phải đáp án dởm.

Những ngày thi thời tiết miền Bắc và miền Trung đều nắng nóng, các quán nước trà đá, nước mía ở gần điểm thi được dịp hốt bạc. Khuôn viên ĐH Quốc gia Hà Nội với những vỉa hè rộng rãi, tán cây rộng trở thành “thiên đường” cho quán nước tự phát. Các loại đồ uống như C2, trà xanh không độ giá bán đều cao hơn ngày thường 5.000-10.000 đồng.

Tương tự, tại cổng ĐH Thương mai, ĐH Ngoại thương (Hà Nội) la liệt các quán nước với giá rất “tự phát”. Một bát tàu phớ, một cốc nước mía thường ngày chỉ 7.000-10.000 đồng thì nay 10.000-20.000 đồng. Sau khi uống hết 2 cốc nước trà đá để chờ con làm bài, ông Nguyễn Đức An phải trả 15.000 đồng. “Họ chém ác quá, ở quê tôi, nước chè mời nhau uống cả năm cả tháng không mất tiền. Bình thường thì cũng chỉ 1.000-2.000 đồng một cốc, nay đưa con đi thi, trả hai cốc nước chè 15.000 đồng mà xót quá”, ông An thở dài.

Các quán cơm bụi cũng không bỏ qua cơ hội kiếm chác. Việt Hòa sống ở Hà Nội đã 3 năm, được gia đình giao trọng trách đưa em đi thi. Tự tin vì khá sành sỏi, Hòa không ngờ vẫn trở thành nạn nhân của việc “chặt chém”. Buổi trưa 4/7 dẫn em trai đi ăn bún đậu mắm tôm ở cổng trường Học viện Ngoại giao, khi trả tiền hết 30.000 đồng một suất, gấp đôi giá ngày thường, dù bất ngờ nhưng Hòa cũng đành “ngậm ngùi” trả tiền vì “ăn của người ta rồi chẳng lẽ giờ không trả”.

Hà Minh đưa em đi thi tại ĐH Kinh doanh và Công nghệ (Hà Nội) phải mua đồ ăn sáng ở gần trường gồm một bát xôi thịt, một chai C2 với giá 50.000 đồng. Biết là đắt, cậu vẫn phải “nhắm mắt” trả tiền vì “các hàng quanh đó toàn bán giá như vậy, chẳng lẽ lại để em nhịn đói vào phòng thi”.

Tại các cổng trường, đội ngũ xe ôm đứng hàng dài chờ đưa đón sĩ tử và giá cũng “trên trời”. Hoài An cho biết hôm đi làm thủ tục dự thi, do quên chứng minh nhân dân ở nhà nên vội bắt xe ôm về lấy. Cả đi lẫn về có 5 km mà An phải trả 100.000 đồng. "Biết là đắt đỏ nhưng không ngờ lại đến mức cắt cổ như vậy", An nói.

Quán nước tự phát trong khuôn viên ĐH Quốc gia Hà Nội. Ảnh:Yến Hoa.

Từ huyện miền núi Quế Phong (Nghệ An), hai mẹ con chị Lang Thị Lan tìm đến Trường THCS Quang Trung (thành phố Vinh) dự thi. Trong buổi đi làm thủ tục đầu tiên, chị chưa biết đường nên phải nhờ một tài xế xe ôm ở bến xe Vinh chở. Sau một hồi lòng vòng, hai mẹ con chị phải trả 100.000 đồng. Đến nơi chị mới biết bị lừa bởi chỗ mà con mình thi chỉ cách bến xe khoảng 3 km.

Một số phụ huynh khác ở Quảng Bình, Thanh Hóa lần đầu tiên đến thành phố Vinh dự thi cũng bị đám xe ôm chở lòng vòng đến địa điểm thi rồi "chém đẹp". “Cũng may là chỉ bị chém ở buổi đầu tiên đi làm thủ tục, các buổi khác đã có các cháu tình nguyện hướng dẫn nên chúng tôi biết rõ giá cả rồi mới đi xe ôm”, anh Nguyễn Đình Vinh ở Thanh Hóa tâm sự.

Không chỉ quán cơm, hàng nước tăng giá mà ngay cả dụng cụ học sinh như thước kẻ, bút viết, compa, tẩy… cũng bán với giá cao hơn bình thường nhằm phục vụ sĩ tử hay quên. Nhẹ thì tăng 2.000-3.000 đồng, có những cửa hàng “độc quyền” ở khu vực đó thì giá tăng gấp nhiều lần. Một chiếc thước kẻ 20 cm giá 15.000 đồng trong khi ngày thường được bán với giá 4.000 đồng.

Dù phải trả giá cao, nhưng nhìn chung các phụ huynh đều không quá bức xúc. “Cha mẹ khổ cả đời rồi, giờ có đắt thêm mấy nghìn nữa cũng không sao. Miễn là con mình làm bài tốt, đậu đại học cho cha mẹ nở mày nở mặt”, một phụ huynh vừa uống cốc trà đá vừa cười lớn.

Theo VnExpress

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại