Tại lễ
vinh danh 128 giáo viên tiêu biểu đang công tác tại biên giới, hải đảo, vùng
cao do Bộ GD&ĐT tổ chức có rất nhiều câu chuyện cảm động về sự khó khăn,
thiếu thốn cũng như lòng say mê nghề của những nữ giáo viên “bỏ nhà” để đem chữ
đến với những vùng xa xôi của tổ quốc, là những đóng góp rất nhiều trong sự phát triển của giáo dục nước nhà.
“Tình của
bà con Phú Quốc…”
Đã gắn
bó với nghề 23 năm, cô giáo Dương Thị Mỹ Hằng (GV Trường Tiểu học Dương Đông 3,
huyện Phú Quốc, Kiên Giang) đã có công rất lớn trong công tác dạy kiến thức,
giáo dục đạo đức và những kỹ năng sống cho học sinh đảo Phú Quốc.
Cô giáo 23 năm gắn bó với huyện đảo Phú Quốc xa xôi Dương Thị Mỹ Hằng.
Kể lại
cơ duyên đến với nơi huyện đảo xa xôi, cô Mỹ Hằng xúc động nhớ lại: “Tình cờ
trong một lần Phòng GD huyện đảo Phú Quốc vận động giáo viên tình nguyện ra đảo
vì ở ngoài đảo xa thiếu giáo viên. Tôi nghĩ, mình còn trẻ năng động, thích khám
phá cái mới ở những nơi xa xôi nên đã tình nguyện đăng ký. Nhưng bố mẹ tôi nói
con gái không được đi xa lâu ngày. Tôi năn nỉ mãi bố mẹ mới cho phép chỉ đi 3
năm thôi. Lúc đi, bố cho tôi chiếc đài để nghe tin tức trong đất nước vì lúc đó
không có điện thoại liên lạc, thư từ thì phải nửa tháng mới đến nhà một lần”.
Công tác
được 3 năm, cảm nhận được tình người của bà con Phú Quốc, cô Hằng xin tiếp tục
được ở lại và tiếp tục cống hiến cho đến ngày hôm nay.
Chia sẻ
về khó khăn dạy kỹ năng sống cho trẻ Phú Quốc quen với cách sống tự do đi biển,
cô Hằng bộc bạch: “Học sinh sống tự do, sống theo bản năng sông nước, đi biển
nên việc rèn luyện thói quen sinh hoạt hàng ngày rất khó khăn, tối thiểu là việc
vệ sinh thân thể, giữ gìn vệ sinh môi trường mỗi thầy cô phải thường xuyên nhắc
nhở các em”.
Tìm học sinh trong rừng
Cô Trần Ngọc Thêm nhớ mãi kỷ niệm ngày đầu mở lớp, trường không có sân chơi, hàng rào.
Đó là kỷ
niệm nhớ nhất của cô giáo Trần Ngọc Thêm (Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo xã Đất
Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) trong 27 năm công tác trong nghề.
“Lúc ấy
trường lớp tạm bợ, hàng rào không có, trẻ lạ cô, khóc bỏ học trốn vào rừng để
ngủ. Không có điện thoại liên lạc, tôi chưa nhớ hết các cháu, tôi phải nhờ người
dân tìm đến nhà bố mẹ để cùng đi tìm cháu về”, cô Thêm nói.
Năm
1986, là một giáo sinh về công tác tại thị trấn Năm Căn, cô Thêm là người đầu
tiên mở lớp mẫu giáo ghép với nhà trẻ. Rồi trong chuyến đi thăm Đất Mũi, thấy
các em không có nơi vui chơi, học tập mà chỉ lang thang với bùn, đất và mò tôm,
bắt ốc, cô Thêm trăn trở phải giúp các em đến trường, đánh vần, biết chữ...Sau
đó, cô làm đơn tình nguyện xin Phòng GD về Đất Mũi mở lớp mẫu giáo.
Không có
lớp học, cô Thêm xin UBND xã cho mượn một phòng 36 m2 trong trụ sở ủy ban để
nuôi dạy học sinh và chỗ đó buổi tối là nơi cô ở. “Những ngày đầu tiên, để có học
sinh, tôi phải đến từng nhà bà con để vận động. Lớp có 24 cháu, tôi mừng rơi nước
mắt nhưng vẫn trằn trọc vì nơi đây vẫn có quá nhiều khó khăn”.
Cô Thêm
nhớ lại thời kỳ đầu: “Có những lần thủy triều lên tràn vào lớp, rác thải, rắn
nước, côn trùng theo vào. Tôi cho các cháu ngồi lên bàn chờ cho nước rút rồi
nhanh chóng quét dọn, lau chùi khô mới học tiếp được. Hay đèn thắp sáng không
có, tôi phải thắp bằng đèn dầu để soạn bài trong khi gió biển cứ ào ào thổi.
Hơn thế, đây là vùng nước mặn nên tôi phải đi 3 – 4 cây số mới đến được nhà dân
chở nước về để vệ sinh cho các cháu và sinh hoạt.
Nhưng
khó khăn lớn nhất mà tôi gặp phải đó là nhận thức của chính quyền, bà con coi
ngành học mầm non rất hạn chế. Họ quan niệm học mẫu giáo chỉ đến ca bài hát,
không được học chữ, coi việc đến trường là không cần thiết”.
Theo cô
thì điều giúp cô gắn bó với Đất Mũi là yêu nghề, yêu trẻ, muốn trở thành người
mẹ thứ 2 của các trẻ và cô không bao giờ hối hận vì đã chọn nghề này.
“Cái
khó là làm cho học sinh thực sự đam mê học…”
Cô Trần La Giang không giấu nổi xúc động khi chia sẻ về cách dạy trò ở vùng cao Sơn La.
Đã 20
năm qua, cô Trần La Giang (GV Vật lý, Trường THPT chuyên Sơn La) gắn bó với mảnh
đất nơi đây. Là giáo viên dạy giỏi môn Vật lý, cô từng nhiều năm tham gia ôn
luyện và phụ trách học sinh đi thi học sinh giỏi và đã có 79 giải tỉnh, 33 giải
quốc gia. Đặc biệt, năm nay, em Ngô Phi Long - học sinh người dân tộc đầu tiên
đoạt huy chương vàng Olympic Vật lý quốc tế chính là cậu con trai của cô.
Chia sẻ
về kinh nghiệm dạy đội tuyển học sinh giỏi, cô La Giang cho biết: “Ở đây hoàn cảnh
khó khăn về đi lại, điều kiện học tập, nhiều em có khả năng nhưng do gia đình
nghèo nên không theo được đội tuyển. Vì vậy, thầy và trò chúng tôi phải nỗ lực
hơn nhiều và quan trọng nhất là phải tạo niềm tin, sự say mê học hỏi của các em”.
Vừa là người
thầy và người mẹ giỏi khi có con trai giành giải cao, cô La Giang xúc động chia
sẻ: “May mắn cho Long là được gặp và học hỏi các anh chị đi trước của trường.
Ngay từ bé Long đã rất thích môn Vật lý. Cũng không có kinh nghiệm gì chỉ là
làm cho con thực sự đam mê để phấn đấu hết sức mình”.
Đó là 3
trong 128 nữ nhà giáo tiêu biểu, đại diện cho hơn 150 nghìn nữ giáo viên đang
công tác tại các xã vùng cao, miền núi, hải đảo từ Lũng Cú (Hà Giang), đến Đất
Mũi (Cà Mau), Phú Quốc. Những câu chuyện đầy cảm động, ý nghĩa ấy càng khẳng định
họ là những chiến sỹ đã, đang hy sinh thầm lặng đối với sự nghiệp “trồng người”
của đất nước.