Những câu chuyện cười ra nước mắt trên đường đi

daquynh |

Những chuyện mới nghe qua thì có vẻ nực cười nhưng khi ngẫm lại thấy buồn vô cùng.

Người Việt Nam ra đường vẫn thường phải nhăn mặt, bặm môi vì tắc đường, kẹt xe hay chuyện gia súc thả rông vô tư đi lại cản trở phương tiện… nhưng cũng không ít lần được tròn mắt, cười nghiêng cười ngả trước những chuyện “xưa nay hiếm”. Cười để rồi khi nghĩ lại thấy vô cùng hổ thẹn và lo ngại cho văn hóa giao thông của nước ta.

Nghịch lý cảnh sát giao thông "ăn chưởng"

Không phải cứ là cảnh sát được đào tạo nghiệp vụ và trang bị công cụ hỗ trợ là tính mạng và sự an toàn được bảo đảm tuyệt đối. Không ít các cảnh sát giao thông bị hành hung có trường hợp phải nhập viện khi gặp phải những người vi phạm quá hung hãn, cậy quyền và cậy tiền.

Điển hình như vụ hai cha con hành hung thượng sĩ Lương Đình Hải - Đội CSGT số 4 khi đang làm nhiệm vụ ở ngã tư Đền Lừ - Tam Trinh thuộc phường Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai). Nam thanh niên điều khiển xe máy vượt đèn đỏ bị tuýt còi, ngay lập tức đã phóng xe đâm thẳng vào người CSGT. Trong khi bị lập biên bản, chàng trai đã ngang ngược gọi điện thoại cho người thân là bố mình. Ông bố ngay lập tức xuất hiện, yểm trợ cho con trai đánh trọng thương thượng sĩ Hải.

Chuyện “gọi điện thoại cho người thân” vẫn chưa làm người ta choáng váng bằng hành động của các thiếu nữ “chân yếu tay mềm” thẳng tay bật lại CSGT. Thi thoảng, các chiến sĩ cũng có thể bị ăn tát, có trường hợp chảy cả máu mồm khi gặp phải các cô gái “nóng tính”, cứ bật lại đã dù chưa biết đúng sai thế nào.

nhung-cau-chuyen-cuoi-ra-nuoc-mat-tren-duong-di
Sau cái tát của thiếu nữ, chiến sỹ CSGT này chảy máu mồm và gục xuống đường.

Chặn đầu ô tô xin tiền mãi lộ

Sự việc mới đây nhất là vào chiều 24/6, trên Đại lộ Thăng Long (làn cao tốc ôtô chạy tốc độ 80 km/h) hướng Hòa Lạc - Hà Nội xuất hiện người đàn ông khoảng 30 tuổi, mặc áo màu đỏ, trên tay cầm một bông hoa. Mỗi khi thấy ôtô chạy gần đến, anh này lại nhảy ra chặn đầu rồi xin tiền. Nhiều lái xe đang chạy nhanh đã phải phanh gấp để tránh đâm phải người đàn ông này.

Đây không phải là trường hợp duy nhất, trước đây tại đường Minh Khai, đoạn qua ngõ Gốc Đề cũng đã từng xuất hiện một người phụ nữ trung niên liên tục nhảy múa, thấy ô tô là lao ra chặn đường rồi xin tiền. Các tài xế ai nấy đều hoảng sợ, rút tiền ra cho để nhanh chóng “thoát thân”.

Đường của ta phải để cho khách Tây phân làn

Tại Ngã Tư Trần Bình Trọng – Trần Nhân Tông, chiều ngày 2/7, một khách Tây "cực chẳng đã" phải vào vài một cảnh sát giao thông bất đắc dĩ đứng ra phân làn khi tận mắt chứng kiến các phương tiện lưu thông không theo lề lối, làn đường quy định.

nhung-cau-chuyen-cuoi-ra-nuoc-mat-tren-duong-di
Ông Tây phân làn đường ở nút giao thông Trần Bình Trọng - Trần Nhân Tông.

Câu chuyện này sau đó đã khiến không ít người tỏ ra hổ thẹn và lo ngại cho “văn hóa giao thông Việt Nam”. Một bạn đọc ở Nghệ An chia sẻ suy nghĩ của mình trước hành động được gọi là “khai hóa văn minh giao thông”: "Tôi thấy buồn vì ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân quá. Tự dưng rơi nước mắt, tôi không hiểu vì sao. Cám ơn ông Tây".

Bấy nhiêu chuyện được coi là sự lạ trên mỗi con đường, người qua đường trong chốc lát sẽ “Ố, á”, sẽ cười to, sẽ hiếu kỳ đứng lại xem nhưng khi đi qua rồi sẽ tự hỏi "Đến bao giờ mỗi con đường ở Việt Nam mới thực sự bình yên và đẹp trong mắt của cả người ta lẫn người Tây?"

Vẫn biết cuộc sống xô bồ, đôi khi chỉ vì nóng giận, chỉ vì bồng bột mà người ta không kiềm chế được bản thân nên mới gây ra những chuyện nực cười đáng chê trách như vậy. Nhưng hãy nhìn lại, hãy tiết chế bản thân để cùng nhau xây dựng một văn hóa giao thông thật đẹp trên mỗi cung đường ta đi qua.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại