Bỏ lại mẹ già, con thơ, người mẹ, người yêu... để đi theo tiếng gọi của Tổ quốc. Thanh niên Việt Nam luôn trong tâm thế sẵn sàng lên tiếng mỗi khi Tổ quốc cần. Chính trái tim và ý chí đó chính là sức mạnh tổng hợp tạo nên những chiến thắng vang dội chống lại những Đế quốc hùng mạnh trong những cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, trong công cuộc bảo vệ lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của đất nước.
Bằng sức mạnh dân tộc, chúng ta đã lần lượt đánh bại kẻ thù, giành lại nền độc lập. Niềm vui khôn xiết trong ngày kháng chiến thành công, trong ngày đoàn tụ. Song có rất nhiều chiến sỹ và người thân của các anh không được hưởng niềm vui trọn vẹn đó.
Có những người đã ra đi mãi mãi, để lại nỗi tiếc thương đau đáu, những mất mát khôn cùng cho những người ở lại. Trong đó có những liệt sỹ đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu bảo vệ và xây dựng biển đảo Trường Sa.
64 chiến sỹ đã hi sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma năm 1988
Sáng 14.3.1988, tàu HQ 604 đang neo đậu gần đảo Gạc Ma, khi thấy 4 chiếc tàu lớn của Hải quân Trung Quốc đang tiến lại gần thì chỉ huy Lữ đoàn 146 đã cử ngay các chiến sĩ lên bảo vệ lá cờ Tổ quốc đang cắm trên đảo. Thấy vậy, phía Trung Quốc cho 2 xuồng chở đầy lính có vũ trang lao về đảo, tàu HQ 604 liền nhổ neo tiến về phía đảo để bảo vệ.
Căn cứ quân sự của Trung Quốc xây dựng trên đảo Gạc Ma - Trường Sa.
Đúng 7 giờ 30, 2 chiến hạm Trung Quốc dùng pháo 100 mm bắn xối xả vào tàu HQ 604 khiến tàu bị hỏng nặng. Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ và cán bộ, chiến sĩ đã đánh trả quyết liệt khi thấy quân Trung Quốc có ý định chiếm tàu. Thấy không thể khuất phục được tinh thần chiến đấu dũng cảm, quyết chiến đấu, hy sinh để bảo vệ đảo của bộ đội ta, phía Trung Quốc tiếp tục nã pháo khiến tàu HQ 604 bị thủng nhiều lỗ và chìm dần xuống biển...
Chỉ huy tàu và một số thủy thủ đã hy sinh, trong đó có liệt sĩ Lê Đình Thơ, người con anh hùng của mẹ Lê Thị Lượng huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Đã 25 năm trôi qua nhưng nỗi đau vẫn còn đó, đeo bám những người ở lại. Đến giờ mẹ vẫn không thể nào quên được những ngày tháng đau thương nhất của gia đình khi bà liên tiếp mất đi cả con trai và con dâu trong cùng năm 1988, để lại cho bà đứa cháu gái côi cút mới hơn một tuổi đầu.
Cùng chung nỗi đau với mẹ Lê Thị Lượng, mẹ liệt sĩ Trường Sa Hoàng Thị Thìn (Yên Thành - Nghệ An) cũng đã từng "cắt từng khúc ruột" của mình để hiến dâng cho Tổ quốc.
Nhà mẹ Thìn có 10 người con thì có đến 4 người phục vụ trong quân ngũ, người anh trai cả Cao Đình Cựu hy sinh tại chiến trường miền Nam năm 1971, bởi vậy anh Cao Đình Lương thuộc diện “được miễn nghĩa vụ quân sự”. Nhưng anh vẫn nhất quyết đi để tiếp nối truyền thống vẻ vang của gia đình.
“Năm 1986 hắn về phép, mọi người bàn lấy vợ, hắn bảo “Khi mô hết nghĩa vụ con về, khi đó lấy vợ cũng chưa muộn. Nhưng hắn đi, đi mãi, không thấy về...", nước mắtlại trào ra trên gương mặt của người mẹ già năm nay đã 85 tuổi.
Đôi mắt mờ đục của người mẹ già vẫn đau đáu hướng về Trường Sa.
Đó cũng là lần cuối cùng mẹ được ôm đứa con trai tài hoa của mình trước khi anh chuyển vào Khánh Hòa, tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma, bảo vệ Trường Sa, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Tri ân những liệt sỹ trẻ đã ngã xuống trong công cuộc xây dựng biển đảo Trường Sa
Bước chân lên đảo, nỗi đau như vỡ òa khi nhìn lên những bia mộ khắc ghi những cái tên anh hùng với tuổi đời còn rất trẻ: Liệt sĩ Nguyễn Văn Thi, sinh ngày 15-4-1975, hy sinh ngày 14-4-2001, quê quán: Hoàng Minh, Hoàng Hóa, Thanh Hóa.
Vào những năm đó, hành trang lớn nhất mà các anh mang bên mình đó chính là lòng yêu nước, là khát vọng được cống hiến cho công cuộc xây dựng Tổ quốc, xây dựng vùng biển đảo bất chấp phương tiện thô sơ là những chiếc xuống cũ kỹ, không có điện thoại để liên lạc.
Chuẩn bị mâm quả thắp hương viếng các liệt sĩ.
Cũng bởi vì thế mà lần lao ra dòng biển xoáy cứu xuồng, nhân viên báo vụ
Nguyễn Văn Thi đã nằm lại với biển, dòng biển xoáy đã lấy mất anh trong
vòng tay các đồng đội. Một khi biển đã bão, sóng gió đã thét gào thì
biển thật hung dữ.
Các chiến sĩ nhìn thấy cái chết đã cận kề với Thi nhưng họ cũng không có cách nào cứu được. Nguyễn Văn Thi hy sinh để lại bao xót thương trong lòng đồng đội bởi lúc anh hi sinh chỉ còn 13 giờ đồng hồ nữa là đến sinh nhật tuổi 26 của anh.
Gửi đến các anh vòng hoa bất tử trên biển Cô Lin - Gạc Ma - Len Đao.