Sự việc Nhà Tổ và Gác Khánh của chùa Trăm Gian bị "bức tử" khiến dư luận bức xúc đã được xác định là hành vi xâm hại nghiêm trọng.
Tuy nhiên, ngoài hai địa điểm nói trên, hàng loạt di vật quý giá nằm trong nhiều hạng mục khác thuộc quần thể di tích nghìn tuổi này, từ khu thờ Phật Thánh (Tam Bảo), bảy gian Tiền đường cho đến hai dãy hành lang Thập bát La hán, đều bị mất mát, hủy hoại khiến người dân địa phương bức xúc kêu trời.
Di vật quý giá tại các hạng mục nằm trong quần thể chùa Trăm Gian bị vứt ngổn ngang
Nhiều hiện vật quý không còn
Vụ việc ngôi chùa Trăm Gian nghìn tuổi được Nhà nước xếp hạng di tích đặc biệt quý giá cấp quốc gia bỗng nhiên bị "khai tử" đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Một công trình được xây dựng từ đời Lý, nức tiếng với kiến trúc cổ kính và độc đáo mà ít ngôi chùa nào có được về cả tuổi đời và đường nét hoa văn tinh xảo hiện đã bị xâm hại đến mức khó bề khắc phục nổi.
Sự việc ngôi chùa nghìn tuổi bị "bức tử" khiến nhiều người dân trong cả nước vô cùng bức xúc về sự hiểu biết về Luật Di sản cũng như sự thiếu hiểu biết về giá trị của một công trình đặc biệt quý giá này. Điều đáng nói là không chỉ dừng lại ở việc Gác Khánh và Nhà Tổ bị "đập đi" xây mới, mà nhiều vấn đề liên quan đến việc trùng tu của ngôi chùa này trước đó cũng còn nhiều điều khuất tất.
Ông Nguyễn Quốc Ân, một cán bộ hưu trí, có thâm niên 10 năm làm chủ tịch MTTQ Việt Nam xã Tiên Phương (Quốc Oai, Hà Nội) cho biết: "Dù tượng cũ cũng còn nhiều, nhưng một số đã mất đi như tượng đồng đen Thích ca (nằm trong toà Cửu Long Châu). Người dân hỏi thì nhà chùa bảo rằng chôn dưới bệ để không bị mất trộm."
Hay như toà Cửu long Châu có 9 vị thánh cũng vừa được làm mới. Không hiểu sao những giá trị vô giá như thế lại được thay bằng cái mới. Án gian (trước cửa gian Tiền đường) cũng không thể tránh khỏi "số phận cũ kỹ" và thay bằng Ô Sa cải tiến của nước ngoài. Như vậy làm gì còn là đồ cổ, còn gì là giá trị văn hóa nữa. Những cái đèn thắp nến cổ đồng và gỗ cũ bốn mặt kính, kiểu đèn lồng hộp cũng biến đâu mất, thay vào đó nhà chùa cho lắp đèn điện nhấp nháy xanh đỏ.
Đặc biệt, cũng theo ông Ân trong chùa có một di vật vô cùng quý giá đó chính là Đài sen xếp bằng gạch đất không nung (nằm ở khu thờ Phật Thánh), khi xếp vào nhau sẽ ra hình 12 con giáp. Tuy nhiên, khoảng 10 năm trước thầy Khoa cũng cho đập đi và xây lại nhưng vẫn không thể được như cũ. Hơn nữa, nhà chùa còn tự ý cho đào một nhà hầm sâu dưới đất chỉ dùng với mục đích sinh hoạt mà không hề xin ý kiến của các cụ.
Bên cạnh đó còn nhiều tượng và di vật khác trong chùa được sơn lại cho mới nhưng theo kiểu khác hoàn toàn với cái cũ. Bởi vậy không thể nói đây là tượng cũ đã được sơn lại mà là tượng mới hoàn toàn, chỉ cần nhìn qua là biết ngay. Những di vật đó bây giờ đi đâu về đâu thì chỉ có… trời mới biết. nhà chùa "tự tung tự tác" như vậy, trách nhiệm này thuộc về ai"?
Cùng chung nỗi bức xúc và tâm trạng như ông Ân, một cán bộ địa phương về hưu cho biết: "Trong chùa từ cái chân cột, đến bức tường cổ bị đào tung lên thay vào những vật liệu mới. Trước đó khoảng gần chục năm, nhà chùa cũng cho đào tung lên để lát gạch hoa Trung Quốc, nhưng sau đó dân làng phản đối và yêu cầu nhà chùa cạy lên lát lại, nhưng mãi đến vừa rồi mới lát lại loại gạch đỏ mới.
Đến bây giờ thì di tích không còn là di tích nữa rồi, bởi mọi thứ đổi mới hết, tượng phật được… tô son điểm phấn đến khác lạ. Chúng tôi đặt câu hỏi về những điều nhà chùa đã làm rằng, liệu có việc lợi dụng ngôi chùa để trục lợi cá nhân không? Điều này phải chờ cơ quan chức năng có thẩm quyền kết luận".
Nhà chùa “tự tung tự tác”?
Theo người dân nơi đây, việc trùng tu và tu bổ ngôi chùa Trăm Gian đã được tiến hành nhiều lần với số tiền tài trợ "khủng" nhờ vào các mối quan hệ" của vị trụ trì chùa. Nhưng dường như mọi cố gắng của nhà chùa đều đi ngược lại với mong muốn của người dân, khi thay việc trùng tu bằng việc xây mới.
Để biện minh cho sự cố ý "làm trái" của mình, sư thầy Thích Đàm Khoa bày tỏ: "Thật ra công trình đã được sửa chữa nhiều lần đến nay không thể chống đỡ được nữa, nên nhà chùa phải cho "tu sửa" lại để đảm bảo an toàn cho người dân đến lễ Phật, tham quan được an toàn khi mùa mưa bão đang đến gần".
Hiện, Nhà Thờ Tổ và Gác Khánh tại chùa Trăm Gian gần như sắp hoàn thành, chỉ còn một vài hạng mục nhỏ chờ thi công nốt. Nằm sát bên ngoài công trình "một vài ngày tuổi" này là những cột gỗ lim vững chắc, tảng đá xanh, đá gạch cổ viền quanh, cấu kiện cũ, rui, kèo..., nằm ngổn ngang. Đống ngói hai mặt âm dương cũng bị xếp vào một đống không khác gì rác vật liệu xây dựng đang chờ để vứt đi. Cùng với đó là những người không hiểu vì kém hiểu biết về di sản hay đồng tình với nhà chùa để được "chân râu ria" quanh chùa như trông xe, bán nước hay bán hương, đồ lễ, sẵn sàng "khai tử", rũ bỏ những giá trị văn hóa nghìn năm tuổi này.
Thiết nghĩ, công trình này dù có được tiếp tục hoàn thành nốt hay phục dựng lại nguyên trạng thì chùa Trăm Gian cũng mãi mãi không thể trở lại như trước được nữa. Nếu không xử lý nghiêm vụ việc này thì những di tích tiếp theo khó thoát khỏi "số phận" như chùa Trăm Gian.