Mảng trần rơi ập xuống ở chung cư: "Phải bóc toàn bộ trần nhà..."

Hà Khê |

“Chủ đầu tư là Tổng Cty CP Xuất nhập khẩu Xây dựng VN (Vinaconex) cần phải tổng kiểm tra, rà soát các căn hộ tại đây. Khi có dấu hiệu rạn nứt phải bóc toàn bộ trần nhà để xử lý”.

Dân lo sợ kiếm thợ đến kiểm tra

Như thông tin Báo điện tử Trí Thức Trẻ đưa tin, vào sáng 18/11, tại căn hộ số 1502, tòa nhà 17T6, KĐT Trung Hòa – Nhân Chính đã xảy ra vụ sập vữa trần nhà.

Thời điểm đó, một mảng trần rộng vài mét vuông bỗng dưng đổ ập xuống sàn nhà. Rất may, sự cố xảy ra khi không có người trong căn hộ nên không xảy ra thương vong.

Sự cố này cùng với những trường hợp tương tự xảy ra trước đó đã khiến cư dân ở khu chung cư này vô cùng bất an. Mối nguy hiểm cứ rình rập trên đầu họ, trong khi căn nhà đã hết bảo hành của chủ đầu tư.

Một ngày sau khi xảy ra sự cố sập vữa trần nhà ở căn hộ 1502, tòa nhà 17T6 (KĐT Trung Hòa – Nhân Chính, đường Hoàng Đạo Thúy – Hà Nội), nhiều người dân sống tại tòa nhà này vẫn không khỏi lo lắng về mối nguy hiểm đang rình rập trên đầu.

Khi chúng tôi tìm hiểu, nhiều người chia sẻ họ rất lo lắng, bất an. Anh Đinh Công H., một người dân sống ở tòa 17T6 nói.

“Việc rơi vữa trần không còn lạ ở khu chung cư này. Ai mà biết được nhà mình có bị rơi hay không và có may mắn rơi khi không có ai ở nhà”.

Nỗi lo lắng của anh H. cũng giống như nhiều cư dân khác ở đây và hoàn toàn có cơ sở, bởi lẽ cả khu chung cư này được xây dựng cùng thời điểm. Một khi sự cố xảy ra ở căn hộ này thì không ai dám chắc sẽ không xảy ra ở căn hộ khác.

Chị Ngọc A., trú tại tòa nhà 17T1 cho biết, sự cố sập trần, rơi vữa đã xuất hiện từ nhiều năm về trước. Rất may là chưa xảy ra thương vong, nhưng người dân luôn nơm nớp lo sợ.

Sau sự cố ngày 18/11, chị Ngọc A. đã phải nhờ người tìm thợ tới nhà kiểm tra trần, vách trong căn hộ của mình để đề phòng bất trắc.

“Giờ căn hộ đã hết bảo hành, mình phải tự lo cho mình thôi. Ai mà biết nó rơi lúc nào, thôi thì cứ kiểm tra cho chắc”, chị Ngọc A. nói.


Nhiều người đến làm việc trong căn hộ có sự cố phải đội mũ bảo hiểm để đề phòng bất trắc.

Nhiều người đến làm việc trong căn hộ có sự cố phải đội mũ bảo hiểm để đề phòng bất trắc.

Tôi từng suýt bị vữa rơi vào đầu

Đem những lo lắng này của người dân, chúng tôi tìm gặp lãnh đạo Công ty cổ phần Đầu tư và Dịch vụ đô thị Việt Nam – Vinasinco (Tổng công ty Vinaconex), đơn vị quản lý vận hành tòa nhà 17T6.

Ông Đào Hải Sơn, Trưởng phòng Kỹ thuật công ty Vinasinco cho rằng, công ty chỉ đơn thuần là cung cấp dịch vụ chứ không liên quan đến những sự cố xảy ra như trong căn hộ 1502.

Mỗi khi có sự cố, Ban quản trị tòa nhà sẽ liên hệ với công ty để tiến hành bảo trì, bảo dưỡng.

Chúng tôi làm theo đề nghị của Ban quản trị tòa nhà, nếu khi xảy ra sự cố như ở căn hộ 1502 ngày hôm qua, công ty sẵn sàng hợp tác với Ban quản trị tòa nhà để hỗ trợ việc kiểm tra, vệ sinh, khắc phục.

Và tùy theo mức độ, phạm vi cho phép thì công ty có thể hỗ trợ, chia sẻ việc này", ông Sơn nói.

Ông Sơn cảnh báo, hiện nay tòa nhà đã hết hạn bảo hành, nếu người dân cảm thấy bất an hoặc xuất hiện điều bất thường thì nên báo với Ban quản trị để có biện pháp kiểm tra, xử lý.

Khi PV đặt câu hỏi về chất lượng của tòa nhà vì vận hành mới hơn 10 năm đã xảy ra nhiều sự cố về xây dựng, ông Sơn khéo léo từ chối: “Cái này ngoài phạm vi trách nhiệm của tôi nên không dám đề cập”.

Liên quan đến những sự cố sập vữa trần nhà ở khu chung cư này, ông Trần Chủng nguyên Cục trưởng Cục giám định chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), cho rằng:

“Chủ đầu tư là Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) cần phải tổng kiểm tra, rà soát lại các căn hộ tại đây. Khi có dấu hiệu rạn nứt là phải bóc toàn bộ trần nhà để xử lý lại”.

Trao đổi với PV Báo điện tử Trí Thức Trẻ, TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, nguyên nhân là chất lượng thi công kém.

TS. Phạm Sỹ Liêm nói thêm, trong trường hợp này trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư, phải sửa chữa dù quá thời hạn bảo hành. Lỗi đó không phải của người ở gây ra mà do chất lượng, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm.


TS. Phạm Sỹ Liêm cho rằng, mặc dù hết bảo hành nhưng chủ đầu tư là Vinaconex cần có biện pháp khắc phục vì chất lượng công trình kém.

TS. Phạm Sỹ Liêm cho rằng, mặc dù hết bảo hành nhưng chủ đầu tư là Vinaconex cần có biện pháp khắc phục vì chất lượng công trình kém.

“Nếu thiệt hại về tài sản, về người thì phải đền bù thiệt hại. Chủ đầu tư có thể truy cứu trách nhiệm của cán bộ thi công, cán bộ giám sát, nhà thầu vì đã làm chất lượng xấu, nhưng đó là việc của chủ đầu tư”, ông Liêm nói.

Theo chia sẻ của nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, chính ông đã từng chứng kiến cảnh vữa rơi trong phòng ở khu chung cư Trung Hòa – Nhân Chính.

“Có lần tôi đến khu chung cư đó để thăm người thân thì thấy vữa rơi ngay trong phòng nhưng may là không có người nên không có thương vong”, TS. Liêm kể lại.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại