Ông Trần Thắng, 42 tuổi đang sống tại tiểu bang Connecticut (Mỹ), Chủ tịch Hội Văn hóa - Giáo dục Việt Nam tại Mỹ (IVCE), vừa quyết định tặng toàn bộ số bản đồ mình cất công sưu tầm cho Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - xã hội Đà Nẵng, nơi có chương trình nghiên cứu Hoàng Sa, Trường Sa.
Ông Trần Thắng vừa quyết định tặng 100 tấm bản đồ quý cho Việt Nam.
Trao đổi với PV, ông Thắng cho biết, đã sưu tầm được 100 bản đồ độc bản. Trong đó có 70 bản đồ lãnh thổ Trung Quốc, 15 bản đồ vẽ Hoàng Sa nằm sát bờ biển Việt Nam, 15 bản đồ khu vực Đông Dương hay Đông Nam Á, và 2 sách toàn đồ chứng minh Trung Quốc không có Hoàng Sa, Trường Sa.
Theo ông Thắng, các bản đồ cổ và sách toàn đồ của Chính phủ Trung Quốc nói lên tính lịch sử và tính pháp lý rất cao.
"70 bản đồ vẽ lãnh thổ Trung Quốc đã chỉ rõ miền nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam. 15 bản đồ vẽ Hoàng Sa nằm sát bờ biển Việt Nam.
Tại sao người Tây phương không vẽ Paracels (Hoàng Sa) nằm sát Hàn Quốc, Trung Quốc, Philippines, Singapore, Brunei, mà lại vẽ nằm sát Việt Nam?
Là vì từ Paracels đến bờ biển của An Nam gần so với các nước khác và trên đảo Paracels có người An Nam sinh sống nên người Tây phương cho rằng đảo này thuộc về An Nam", ông Thắng lý giải.
Nhà sưu tầm cho hay, 5 bản đồ vẽ các tuyến đường hàng hải trọng điểm đều đi qua Hoàng Sa nơi Pháp quản lý vùng biển và đảo của Indochina.
Ngoài ra, Hoàng Sa có thể là nơi dừng chân cho các tàu bè trên tuyến hàng hải Nam - Bắc châu Á. Sau hiệp định Geneva 1954, Pháp trao trả "toàn vẹn lãnh thổ" cho Việt Nam, tất nhiên phải có cả Hoàng Sa.
Bản đồ trong sách Trung hoa Dân quốc Bưu chính dư đồ xuất bản năm 1933 không có Hoàng Sa, Trường Sa.
Kể về hành trình sở hữu những tấm bản đồ quý, ông Thắng chia sẻ, cuối tháng 7 vừa qua, sau khi biết tin tiến sĩ Mai Hồng (Hà Nội) tặng bản đồ nhà Thanh (miền Nam Trung Quốc chỉ dừng lại ở đảo Hải Nam) cho bảo tàng Lịch sử Việt Nam, ông đã lên mạng và thấy có người rao bán vài tấm bản đồ cổ của Tây phương về lãnh thổ của Trung Quốc. Ông liền liên hệ và mua lại những bằng chứng này.
Là người "ngoại đạo" nên ông Thắng cẩn thận gửi các bản đồ này cho hai người bạn thân quen là TS Trần Đức Anh Sơn (Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - xã hội Đà Nẵng) và TS Nguyễn Nhã xem.
"Hai vị này có cảm nhận tốt thế là tôi bắt đầu tìm kiếm bản đồ. Khi ấy có nguồn cảm hứng thế nào mà tôi toát ra suy nghĩ rất nhanh là phải sưu tầm nhiều bản đồ của Tây phương để chứng minh miền Nam của Trung Quốc dừng lại ở đảo Hải Nam", ông Thắng kể.
Tạm gác lại công việc bận rộn của một kỹ sư máy bay, ông tìm đến những cửa hiệu đồ cổ, điểm rao bán bản đồ để tìm mua. Số lượng bản đồ về lãnh thổ Trung Quốc được xuất bản tại Anh, Đức, Pháp, Hà Lan, Mỹ, Ý... trong thời gian 1626 - 1980 ngày một nhiều lên. Tuy nhiên, ông chỉ tìm được một tấm bản đồ có Hoàng Sa vẽ nằm sát bờ biển Việt Nam.
"Khi ấy tôi hơi lo lắng vì mình đã chứng minh miền nam của Trung Quốc dừng tại đảo Hải Nam, nghĩa là Hoàng Sa và Trường Sa không thuộc về Trung Quốc. Vậy làm thế nào mình chứng minh Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Việt Nam? Nếu chỉ có một bản đồ thì không đủ thuyết phục?", ông tự đặt câu hỏi và nỗ lực tìm kiếm câu trả lời. Giữa tháng 9, ông tình cờ phát hiện tấm bản đồ cổ có Hoàng Sa và liền sau đó ông sưu tầm thêm được 15 bản đồ cùng loại.
Ông Thắng cũng phát hiện điều rất lạ là cả 3 cuốn Toàn đồ Trung Hoa dân quốc Bưu dư đồ của Trung Quốc in tại Nam Kinh năm 1919 và 1933 (gồm 78 bản đồ), và Atlas of The Chinese Empire do phái bộ China Inland Mission xuất bản tại Anh năm 1908 (gồm 23 bản đồ) đều không liệt kê Hoàng Sa, Trường Sa.
Tuy nhiên, do giá các cuốn sách cổ này rất đắt đỏ, bản thân lại không đủ tiền nên ông Thắng kêu gọi bạn bè thân đóng góp. Việc này được thực hiện bí mật, phòng khi thông tin lan rộng sẽ có người khác mua mất.
"Trong 2 tuần chờ đợi tiền, tôi rất hồi hộp, ngày nào cũng đi làm về sớm xem sách còn trên mạng không. Khi cầm được sách trên tay tôi mới cảm thấy thanh thản", vị kỹ sư độc thân trải lòng.
Bản đồ Scherer Atlas Novus (Đức) năm 1970 cũng cho thấy lãnh thổ của Trung Quốc không có Hoàng Sa, Trường Sa.
Mua được bản đồ quý, ông lại bỏ thời gian kiểm tra lại thông tin về nhà xuất bản, năm xuất bản, mã số, làm khung, bọc giấy kính để bảo quản.
Từ đây, ông bắt đầu giới thiệu cho người Mỹ và các bạn trẻ người Việt biết về Hoàng Sa, Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam. Toàn bộ hình ảnh về bộ sưu tập này được lưu lại tại trang web của Viện Văn hóa và Giáo dục Việt Nam.
"Tôi nghĩ rằng mọi người Việt trong và ngoài nước đều là những người yêu nước, không riêng gì tôi. Tôi làm công việc sưu tập tài liệu bản đồ một cách tự nhiên, không bị áp lực nào về tính thời sự chính trị.
Tôi không xem việc này là của Chính phủ hay việc kia là của người dân. Tôi thấy việc nào có lợi cho xã hội cho cộng đồng là làm", ông Thắng chia sẻ và cho biết, sau khi công bố tài liệu sẽ cùng với các luật sư ở Mỹ gặp nhau để cùng bàn cách giúp Việt Nam về tính pháp lý tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Sau khi xem qua bản sao của gần 100 bản đồ ông Trần Thắng gửi từ Mỹ về, GS Sử học Phan Huy Lê nhận xét, bộ sưu tập này dù có một số chưa xác định đầy đủ xuất xứ nhưng đều rất quý, phong phú hơn những bộ sưu tập về bản đồ liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa trước đây. Cảm kích trước tấm lòng của một nhà khoa học nước nhà luôn hướng về quê hương, giúp Việt Nam có thêm chứng cứ khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa, GS Lê đã viết thư cảm ơn ông Thắng.
"Ý nghĩa của những tấm bản đồ này gắn liền với ý nghĩa lịch sử và pháp lý. Đặc biệt, những tấm bản đồ của Trung Quốc đến năm 1933 cho thấy thời điểm đó chính quyền Bắc Kinh không có nhận thức về về lãnh thổ phía Nam, tất cả bản đồ đều ghi rõ lãnh thổ của Trung Quốc kéo dài đến đảo Hải Nam. Trong khi đó, những tấm bản đồ của thế giới vẽ châu Á, Đông Nam Á và Việt Nam đều chỉ rõ Hoàng Sa, Trường Sa gắn liền với Việt Nam", GS Phan Huy Lê nói.
Năm 1991, ông Trần Thắng cùng gia đình sang Mỹ định cư. Ông tốt nghiệp kỹ sư cơ khí và làm cho công ty sản xuất động cơ máy bay Pratt & Whitney từ năm 1999. Ông cũng là người đứng ra thành lập Viện Văn hóa & Giáo dục Việt Nam tại New York để phát triển văn hóa Việt Nam, cũng như phát triển hợp tác giáo dục giữa hai nước.
Xem những tấm bản đồ 'Trung Quốc không có Hoàng Sa, Trường Sa':
1. Bản đồ phương Tây chứng minh Hoàng Sa thuộc Việt Nam
Bản đồ Samuel Walker, Boston, Hoa Kỳ, năm 1834.
Bản đồ General Karte von Ost Dien, John Barrow (Đức) năm 1808.
Bản đồ Edinburgh, Scotland, năm 1790.
Bản đồ Les Indes Orientales et leur archipel, R. Bonne, French, năm 1983.
Bản đồ Prevost Bellin, Germany, năm 1747.
Bản đồ H. Moll, Macmillan Company, London, England, năm 1736.
2. Bản đồ Trung Quốc chứng minh lãnh thổ nước này chỉ dừng lại ở đảo Hải Nam
National Geographic Society, Washington, US, năm 1980.
Petroleum News SE Asia, Hong Kong, năm 1979.
Bureau of Mines, Department of Interior, US, năm 1975.
Royal Geographical Society, London, England, năm 1882.
3. Bản đồ hàng hải chứng minh Trung Quốc không có Hoàng Sa, Trường Sa
Atlas Universel de Geographie, Librairie Hachette, Paris, France, năm 1937.
Complete Atlas of the World, New York, USA, năm 1919.