Người Nhật ăn Tết Tây

lananh |

Nhật Bản không giống như các nước Á đông, họ tổ chức đón năm mới theo dương lịch, từ năm Minh Trị thứ 6, tức năm 1873.

Đã mấy thế kỷ nay, nhiều nước châu Á chúng ta tồn tại song hành 2 loại lịch, Dương lịch và âm lịch, thực ra âm lịch ngày nay đã được điều chỉnh cho phù hợp với vòng quay mặt trời nên phải nói là âm dương lịch mới đúng.

Cùng với thay đổi thể chế chính trị, người Nhật đã thay đổi ngay cả Lịch pháp để phục vụ cho con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhưng những gì đã diễn ra trong suốt gần 140 năm qua cho thấy: người Nhật ăn Tết Tây mà vẫn rất NHẬT. .

Thiêng liêng 108 tiếng chuông giao thừa

Phong tục ngày Tết ở Nhật dù hiện đại thì ta vẫn thấy nhiều điểm khá tương đồng với Tết Việt đầu năm âm lịch.

Có lẽ lớp trẻ ở ta bây giờ ít có dịp thấy cây NÊU ngày tết, hầu như nhiều nơi thay cây Nêu bằng tre tươi còn chùm lá bằng cột cờ, nhưng ngày xưa thì Tết bắt đầu từ lúc dựng nêu và kết thúc từ lúc hạ nêu (thường mồng bảy tháng giêng ). Ở Nhật cũng vậy, từ mấy ngày trước Tết đã dựng “Nêu” bằng Cây thông vì Cây thông luôn luôn xanh biểu hiện cho sự vĩnh hằng, và cả cây trúc tượng trưng cho tiết tháo trung thực, ngay thẳng.

Cây tùng, thông biểu thị cho sự xanh tươi.

Ta kêu bận như việc ngày ba mươi tết, nhưng Nhật Bản theo dương lịch thì ngày 31/12 với tên gọi là Omisoka, ngày cuối cùng trong năm ai cũng cố dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ với niềm tin tống cựu nghinh tân, loại trừ những khó khăn vấp váp năm cũ để đón chào năm mới trong sạch đẹp, tốt lành.

Sau bữa tiệc sum họp gia đình cuối năm tối 31, vào lúc giao thừa nhiều người lên chùa đón năm mới.

Đền Minh Trị nổi tiếng ở Trung tâm Tokyo.Vào giờ giao thừa, 108 tiếng chuông ngân vang báo hiêu giờ phút thiêng liêng đến với từng người, từng gia đình….

Ngày nay, nhiều gia đình thường lên đền Shinto, chùa Phật từ sáng mồng 1 cho đến Mồng 3 Tết.

Pho tượng đồng lớn nhất nước Nhật.

Từ tối Omisoka (31/12) cho đến ngày Gantan (1/1), hầu hết người Nhật đều mặc những bộ đồ lịch sự nhất, đẹp nhất, đặc biệt phụ nữ rất duyên dáng trong những bộ kimono truyền thống khi ra đường.

Mặc Kimono trong ngày tết.

Đền, chùa ở đâu cũng có cách bố trí khá giống nhau, trước khi vào Lế phải rửa tay, súc miêng, trước chính điện thường có “hòm công đức” để khách thập phương “nạp lễ” bằng hình thức tung đồng tiền kim loại vào thùng.

Rửa tay súc miệng trước khi vào lễ.

Tại Tokyo, có rất nhiều đền, chùa nhưng đền Meiji thờ Thiên hoàng Meiji (Minh Trị) ở quận Harajuku, chùa Asakusa ở quận Mitano…là những di tích văn hoá lịch sử, danh lam thắng cảnh mà ai đã từng đến Tokyo cũng đều không thể bỏ qua.

Lên chùa xin quẻ đầu năm

Học sinh đi lễ chùa.Thường thì các đền, chùa đều có các gian hàng bán các quẻ bói tương lai, những lá bùa phù hộ mẹ tròn con vuông, an toàn giao thông, làm ăn phát tài.. và thẻ cầu nguyện thi đậu, tình duyên, Mua quẻ rồi mở xem, nếu kết quả tốt, họ sẽ mang về nhà. Nếu ai có kết quả xấu, thì sẽ buộc lên các cành cây, hay các dàn gỗ trong điện. Sau dịp tết, các đền jinza sẽ làm một lễ lớn để cầu nguyện, giải trừ các kết quả xấu cho những người này.

Các bậc cha mẹ ở Nhật cho con lên chùa từ nhỏ.

Ở đền, chùa còn có các thẻ mong ước “ofuda” :người hành hương viết điều mình mong ước treo lên . Sau tết, đền jinza sẽ làm lễ cầu nguyện cho các điều mong ước thành hiện thực.

Ai gặp năm tuổi thì treo các bình bầu khô lên.

Otoshidama – Lì xì

Ở ta và Trung Quốc, có tục lì xì , thì ở Nhật Bản phong tục này gọi là “otoshidama”, nhưng họ không dùng “hồng bao” mà phổ biến là dùng phong bì màu trắng có in hoa văn hoặc là các hình trang trí ngộ nghĩnh. Trẻ em thường được nhận cho hết tuổi trung học.

Đón đợi Thiên hoàng chúc mừng năm mới

Có một nét rất riêng ở Nhật trong ngày đầu năm đó là có rất nhiều người Nhật từ khắp mọi miền đất nước vào đúng sáng ngày mùng 1 tháng Giêng nô nức kéo nhau về đón đợi trước tiền sảnh của Hoàng cung ở Tokyo để mong được thấy tận mắt và trực tiếp nghe tận tai những lời chỉ bảo, chúc mừng năm mới của Thiên hoàng.

Tất cả mọi người đều coi đó là điều may mắn, hạnh phúc .

Trong những ngày đầu xuân người Nhật cũng tổ chức những trò chơi dân gian và tuy gọi là ba ngày Tết, nhưng không khí vui xuân thường kéo đến “rằm” tháng giêng. Mặc dù người Nhật không sử dung âm lịch nên không phải là rằm “ nguyên tiêu” nhưng ngày 15 tháng giêng dương lịch trở thành một ngày lễ lớn , đó là LỄ THÀNH NHÂN, ngày lễ đánh dấu sự trưởng thành của thanh niên nam, nữ vào tuổi 20. Tuổi xuân giữa ngày xuân thật đẹp.

Theo Dân Trí

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại