Theo kết luận, có 3 nhóm phải điều chỉnh, gồm học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp - dạy nghề và THPT, bắt đầu học từ 7h, kết thúc vào 18h.
Nhóm hai là các trung tâm thương mại, dịch
vụ, tài chính ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm..., bắt đầu mở cửa lúc
9g, đóng cửa 22g.
Nhóm ba gồm công chức, viên chức, học sinh các trường
mầm non, tiểu học, trung học cơ sở... thời gian làm việc và học tập giữ
nguyên như hiện tại, tức là từ 8g đến 17h.
Sau khi Bộ GTVT trình Chính phủ phương án thay đổi giờ học, giờ làm việc, nhiều người dân ở Hà Nội đã có ý kiến:
Một lãnh đạo trường ĐH Sư phạm Hà Nội: Đi học lúc 6h mùa đông, sinh viên ốm hết
Không khả thi! Hình như người làm đề án này không có con nhỏ, không có thực tế nên mới đề xuất phương án như thế. Ở Hà Nội vào mùa đông, lúc 6g sáng trời vẫn tối và lạnh lắm. Kiểu thời tiết này kéo dài tới hơn 6 tháng trong năm. Hiện nay do điều kiện KTX còn có hạn nên phần lớn SV vẫn phải ở ngoại trú, tự thuê nhà. Để vào học lúc 6h, sinh viên sẽ phải dậy từ lúc 4h30 – 5h. Ra khỏi nhà vào lúc đó thì ốm hết, cúm hết. Chọn giải pháp phải xuất phát từ con người, không nhìn hết các khía cạnh thì khó làm được.
TS Vũ Trọng Tích (ĐH GTVT Hà Nội):Trường tôi may mắn không ở quận Cầu Giấy
Khi Bộ trưởng Đinh La Thăng đưa ra phương án SV các trường ĐH trên địa bàn hai quận Cầu Giấy, Thanh Xuân sẽ học vào lúc 6g sáng, tôi thấy mình thật may mắn vì trường tôi không nằm trên hai quận này. SV vào học, chẳng lẽ giảng viên chờ 7h mới đến? Ngoài giảng viên, các bộ phận khác như hành chính, bảo vệ, kỹ thuật… cũng phải đến trước 6h chứ!
Nếu phải lên lớp vào lúc 6g sáng, tôi chưa biết mình phải xoay sở ra sao. Tôi có hai con, cháu lớn học lớp 6, cháu nhỏ học lớp 2. Mỗi buổi sáng trước giờ lên lớp, tôi phải đưa con lớn đi học, vợ đưa con nhỏ. Hiện các cháu vào lớp lúc 7h45’. Phần lớn giảng viên, cán bộ công nhân viên trong trường cũng vậy, nghĩa là vẫn phải đưa, đón con đi học trước khi đi làm.
Chị Nguyễn Phương Anh (kế toán Siêu thị Pico, Cầu Giấy, Hà Nội): Nếu siêu thị đóng cửa lúc 23h, tôi sẽ phải bỏ việc
Công việc của tôi cần một tiếng vào cuối ngày, nếu 21g siêu thị đóng cửa, 22h tôi mới bắt đầu ra về và gần nửa tiếng sau mới đến nhà. Sau khi vệ sinh cá nhân, ăn tối, sớm nhất phải sau 23g30 tôi mới được đi ngủ để muộn nhất là 6h45’ sáng hôm sau phải dậy để chuẩn bị cho con đến trường.
Nếu áp dụng quy định siêu thị, trung tâm thương mại mở cửa lúc 9g30 và đóng cửa lúc 23h, trong khi giờ đi học của các cháu nhỏ vẫn giữ nguyên thì tôi vẫn phải dậy vào lúc 6h45. Trong khi đó, không thể nào ngủ trước 1h sáng. Thời gian nghỉ ngơi như vậy không thể đảm bảo sức khỏe cho bản thân và chăm lo cho gia đình, con cái. Chắc tôi sẽ phải bỏ việc để chăm sóc con và tìm một công việc khác phù hợp hơn.
Ông Nguyễn Thành Long (Tổ 22 A, Đức Giang, Long Biên, Hà Nội): Hãy cam kết giảm được bao nhiêu % ùn tắc?
Qua báo chí, tôi cũng thấy rất nhiều sự băn khoăn của người dân về một số giải pháp chống ùn tắc Bộ trưởng Đinh La Thăng đưa ra. Tôi thấy lý lẽ phản biện, sự băn khoăn của người dân cũng đúng; lý do của bộ trưởng cũng rất thuyết phục. Song chính bộ trưởng cũng thừa nhận, các giải pháp này không mới. Tôi tin rằng trước khi đưa ra quyết định, bộ trưởng đã suy nghĩ, nung nấu chín. Để tránh tình trạng “đẽo cày giữa đường”, đã có quyền tư lệnh, thì bộ trưởng cũng nên hứa: Nếu áp dụng thì trong bao lâu, sẽ giảm bao nhiêu % ùn tắc. Nếu bộ trưởng đưa ra một lời hứa, tôi chắc sẽ không còn ai phản đối hay băn khoăn.
Theo Chân Nhân
BDV