Khoảng hai chục ngày sau, một hôm Vân bảo chị Nền nghỉ việc sớm, trang điểm đẹp để cùng gia đình ăn bữa cơm thân mật. Xa quê, đang thiếu thốn tình thân, chị Nền vui vẻ làm theo. Ngoài mấy người trong gia đình Vân, bữa ăn còn có sự góp mặt của vài quý ông lớn tuổi người Trung Quốc.
Sau bữa ăn ấm cúng ấy, Vân bảo chị Nền không phải làm việc hái cam vất vả nữa nên chuẩn bị tư trang để đến nhà ông Tạ Thế Phương nhận công việc nhàn hạ hơn. Nghĩ mình được Vân quan tâm, chị Nền nhanh nhảu xách gói theo ông Phương. Ngoài 60 tuổi nhưng ông Phương hom hem, ốm yếu, miệng không còn chiếc răng nào.
Vợ ông quy tiên đã vài năm, con cháu khá đông đúc. Gia đình ông sống bằng nghề làm nông, nằm sâu trong một khu đồi đất cách xa tỉnh lị. Nhìn cánh đồng hoang vu, lúc đầu chị Nền có chút ái ngại nhưng sau đó tự động viên tinh thần bằng lập luận ở đâu cũng phải làm, miễn có tiền và được đối xử tốt. Tuy nhiên, thực tế đã không như mong muốn của người khách lạ. Từ lúc bước chân về nhà chủ mới, chị Nền liên tục quay cuồng với vô vàn công việc lúc lên nương hái cam, khi nấu ăn, giặt giũ. Quần quật, lam lũ cả ngày, nhưng chị vẫn bị cha con chủ nhà nhục mạ, đánh đập.
Chưa kể, ông chủ còn thường xuyên đòi hỏi chị phải chiều chuộng như một người vợ, khi không được đáp ứng đã thẳng tay trừng phạt. Tưởng mình chưa thạo việc, sõi tiếng, người làm công cố gắng học hỏi và nỗ lực hơn để nhận được thiện cảm, song đều vô vọng. Bỏ công tìm hiểu vì sao mình bị đối xử tồi tệ, chị Nền vỡ lẽ đắng cay khi biết bị Vân bán cho ông Phương mang về làm vợ.
Đường về không lối thoát
Từ khi biết mình lọt vào bẫy buôn người, trở thành món hàng để người ta trao đổi, mua bán, tìm mọi cách bóc lột sức lao động, chị Nền nung nấu ý định bỏ trốn. Đã không dưới chục lần chị bỏ đi nhưng không thành vì gia đình chồng canh giữ kỹ và do không thông thạo tiếng địa phương. Tất nhiên sau mỗi lần bỏ trốn bất thành, chị phải làm việc nhiều hơn và bị canh phòng kỹ hơn. Một lần, chị vượt hàng chục cây số đường rừng với đôi chân tóe máu nhưng khi trốn lên được thành phố Dương Xuân thì lại phải lủi thủi quay về căn nhà địa ngục vì không có tiền. Một số người Việt Nam bị bán sang đây trước đó động viên: Ráng chịu khổ đi chứ bỏ trốn hoài nó hành hạ, đánh đập hoặc bán vào vùng sâu còn khổ hơn nhiều. Biết vậy, nhưng không thể chịu đựng nổi cảnh bị đọa đày mỗi ngày, chị Nền vẫn quyết tâm bỏ trốn bằng mọi cách.
Thấy vợ không nguôi từ bỏ ý định trốn chạy, ông Phương giải hòa, hứa hẹn sẽ bênh vực. Mặt khác, ông cũng tìm Vân gây áp lực nếu để vợ trốn thoát sẽ phải trả lại tiền. Nhớ lại quãng thời gian khủng khiếp trên, chị Nền chua chát: Lúc nhận được nhiều lời hứa hẹn từ chồng, tôi cũng tưởng cuộc đời từ đây sẽ tươi sáng hơn nhưng nào ngờ chuỗi ngày đen tối cứ nối tiếp. Con cháu chồng không chỉ đánh đập, còn làm hình nộm đem bêu riếu khủng bố tinh thần. Bị đe dọa, áp lực từ nhiều phía, người đàn bà khốn khổ cố gắng chịu đựng sống tiếp kiếp người nô lệ với mưu đồ riêng...
Tôi xin chộc tội
Bốn năm đằng đẵng trôi qua trong kiếp sống hầu người nhưng toàn nhận lại những trận đòn roi vô cớ, một hôm chị Nền tìm gặp Vân năn nỉ hãy bán mình cho người khác với kỳ vọng cuộc sống sẽ khá hơn. Biết chuyện, ông Phương quyết không buông tha.
Trở về gia đình chồng, chị lại quần quật lao động. Vậy mà đám con, cháu chồng vẫn liên tục kiếm chuyện đánh lộn, cãi vã. Một người hàng xóm thương tình, chỉ dẫn: Mày ở đây không tốt đâu, lên chợ xin việc mà làm mới mong có ngày trở về. Lúc này lưng vốn ngôn ngữ địa phương đã kha khá, chị Nền bắt đầu đấu tranh với chồng để đòi quyền lợi. Chị bảo mình chỉ đi làm công lấy lương, không hề biết bị Vân biến thành vật mua bán. Một năm sau chị mới được chồng chấp nhận cho đi rửa chén ở nhà hàng trên thị trấn. Có việc làm, chị ra sức cày mình để được chủ thương và chuẩn bị tiền cho việc bỏ trốn. Thời gian dài ky cóp, chị dành dụm gần 10 triệu nhân dân tệ. Vừa gánh việc nhà chồng, vừa làm thêm, lại đau đáu nỗi nhớ con da diết nên chị đổ bệnh nằm liệt suốt bảy tháng ròng. Gia đình chồng thấy chị hay nói nhảm, mê sảng gọi con nên tưởng chị bị điên đã đưa vào bệnh viện tâm thần điều trị. Tại đây, chị gặp cô gái tên Dung (người Hải Phòng) cũng bị lừa bán sang Trung Quốc nên quẫn trí mắc chứng dở điên, dở dại.
Xuất viện, chị phát hoảng khi thấy cuốn sổ tiết kiệm gần 10 triệu nhân dân tệ đứng tên mình đã không cánh mà bay. Biết chồng là thủ phạm, chị năn nỉ xin lại và hù dọa sẽ báo công an. Biết khó chiếm đoạt, ông Phương đành ra ngân hàng rút tiền trả vợ nhưng trừ đi 3,4 triệu tệ viện phí. Cuộc sống không tình người khiến chị chán nản. Chị đưa cả số tiền còn lại cho ông Phương để mua tự do với lập luận ông cho tôi xin chuộc tôi nhưng không được chấp nhận. Biết van xin cũng vô ích, chị vạch kế hoạch chi tiết hơn cho một cuộc tự giải thoát. Do giỏi tính toán nên ngoài thời gian rửa chén, dọn dẹp quán ăn, chị Nền thường giúp hai cháu bà chủ quán học bài, làm toán. Cảm mến cô phụ việc, hai đứa thường quấn quýt những lúc cô rảnh rỗi. Từ đó mỗi lần hai đứa nhỏ nhờ giải toán, chị đều ra điều kiện chúng phải dạy mình viết chữ. Năm tháng trôi qua, chị đã học được những câu chữ cần thiết như cách hỏi đường ra chợ, bến xe, đồn công an, cửa khẩu biên giới Việt - Trung. Bẵng đi thời gian dài, không thấy chị bỏ trốn nữa nên gia đình chồng cũng lơi lỏng quản lý.
Nước mắt sống còn
Mùng hai Tết Giáp Ngọ (2014), lợi dụng nhà ông Phương đón xui gia, dâu, rể đến chúc xuân, chị Nền viện lý do chiếc khăn len choàng cổ bị rách nên phải đi nhờ người sửa. Năn nỉ mãi, chị được gia đình chồng chấp nhận. Bước ra khỏi nhà chồng, chị như con chim sổ lồng vượt bộ một mạch hàng chục cây số đường rừng để tìm đến bến xe. Oái oăm thay, chiều hôm sau mới có chuyến xe về tỉnh lị. Lo sợ bại lộ, chị vội vàng bao chiếc xe thồ trở lại nhà chồng. Bị tra hỏi, mắng nhiếc, chị bảo ngày Tết gặp bạn vui chuyện nên quên mất thời gian. Sáng sớm hôm sau, chị lựa lời ngon ngọt nói với ông Phương: Tôi làm vợ mình đã sáu năm mà chưa biết lễ hội quê chồng ngày xuân vui như thế nào. Ngày nay mình cho tôi lên thị trấn chơi, ngắm cảnh, du xuân, hái lộc về cho gia đình nghen. Thấy vợ đong đưa, nói năng ngọt ngào, ông Phương đồng ý.
Chị Nền vội vàng mang theo số tiền tiết kiệm đón ba chặng xe, tìm đến biên giới Trung - Việt. Hai ngày ròng đi xe, chị không thiết ăn thứ gì, mắt nhắm nghiền chỉ mong xe sớm qua địa phận Việt Nam. Vài hành khách thấy chị ngồi gục một chỗ, sợ chị chết lả nên khi đến Móng Cái họ đập đập vào người chị bảo: Cô có bị bệnh gì không? Có cần thuốc thang, ăn uống gì không? Chị vẫn giấu mặt trong chiếc nón hỏi: Đây là đâu? Nghe mọi người trên xe bảo đã qua Móng Cái, Việt Nam, vội vàng rũ bỏ chiếc nón che mặt, nhìn xung quanh thấy cảnh quê mình, nghe chất giọng quen thuộc, biết mình đã thoát, toàn thân chị nổi gai ốc, òa khóc nức nở.
Hành khách trên xe nhốn nháo, họ tưởng chị bị bệnh gì nên cuống cuồng hỏi thăm. Được sống trong vòng tay yêu thương của người dân quê mình, chị thổn thức kể lại quãng đời bi kịch. Biết chuyện, ai cũng bức xúc với lũ bán người. Đúng ngày mùng năm Tết Giáp Ngọ, chị tìm về được đến nhà trong trạng thái kiệt quệ sức khỏe. Sau nửa năm bồi dưỡng, chị mới đủ can đảm đi tường trình sự việc.