Nghề nhặt xác: Một nghề máu lạnh?

thuhoai |

Những người chuyên nhặt nhạnh thi thể nạn nhân đòi hỏi phải có máu lạnh, gan sắt và trái tim đủ nóng.

Chuông điện thoại đổ dồn hối hả. Vừa nghe xong nội dung cuộc gọi, ông T.V.T. tức tốc lên xe nhắm thẳng hướng xa lộ Hà Nội. Đoạn đường thuộc phường Linh Trung, quận Thủ Đức - TPHCM vừa xảy ra một vụ tai nạn giao thông thảm khốc.

nghe-nhat-xac-mot-nghe-mau-lanh

Một người nhặt xác chuẩn bị đưa thi thể nạn nhân lên băng ca

Nhặt nhạnh cho bằng hết

Tại hiện trường, một cô gái nằm dưới bánh xe tải, đầu bị dập nát, máu chảy lênh láng trên đường. Nhiều người qua lại nhìn thấy cảnh này không khỏi rùng mình, có người bật khóc thương cảm vì vụ tai nạn giao thông xảy ra lúc 10 giờ nhưng đến 13 giờ 20 phút, nạn nhân vẫn còn nằm đó.

Vẹt đám đông người hiếu kỳ đứng xem, ông T.V.T. vội vã tiến đến chỗ nạn nhân nằm. Nhìn một lượt quanh thi thể cô gái, ông T.V.T. lấy găng tay đeo vào rồi cẩn thận, nhẹ nhàng di chuyển lên băng ca.

Một phần óc của nạn nhân bắn ra đường, ông cũng không nề hà dùng tay hốt lên trước sự ngỡ ngàng của hàng trăm người chứng kiến.

Tâm sự với chúng tôi, ông T.V.T. cho biết so với hàng ngàn vụ tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn TPHCM mà chính ông đứng ra nhặt nhạnh thi thể nạn nhân, vụ nêu trên chỉ xếp vào loại bình thường.

“Có nhiều vụ tai nạn còn kinh hoàng hơn, thi thể nạn nhân dập nát, từng bộ phận văng tung tóe khắp nơi” - ông T.V.T. cám cảnh.

Ông T.V.T. không thể quên vụ tai nạn trên đường ray xe lửa đoạn qua khu vực ngã tư Bình Triệu, quận Thủ Đức xảy ra cuối năm 2011.

“Bị đoàn tàu Thống Nhất đi qua tông phải, thi thể người phụ nữ chỉ còn lại một cánh tay, nội tạng của bà văng ra 2 bên đường ray và tôi cũng cố gắng nhặt cho bằng hết” - ông T. nhớ lại.

Trước đó, tại Quốc lộ 1A, đoạn qua địa bàn phường Thạnh Xuân, quận 12 - TPHCM, 2 người bị xe tải cán nát nằm ngay dưới gầm.

“Sau một hồi loay hoay tìm cách chui vào mà không được, nhiều người đi đường đã hợp lực nhấc chiếc xe tải lên để tôi chui vào gỡ từng mảnh thi thể 2 nạn nhân.

Phải mất hơn một giờ trong tư thế và không khí rất khó chịu, căng thẳng, từng bộ phận thi thể 2 nạn nhân mới được tôi nhặt hết” - ông T. kể.

Theo anh Vũ Huy Cường, một người hành nghề nhặt xác, trước đây, khi xa lộ Hà Nội chưa nâng cấp, tai nạn do xe tải, xe container gây nên xảy ra liên tục, nhất là khu vực các ngã tư Thủ Đức, Bình Thái, RMK. Nhiều vụ rất thảm khốc, thi thể nạn nhân dập nát hoàn toàn.

“Chẳng hạn, vụ tai nạn giao thông hồi đầu tháng 5-2012 tại xa lộ Hà Nội đoạn qua trước cổng Khu Du lịch Suối Tiên, quận Thủ Đức làm một người đàn ông đi bỏ bánh mì bị cuốn dưới gầm xe tải; hoặc vụ xảy ra trên đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức mới đây...

Mỗi lần như thế, tôi và đồng nghiệp lại được gọi đến nhặt nhạnh thi thể nạn nhân để người thân đưa về nhà lo hậu sự” - anh Cường cho biết.

Nghề... chẳng giống ai

Nói về nghề nhặt xác, anh Cường không thể lý giải được cơ duyên nào đưa mình đến với nó.

“Ngay cả trong mơ, tôi cũng không dám nghĩ mình lại theo cái nghề chẳng giống ai này. Nhưng lạ lắm, khi đã dính vào thì không thể tách ra được. Có lẽ do “bén duyên” từ kiếp trước” - anh Cường tự trào.

Cường cho biết lần đầu tiên đến với nghề, khi vớt thi thể một nạn nhân trôi dạt trên sông nhiều ngày liền, về nhà, anh phải cởi quần áo để ngoài sân vì sợ người thân không chịu nổi mùi hôi thối.

“Những ngày sau đó, gương mặt nạn nhân cứ ám ảnh tôi cả trong lúc ăn lẫn khi ngủ. Sau này, chứng kiến nhiều vụ tai nạn mà thi thể nạn nhân chỉ còn lại một phần, tôi không hề suy nghĩ gì ngoài việc mong sao nhặt lại đầy đủ những bộ phận rơi rớt để người nhà của họ bớt đau buồn” - anh thổ lộ.

Cùng chung tâm sự, anh Võ Việt Hải, một người cũng làm nghề nhặt xác, bộc bạch: “Không ít lần khi về nhà, dù đã tắm đi tắm lại 2-3 lần rất cẩn thận nhưng mùi tanh hôi cứ bám riết khiến người thân của tôi không ai dám đến gần.

Nhiều lần, vợ tôi khuyên tìm việc khác để làm, thậm chí dọa chia tay. Chiều vợ, tôi đã bỏ nghề một thời gian nhưng chứng kiến nhiều vụ tai nạn mà không có ai đứng ra lo liệu cho nạn nhân, tôi lại tiếp tục đi nhặt xác”.

Theo anh Trần Việt Hương, một người có thâm niên trong nghề nhặt xác, khi chứng kiến anh em làm công việc này chu đáo, tận tình, nhiều gia đình nạn nhân đã đề nghị bồi dưỡng rất hậu hĩ.

“Tuy nhiên, trước nỗi đau đớn vì mất mát người thân của họ, ai nỡ lòng nào đưa tay nhận tiền? Nhiều khi gặp nạn nhân có hoàn cảnh quá khó khăn, chúng tôi không chỉ nhặt xác mà còn bỏ tiền túi ra để đưa họ về quê an táng, thậm chí tặng luôn áo quan” - anh Hương trải lòng.

Phải có cái tâm
Suốt hơn 30 năm theo nghề, ông Nguyễn Văn Long đã trực tiếp nhặt xác hàng trăm nạn nhân bị tai nạn thương tâm trên địa bàn TPHCM. Ngoài việc nhặt nhạnh thi thể người bị tai nạn giao thông, ông Long còn không nề hà nhận lời vớt xác trôi dạt lâu ngày trên sông đã bị thối rữa, thậm chí hốt cốt và bốc mộ thuê.
“Người làm nghề này phải có cái tâm, nếu không thì rất khó theo được. Không ai mong làm giàu bằng nghề nhặt xác cả, chỉ cầu đủ ăn” - ông Long tâm sự.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại