Đó là câu chuyện xúc động, đầy nghĩa cử nhân văn cao đẹp của cụ bà Phạm Thị Cường (sinh năm 1938) và cụ ông Vũ Văn Bao (sinh năm 1949), ở thôn Quần Vinh, xã Nghĩa Thắng, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Hơn 10 năm nay, hai ông bà đã tự tay thu gom hơn 4.000 xác hài nhi từ các cơ sở nạo hút, phá thai trong xã Nghĩa Thắng và các xã lân cận rồi đưa về chôn cất nhang khói cho những sinh linh tội nghiệp này.
Cụ bà Phạm Thị Cường 10 năm nay đã đi nhặt hơn 4.000 xác hài nhi về chôn cất.
Những hài nhi khi mới sinh ra đã có linh hồn, dù chưa thành hình, thành dáng, chưa được chào đời. Với quan niệm sống đậm tình người ấy mà hơn chục năm qua, bà Cường và ông Bao đã đi thu gom những hài nhi về chôn cất và nhang khói.
Tìm về Quần Vinh vào một buổi trưa nắng gắt, chúng tôi không khó để hỏi thăm về nhà hai cụ già làm cái việc mà nhiều người cho là “rỗi hơi”. Ngôi nhà đầu tiên chúng tôi ghé thăm là nhà bà Cường, căn nhà cấp 4 mái ngói đơn sơ nằm sâu trong ngõ. Năm nay dù đã 74 tuổi nhưng bà Cường vẫn còn nhanh nhẹn và rất minh mẫn.
Trò chuyện với chúng tôi, bà Cường nói về cơ duyên đi “nhặt xác hài nhi” về chôn cất. Vào khoảng năm 2001, trong một lần đi chợ về lúc qua cầu Đông Bình bà nhìn thấy một túi nilon đen vứt bên vệ đường, chỉ nghĩ là túi rác ai vứt đấy, nhưng vừa đi qua không hiểu sao bà lại quay lại mở tú nilon đó ra mới hoảng hồn phát hiện một thai nhi vẫn còn thoi thóp thở. Bà vội vàng đưa đứa trẻ đi khắp làng xem có ai nuôi con nhỏ để cho đứa bé bú nhờ; nhưng do sức khỏe của cháu bé quá yếu nên cháu mất ngay sau đó.
Bị ám ảnh bởi số phận đau buồn của cháu bé xấu số, bà thương cảm cho những sinh linh bé bỏng bị cha mẹ chối bỏ từ lúc chưa chào đời. Bà Cường quyết định đi nhặt các xác hài nhi xấu số bị chối bỏ đưa về chôn cất, nhang khói.
Thấy nghĩa cử cao đẹp của bà Cường, ông Bao cũng tình nguyện cùng bà làm việc nghĩa
Cũng từ đấy, hàng ngày bà Cường đạp chiếc xe đạp cũ kỹ của mình đến các cơ sở nạo hút, phá thai ở xã Nghĩa Thắng và các xã lân cận xin các thai nhi bị vứt bỏ đưa về nghĩa trang chôn cất.
Bà Cường tâm sự: “Những người đi phá thai họ thường muốn kín đáo. Biết họ đi phá thai xong rồi cũng đau lòng, thâm tâm họ cũng muốn con mình được thờ cúng, nhưng họ lại không muốn công khai cho ai biết, nên lúc tôi xin họ cũng rất tế nhị chỉ nói xin các cháu đưa về hương hoa cho có bạn có bè, có nơi có chốn”.
Tuổi đã cao, sức khỏe thì yếu dần, nhiều lúc vì có quá nhiều xác hài nhi, một mình bà khó có thể làm hết được. Nhưng nghĩ đến số phận đáng thương của các hài nhi mà bà không cầm được nước mắt, bà lại cặm cụi một bữa đi chợ bán rau, một bữa đi thu gom các hài nhi về chôn cất.
Cảm phục trước việc làm đầy ý nghĩa của bà Cường, ông Vũ Văn Bao, một người cùng thôn cũng tự nguyện cùng bà Cường giúp các hài nhi được nhang khói, có nơi có chốn. Ông Vũ Văn Bao vốn làm nghề bốc mộ, khâm liệm cho người chết đã hơn 30 năm nay. Từ khi thấy công việc bà Cường làm đầy ý nghĩa lớn lao, ông đã cùng bà đi hành thiện mà không mong báo đáp. Mỗi khi thu gom các hài nhi về, bà Cường lại chuyển cho ông Bao khâm liệm rồi đưa ra khu nghĩa địa chôn cất.
Mỗi hài nhi được ông bà cho vào bát hương rồi gắn chặt xi măng lại.
Các hài nhi chủ yếu là vài tuần tuổi, lớn nhất là 5 tháng tuổi, những hài nhi này được hai ông bà tắm rửa rồi cho vào các bát hương, đánh số thứ tự. Nếu hài nhi nào lớn hơn thì cho vào bát hương lớn hơn. Trước đây hai ông bà đã đi đặt tiểu cho các hài nhi, nhưng do số tiền đặt tiểu quá lớn, hai ông bà không đủ tiền nên chuyển sang dùng bát hương, sau đó gắn kín lại bằng xi măng.
Ông Bao tâm sự: “Mỗi hài nhi dù chưa được sinh ra, chưa được thành dáng, thành hình, nhưng cũng là một con người. Số phận không cho các cháu được sinh ra nhưng khi các cháu bị bỏ đi, cũng cần được nhang khói cho an lòng. Thấy các hài nhi bị bỏ rơi không nơi chốn, tôi không thể cầm được lòng mình, chính vì vậy mà tôi mới làm công việc này”.
Hầu như ngày nào cũng có người đi phá thai, trung bình mỗi ngày bà Cường mang 2 - 3 xác hài nhi. Hầu như những ông bố, bà mẹ đi bỏ con mình đều không muốn tiết lộ danh tính; nhưng cũng có người vì cực chẳng đã mà phải bỏ con, đã tận tay đưa xác hài nhi đến nhờ ông bà chôn cất.
Mỗi khi đưa các hài nhi về nhà, hai ông bà đặt tên cho các hài nhi rồi mới đưa đi ra nghĩa địa. Các bát hương đựng hài nhi thường để ở nhà ông Bao, mỗi tháng đưa ra nghĩa trang chôn cất một lần. Nghĩa trang của các hài nhi được xây thành ngôi mộ chung, số tiền xây mộ đều do các nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ.
Nhìn vào một bát hương đã được ông Bao đánh tới số 4.039, chúng tôi không khỏi giật mình xa xót.
Xác các hài nhi được đặt tên, đánh số thứ tự, đến nay đã lên đến hơn 4.000.
Bà Cường tâm sự: “Chúng tôi làm công việc này không phải đòi hỏi gì, chỉ làm vì cái tâm thương cảm, đau xót cho các sinh linh sinh ra làm người nhưng lại bị chối bỏ, để rồi không có nơi nương tựa. Chúng tôi chỉ muốn đưa các cháu về có nơi có chốn, có bạn có bè để linh hồn các cháu được an nghỉ”.
Nhiều người cho ông bà là điên khùng, rỗi hơi, "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng". Mặc kệ người đời đàm tiếu, hai ông bà vẫn miệt mài làm việc nghĩa theo lương tâm mách bảo, dù nay đã tuổi cao sức yếu.