Một năm sau thí điểm phân làn ở HN: Biển gãy, bục nát, mạnh ai nấy đi

daquynh |

Ngày 20/9/2011, người Hà Nội ngỡ ngàng, lạ lẫm và có phần thích thú với kiểu phân làn mới này của Sở GTVT Hà Nội.

Tuy nhiên chỉ sau một thời gian ngắn, giới truyền thông đã được dịp kể ra những điểm hạn chế của kế hoạch này. Hàng chục thậm chí hàng trăm các vụ tai nạn lớn nhỏ do phương tiện đâm vào dải phân cách. Người nhẹ thì bị trầy da chảy máu, nặng thì gãy tay gãy chân… Nhưng điều đáng buồn hơn là người tham gia giao thông vẫn đi theo thói quen, đường nào thưa phương tiện thì đi, tiện đâu là rẽ chứ chả ai đi theo bục phân làn cả.

mot-nam-sau-thi-diem-phan-lan-o-hn-bien-gay-buc-nat-manh-ai-nay-di

Mặc dù đã được phân luồng giao thông nhưng người dân vẫn không chấp hành đúng quy định.

Chẳng khó khăn gì để nhận thấy điều đó khi tham gia giao thông trên 5 tuyến phố thí điểm. Bất kể vào giờ cao điểm hay thấp điểm, người tham gia giao thông vẫn cứ đi theo phần đường mà người ta cho là thoáng nhất và nhanh nhất. Chẳng còn bóng dáng lực lượng thanh tra giao thông, cũng chẳng có ai ra để hướng dẫn người tham gia giao thông đi như thế nào là đúng nữa.

Một điều không thể phủ nhận là từ khi tổ chức phân làn đến nay, một bộ phận người tham gia giao thông đã ý thức hơn, phương tiện đi lại đúng luồng, đúng tuyến. Tuy nhiên so với số tiền hàng chục tỉ đồng bỏ ra để thực hiện kế hoạch thì hiệu quả mà nó mang lại hẳn sẽ làm những nhà quản lý giao thông Hà Nội không mấy hài lòng.

Thực tế là sau khi thực hiện thí điểm, Sở GTVT Hà Nội đã có ý định nhân rộng việc phân làn ra một số tuyến phố nữa, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại thì việc nhân rộng này vẫn chưa được thực hiện. Điển hình nhất là tuyến đường Nguyễn Trãi, Hà Đông trước đó đã lên kế hoạch phân làn tới… ba lần nhưng đều không thực hiện được.

Giải thích lý do chậm trễ này, lãnh đạo sở GTVT cho rằng, do điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, nắng mưa thất thường nên không thể tổ chức kẻ vạch sơn, cắm biển mốc phân làn…(!).Một thực tế nữa mà bất cứ người tham gia giao thông ở Thủ đô có thể thấy được từ việc phân làn thí điểm này là các tai nạn giao thông liên quan đến các dải phân cách ngày càng tăng.

mot-nam-sau-thi-diem-phan-lan-o-hn-bien-gay-buc-nat-manh-ai-nay-di

Việc phân luồng giao thông đã tốn hàng tỉ đồng nhưng hiệu quả không được như mong muốn.

Thêm nữa, điều kiện hạ tầng giao thông ở Hà Nội chưa cho phép thực hiện đồng loạt việc phân làn. Lấy dẫn chứng cụ thể từ số liệu của Sở GTVT Hà Nội, hiện nay, thành phố có 8.489 km đường giao thông, đường trong đô thị ngắn và hẹp, mặt đường dưới 11m chiếm 70%. Như vậy, xét theo tiêu chí mà Sở đưa ra để thực hiện phân làn thì có 70% tuyến đường có mặt cắt ngang mỗi chiều không đủ tối thiểu (trên 10m) để thực hiện phân làn. Vì vậy khi mà diện tích lòng đường không đủ rộng, thì việc phân làn dường như sẽ là vô ích.

Xét trên một tiêu chí nữa đó là số tiền bỏ ra cho kế hoạch phân làn, số liệu thống kê chỉ ra rằng, Sở GTVT Hà Nội đã phải chi ra số tiền lên đến hàng chục tỉ đồng để rồi hiệu quả thu lại không được như mong muốn. Đó là còn chưa kể đến chi phí duy tu, bảo dưỡng các dải phân cách này mỗi khi có phương tiện ủi nát. Vì vậy nếu xét trên tổng thể, có thể nhiều người sẽ nhận định: đây là sự “phá sản của một kế hoạch”.

mot-nam-sau-thi-diem-phan-lan-o-hn-bien-gay-buc-nat-manh-ai-nay-di

Nhiều vụ tai nạn xảy ra do phân làn đường giao thông.

Tuy nhiên, Hà Nội sẽ vẫn tiếp tục phân làn – đó là khẳng định của lãnh đạo sở GTVT Hà Nội. Theo đó, Sở này sẽ tiếp tục chi hơn 16 tỷ đồng để phân làn 8 tuyến phố: Kim Mã, Nguyễn Trãi - Trần Phú (Hà Đông), Yên Phụ - Trần Nhật Duật - Trần Quang Khải, Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Văn Linh (đoạn từ Nguyễn Văn Cừ đến cầu Vĩnh Tuy), Bắc Thăng Long - Nội Bài.

Về mặt ý nghĩa thì có thể thấy rằng, mục tiêu của việc phân làn đường nhằm giảm ùn tắc giao thông trong bối cảnh cứ ra đường là tắc. Tuy nhiên, trong khi điều kiện hạ tầng chưa cho phép thì Hà Nội vẫn tính chuyện chi tiền tỷ vào một việc mà gần như đã biết trước kết quả sẽ không được như mong đợi. Như vậy, việc thực hiện phân làn chưa đạt hiệu quả là chưa hợp lý hay do ý thức tham gia giao thông của người dân Thủ đô?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại