Người Nhật tưởng nhớ các nạn nhântrònmột năm sauthảm họa động đất/sóng thần.
Thực hư mức độ an toàn thực phẩm
Trước khi xảy ra tai nạn hạt nhân Fukushima, với người dân Nhật Bản, an toàn vệ sinh thực phẩm là chuyện không đáng phải bận tâm. Một năm sau xảy ra tai họa, nỗi lo thực phẩm nhiễm phóng xạ vẫn ám ảnh người tiêu dùng ở đất nước này mặc dù chính quyền vẫn cố gắng trấn an người tiêu dùng.
Sau tai nạn chính quyền đã phải tiến hành đo đạc rất tỷ mỉ nồng độ nhiễm xạ trong các loại thực phẩm, đồng thời tạm thời cấm lưu hành các loại sản phẩm rau quả, thịt cá, sữa… có nguồn gốc từ khu vực Fukushima và vùng phụ cận. Từ đó đến nay có rất nhiều vấn đề xung quanh cái ăn khiến người dân Nhật không khỏi lo ngại nhất là việc chính quyền thông tin thiếu nhất quán về nguy cơ nhiễm xạ.
Thí dụ như lúa gạo trồng trong khu vực xảy ra tai nạn ban đầu được công bố là vẫn có thể sử dụng được nhưng sau khi có các xét nghiệm bổ sung thì lại phát hiện ra mức nhiễm xạ tăng cao hơn bình thường.
Nước biển bị ô nhiễm
Sau khi sóng thần tàn phá nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1, các vụ nổ đã liên tiếp xảy ra. Tình hình trở nên vô cùng nghiêm trọng. Vỏ bọc bị phá hủy, sau đó lò phản ứng bị nóng chảy. Và nước nhiễm phóng xạ cường độ cao bắt đầu chảy vào đại dương.
Theo giới khoa học Nhật Bản, từ Fukushima-1 đã xả xuống Thái Bình Dươngkhoảng 13.000-15.000 terabekkereley chất phóng xạ. Hầu hết các chất này có thời gian phân hủy ngắn và cho đến thời điểm hiện nay không gây nguy hiểm.
Nhà môi trường học nổi tiếng Alexei Yablokov của Nga phân tích: “Hầu hết các hạt nhân phóng xạ trôi vào đại dương. Phóng xạ này không hòa tan được hoàn toàn. Bây giờ một nửa số cá được mua bán ở phần phía đông Nhật Bản bị nhiễm hạt nhân phóng xạ Fukusima. Hạt nhân phóng xạ qua các đại dương dạt đến Mỹ. Các đám mây mang khí thải bay qua Mỹ và tới châu Âu. Ngay cả ở Litva đã ghi nhận plutoni từ Fukusima. Khí thải phóng xạ cũng ảnh hưởng đến phần lãnh thổ Nga giữa Kamchatka và Chukotka.”
Hậu quả với kinh tế, bao giờ khắc phục xong?
Ngoài hậu quả môi trường và nhân đạo do thảm họa hạt nhân Fukusima gây ra, người Nhật còn phải chịu hậu quả kinh tế. Thiệt hại sóng thần cho đất nước được ước tính khoảng 200 tỷ USD, và nếu tính cả thiệt hại do tai nạn nhà điện hạt nhân gây ra thì con số này lên đến 500 tỷ.
Một con số cho thấy mức độ thiệt hại với nền kinh tế Nhật Bản: Số công ty bị phá sản lên đến gần 650 công ty, kể từ sau thảm họa 11/3.
Công ty nghiên cứu tín dụng tư nhân Teihoku Databank cho biết, tính trong tròn một năm qua, có 645 công ty bị phá sản ( đây là chỉ tính những công ty có số nợ ít nhất là từ 10 triệu yên trở lên, tức là khoảng 120.000 USD). Con số này cao gấp 3,3 lần, so với số công ty bị phá sản trong 1 năm, sau trận đại động đất Hanshin năm 1995.
Khởi động lại nhà máy điện hạt nhân, nên hay không nên?
Bộ trưởng Công nghiệp Nhật Bản Edano Yukio cuối tuần trước tuyên bố chính phủ sẽ quyết định có khởi động lại các lò phản ứng hạt nhân hay không sau khi các chính quyền địa phương chấp nhận kết quả điều tra đánh giá độ an toàn do chuyên gia tiến hành.
Thảm họa Fukushima khiến các nước hàng đầu thế giới phải xem xét lại chương trình phát triển "hạt nhân hòa bình" của mình. Một số nước như Đức chẳng hạn, cuối cùng đã quyết định từ bỏ năng lượng hạt nhân.
Đối phó với thảm họa tương lai, làm cách nào?
Sau vụ động đất và sóng thần tàn phá vùng đông bắc Nhật Bản cách nay đúng một năm, người dân Nhật hồi hộp chờ đợi nguy cơ mà giới khoa học gọi là “cơn đại địa chấn thế kỷ”. Theo các nhà khoa học Nhật Bản, thủ đô Tokyo nằm trong vùng thiên tai với xác xuất 50% trong vòng 4 năm tới.
Nhật Bản đang gấp rút chuẩn bị một loạt biện pháp từ khoa học đến công nghệ và ngoại thương để giới hạn thiệt hại cho nhân mạng và kinh tế quốc gia. Các cuộc tập dượt đối phó với thảm họa thiên tai cũng đang được nỗ lực phổ biến trong nhân dân.
Theo Hà Khoa
Dantri.com.vn