Tâm lý “lỡ va quệt thì đâm cho chết, còn hơn để sống” xuất hiện ở một số lái xe có đạo đức kém, tâm lý không vững vàng. Nếu đào tạo lái xe như hiện nay chắc chắn tâm lý ấy sẽ còn lan rộng.
Để đi tìm lời giải, một cái nhìn khoa học hơn về tâm lý “lỡ va quệt thì đâm cho chết, còn hơn để sống” của cánh lái xe tải, xe ben, chúng tôi đã có buổi phỏng vấn thầy Trần Đức Châm, giảng viên chuyên ngành Xã hội học tội phạm, khoa Xã hội học, trường ĐH KHXH&NV, ĐH QGHN về vấn đề này.
– Thầy có cho rằng ở cánh lái xe tải, xe ben tồn tại tâm lý “lỡ va quệt thì đâm cho chết, còn hơn để sống”?
Theo tôi là có, nhưng nó chỉ tồn tại ở một bộ phận ít lái xe. Số đối tượng có tư tưởng, tâm lý đấy nhìn chung là có phẩm chất đạo đức kém, thiếu hiểu biết pháp luật. Cùng với việc nó nghĩ xe nó to, người ta tránh nó chứ nó chả phải nhường ai, nên nó bất chấp, chạy bạt mạng.
Nếu tâm lý, đạo đức của anh không tốt, sẽ dễ dẫn đến hành động gây tai họa cho người khác.
Thầy Trần Đức Châm: "Tâm lý đâm cho chết ở lái xe sẽ còn tăng".
– Theo thầy, tâm lý trên hình thành như thế nào, tại sao lại có tâm lý đó?
Đạo đức của lái xe liên quan đến đặc điểm về tâm lý, nhìn những người có tâm lý vững vàng khác hẳn với những người khác. Nếu tâm lý không tốt, thường thấy tính cách có biểu hiện hơi thái quá, đi liền với nó là nhận thức không đúng về hành vi của mình.
Cũng có loại nhận thức được hành vi của mình, nhưng tự nhận thấy tính chất vi phạm của mình không nặng, dẫn tới hành động sai.
Thêm nữa, tâm lý trên còn liên quan đến nhận thức về pháp luật. Nhiều lái xe chưa hiểu được chính sách pháp luật của ta thế nào, nên nhiều khi hành động theo cảm tính.
Vào một số tình huống bất khả kháng, lái xe có tâm lý là nếu tránh tính mạng mình sẽ bị nguy hiểm, hoặc là tài sản trên xe liên quan đến đời sống của mình sẽ bị hỏng, nên cứ thế đâm thẳng.
Còn để có tâm lý cứ gây tai nạn, cùng lắm thế này thế kia, thì có thể do pháp luật của ta chưa được nghiêm lắm.
Ngoài ra, do công tác thi tuyển, đào tạo của mình hiện nay chưa được tốt, khi quá nhiều trường đào tạo lái xe, nhưng chất lượng lại không không tỉ lệ thuận với số lượng. Không những cần đào tạo về chuyên môn, mà đi liền với nó là đạo đức của người lái xe như thế nào, rất cần được chú ý.
Cùng với những tác động từ thu nhập, nên phải chạy nhanh, trốn tránh lực lượng chức năng. Khi xảy ra tai nạn thì nghĩ có bảo hiểm, công ty họ lo… đó thật sự là hậu họa cho xã hội.
- Phải chăng mức xử phạt hiện nay của luật pháp còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe?
Ta vẫn cần xác định Pháp luật có những lúc, những khi chưa phù hợp, có bất cập, nhưng ta vẫn có thể chỉnh sửa, bổ sung. Cái quan trọng là ý thức thực thi pháp luật của ta phải nghiêm, để có tính răn đe, sau mới nói được hiệu quả của pháp luật.
Vì bảo hiểm tính mạng, tài sản như thế này, thế kia mà anh tính toán phi nhân tính như thế, thì cũng phải có hình thức để xử lý. Thậm chí có bổ sung để xử lý nặng hơn.
- Còn từ phía gia đình nạn nhân, đôi khi chấp nhận nhận tiền đền bù của lái xe để rút đơn kiện, xin giảm án… đấy phải chăng lại tạo thêm điều kiện để phát triển tâm lý xem thường mạng người của lái xe?
Người Việt Nam thường suy nghĩ nhiều đến tình cảm, với suy nghĩ “đánh kẻ chạy đi, chứ không ai đánh người chạy lại”. Hoặc gia đình nó chả có gì cả, cũng nghèo khó. Cũng có thể, do điều kiện kinh tế của gia đình nạn nhân, nên dẫn tới suy nghĩ đằng nào cũng như thế rồi, thôi thì cứ nhận đền bù, rồi mở cho nó một con đường… Những cái đó đều có tác động nhất định đến tâm lý lái xe.
Đạo đức kém sẽ dẫn tới tâm lý không vững vàng, hành động sai trái khi xảy ra tai nạn
– Còn tâm lý lứa tuổi ảnh hưởng như thế nào đến tâm lý của lái xe, khi đối tượng lái xe ben thường còn rất trẻ, mới học xong bằng lái?
Ta đều biết rồi, tùy vào từng lứa tuổi, giai đoạn sẽ có tâm lý khác nhau. Chẳng hạn như việc đua xe máy ngoài đường chỉ có thanh niên mới lớn, không sợ chết, gẫy chân vẫn đua. Chứ làm gì có ai có vợ con rồi lại ra đi đua xe đâu.
Đối tượng lái ô tô cũng vậy thôi, nhiều lái xe còn trẻ, mới cầm lái nhưng cũng lao bạt mạng, bất chấp. Vì thích thể hiện nọ kia, thích được người ta để ý…
– Theo thầy, tâm lý kể trên của lái xe ngày nay đang tăng lên hay giảm đi, vì sao?
Nếu xét trong các điều kiện hiện nay, xu hướng tai nạn giao thông sẽ tăng lên, và cũng là điều kiện để tâm lý trên phát triển, lan rộng.
Nếu luật được làm nghiêm, lái xe được đào tạo tốt, đặc biệt là về đạo đức thì nó phải tốt lên chứ. Nhưng nếu chúng ta chưa chú ý tới cái đó, vẫn cứ đào tạo ồ ạt như hiện nay, thì không chỉ tay nghề, mà đạo đức của lái xe sẽ đi xuống. Cộng với pháp luật chưa nghiêm, lái xe sẽ coi thường pháp luật. Và như vậy tư tưởng đấy sẽ có xu hướng tăng lên.
Vậy thì tai nạn sẽ xảy ra nhiều, mà tai nạn lại liên quan đến kinh tế, sẽ tác động đến tâm lý của lái xe, buộc họ phải tính toán. Thậm chí có những đối tượng phải liều.
- Để được học lái bằng C, điều kiện là phải học hết lớp 9. Theo thầy như vậy đã đảm bảo về nhận thức, trình độ để được cầm vô lăng, đặc biệt là những loại xe tải, xe ben?
Ai cũng biết, nếu được học nhiều hơn, sẽ có nhận thức tốt hơn, trình độ cao hơn.
Nhưng ta phải thừa nhận một thực tế, những người đi học lái để ra hành nghề lái xe tải, xe ben đa phần xuất thân từ gia đình nghèo, sống ở các vùng quê xa xôi… phải đi học lái xe để có việc làm.
Nên nếu quy định cao hơn cũng tốt, nhưng như thế sẽ cản trở việc có nghề nghiệp của người nghèo. Nên ta phải tạo điều kiện thôi.
Để dần loại bỏ lối suy nghĩ tiêu cực, xem thường tính mạng người vô tội của lái xe, phải thay đổi cách thức đào tạo lái xe. Đi liên với đào tạo chuyên môn, chúng ta cần có hẳn chương trình giáo dục về đạo đức nghề nghiệp, thắt chặt kỷ cương pháp luật…
Xin cảm ơn thầy!
Theo VTC.vn