Liên quan đến hai vụ tài xế mở cửa ô tô gây ra tai nạn giao thông khiến người điều khiển xe máy tử vong trong thời gian gần đây ở Nghệ An và TP. HCM, trong dư luận có ý kiến băn khoăn khi đặt ra câu hỏi: người mở cửa xe là người gây ra tai nạn nhưng người trực tiếp đâm xe dẫn đến chết người lại là xe ô tô đi phía sau, vậy xử lý như thế nào?
Cụ thể, trong vụ tai nạn giao thông xảy ra vào khoảng lúc 10h sáng ngày 28/12/2012 trên đoạn đường Trần Phú, TP Vinh (Nghệ An), tài xế xe con bất ngờ mở bung cửa xe khiến một người điều khiển xe máy bị ngã ra đường và đúng lúc đó, chiếc ô tô tải đi từ phía sau trờ tới đã cán chết người đi xe máy.
Về vấn đề trên, LS Giáp Văn Điệp cho rằng: “Trong vụ việc mở cửa xe ô tô gây tai nạn giao thông dẫn đến chết người cần phải xét đến yếu tố lỗi hỗn hợp của nhiều phía. Người mở cửa xe gây ra tai nạn nhưng người trực tiếp đâm vào dẫn đến chết người lại là chiếc xe đi phía sau. Tài xế xe sau cũng có thể bị truy cứu hình sự nếu vi phạm về tốc độ và phần đường khi điều khiển phương tiện giao thông.
Người mở cửa xe ô tô là người trực tiếp gây ra tai nạn cho người điều khiển xe máy. Ở đây người mở cửa xe đã phạm lỗi là thiếu quan sát, rời khỏi xe khi chưa đảm bảo các điều kiện an toàn và gây ra tai nạn giao thông với hậu quả nghiêm trọng. Người mở cửa xe ô tô đã vi phạm cả Luật Giao thông đường bộ lẫn Luật hình sự (vì gây chết người). Mức xử phạt cao nhất được tiến hành theo điều khoản quy định tại Bộ Luật Hình sự Việt Nam”.
Trước đó, vào trưa ngày 28/12/2012, cũng đã xảy ra vụ tai nạn gây chết người tương tự tại Nghệ An.
“Tuy nhiên, trong trường hợp trên thì nguyên nhân trực tiếp gây ra cái chết cho người điều khiển xe máy lại là do xe ô tô chạy đằng sau trờ lên cán phải, không phải do người mở cửa xe ô tô. Chính vì thế, ở đây cần xét đến yếu tố lỗi hỗn hợp và trách nhiệm hỗn hợp của cả hai phía. Cụ thể là cần phải xét đến việc có hay không trách nhiệm của tài xế điều khiển chiếc xe trực tiếp đâm chết người kia.
Nếu người tài xế điều khiển chiếc xe phía sau chạy quá tốc độ quy định trên tuyến đường xảy ra tai nạn, ví dụ ở nội thành quy định chạy 40km/giờ mà anh chạy lên đến 60km/giờ hoặc chạy sai làn đường thì rõ ràng người điều khiển chiếc xe này đã vi phạm luật giao thông và cũng là nguyên nhân đã gây ra cái chết cho người đi xe máy. Ở trường hợp này, tài xế của chiếc xe phía sau vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự cùng với người đã mở cửa ô tô gây tai nạn trước đó.
Tuy nhiên, nếu người điều khiển xe ô tô chạy sau chạy đúng và làm chủ được tốc độ của mình, đúng làn đường thì không thể truy cứu trách nhiệm được. Trong trường hợp này, việc gây chết người được xem là trường hợp bất khả kháng, không may xảy ra mà thôi”, LS Giáp Văn Điệp phân tích.
Cũng theo LS Giáp Văn Điệp, đối với trường hợp gây ra tai nạn giao thông dẫn đến chết người vì mở cửa xe ô tô gần đây, các cơ quan chức năng cần tiến hành điều tra để sớm làm rõ về trách nhiệm của các bên liên quan, đảm bảo xử đúng người đúng tội theo đúng quy định của pháp luật.
Điều 202 của Bộ Luật Hình sự vẫn còn những "vướng mắc"
Liên quan đến hai vụ tai nạn giao thông nói trên, dư luận cho rằng Điều 202 quy định về “Tội phạm vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” vẫn còn những hạn chế dẫn đến “vướng mắc” trong quá trình thực hiện.
Những vướng mắc nói trên thể hiện như sử dụng xe máy chuyên dùng vi phạm quy định về an toàn GTĐB gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác có thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều 202?
Ngoài ra, các quy định về tình tiết không có giấy phép lái xe hoặc bằng lái xe theo quy định, gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm, lỗi trong tình tiết không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người che giấu người tội phạm… quy định tại Điều 202 Bộ Luật Hình sự nên hiểu theo cách nào là đúng nhất vì thực tế vẫn còn những “kẽ hở”.