Ngày 14-7, Chủ tịch UBND
tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh đã ký quyết định bổ sung 330 tỉ đồng cho
dự án xây dựng tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng, nâng tổng số tiền đầu tư từ ngân sách Trung ương và ngân
sách tỉnh lên hơn 410 tỉ đồng, gấp 5 lần số tiền được phê duyệt ban đầu
là 81 tỉ đồng (vào tháng 8-2007). Sau khi
hoàn thành, tượng đài không chỉ lớn nhất Việt Nam mà còn lớn nhất Đông
Nam Á.
Liệu có quá lãng phí?
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Kiến trúc sư TPHCM, ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho rằng xét về mặt kiến trúc, hầu hết các tượng hoành tráng đặt ngoài trời trên thế giới đều mang tính chất tôn giáo. Còn hình ảnh về một người mẹ thường rất thân thuộc, cụ thể chứ không phải thần thánh, nếu chúng ta làm với tỉ lệ lớn sẽ mang tính áp đặt, nặng nề và không gần gũi.
Với một tượng đài như tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, chỗ cao nhất là 18 m, chiều dài vòng cung tới 120 m… làm bằng granit nằm ở khoảng không. Với không gian này, có thể chúng ta chưa làm chủ được khối lượng granit, rất dễ tạo cảm giác khô khốc, chống lại thiên nhiên cho dù có đặt một cái hồ phía trước tượng đài thì cũng vậy, rất khó tạo cảm giác gần gũi.
Chúng ta không cứ phải dựng to theo kiểu Liên Xô hay Trung Quốc. Người Nga làm tượng lớn vì đó là một dân tộc lớn về lãnh thổ và về tầm vóc. Còn tư duy theo truyền thống của người Việt là cái lớn nằm trong cái nhỏ. Các cổng làng, đình, chùa của mình… đều nhỏ thôi nhưng hàm chứa trong nó những giá trị tinh thần rất lớn.
Điều đó không có nghĩa là cha ông ta không thể làm to, mà do điều kiện địa lý nóng ẩm, chưa làm xong rêu đã mọc, cộng thêm mưa bão nên người ta cần phải làm thế. Có những thứ càng rêu phong cổ kính càng đẹp nhưng đối với tượng đài bằng đá thì không những không đẹp mà còn mất tính thẩm mỹ của tượng đài” - các nhà chuyên môn phân tích.
Nhìn từ góc độ tinh thần, một nhà chuyên môn cho rằng từ Bắc vào Nam, các bà mẹ Việt Nam rất kiên cường nhưng hình ảnh đọng lại trong chúng ta là những bà mẹ có vóc người nhỏ bé, hom hem, ngồi ngoáy trầu, ngóng chờ con, không như bà mẹ ở nước Nga, còn trẻ, lực lưỡng giơ cao thanh kiếm, miệng thét lớn… Nếu vì bức bách một tượng nào đó nên bắt nhân vật phải như thế này, thế nọ là duy ý chí.
Sao không lo chăm sóc “tượng đài mẹ” đang sống
Theo
con số thống kê chưa đầy đủ, hiện nay, cả nước còn khoảng 44.253 bà mẹ
Việt Nam anh hùng còn sống. Hầu hết các mẹ đã ở vào độ tuổi 90, cái tuổi
rất dễ ra đi trong hôm sớm.
Nói như nhà văn Trầm Hương: “Mỗi chúng ta, những người đang được sống hôm nay, xin hãy xây dựng tượng đài người mẹ Việt Nam anh hùng ngay trong tấm lòng mình. Có nhiều cách để tôn vinh những bà mẹ ấy. Sao không chăm sóc những “tượng đài mẹ” đang sống?”.
(Báo Người Lao động)